|
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc: Cần trân trọng các đồng vốn đầu tư, vì vốn đầu tư công như vốn mồi, nếu được giải ngân kịp thời, hiệu quả sẽ giúp kích cầu, tăng trưởng kinh tế, tạo công văn việc làm, phát triển kinh tế xã hội bền vững - Ảnh:VGP |
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, tính đến ngày 30/11/2021, cả nước mới giải ngân được 65,7% kế hoạch. Như vậy là rất thấp trong khi dịch COVID-19 hoành hành và nước ta cần phải giải ngân nhanh vốn đầu tư xây dựng cơ bản để lôi kéo nguồn vốn tư, nguồn vốn xã hội hóa cho đầu tư phát triển.
Trong cuộc họp này, Bộ Tài chính lắng nghe ý kiến của 6 tỉnh xem nguyên nhân, khó khăn, vướng mắc khiến tiến độ giải ngân chậm, từ đó có kiến nghị về mặt chính sách.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tại Quyết định số 2185/QĐ-TTg ngày 21/12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước năm 2021 cho 6 địa phương là 24.048,659 tỷ đồng.
Trong đó, nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương là hơn 14.948 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách Trung ương là hơn 6.058 tỷ đồng, nguồn vốn nước ngoài ODA là hơn 3.41 tỷ đồng.
Số giải ngân vốn (đến 30/11/2021) của 6 địa phương là 11.749,185 tỷ đồng, chỉ đạt 48,9% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao năm 2021. Trong đó, tỉnh Cà Mau có số giải ngân cao nhất, đạt 59,1%; tỉnh An Giang thấp nhất trong 6 tỉnh, đạt 33,8%. Tính trung bình cả 6 địa phương đều thấp hơn bình quân cả nước 65,7%. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đánh giá, dù cố gắng nhưng tiến độ giải ngân của các địa phương còn chậm so với yêu cầu.
Trao đổi tại cuộc họp, đại diện 6 địa phương đều báo cáo những khó khăn, vướng mắc cụ thể với Tổ công tác. Những khó khăn chung phải kể đến như: Khó khăn về hoàn thiện thủ tục đầu tư; thiếu nhân công, tư vấn, chuyên gia (nhất là của các dự án ODA); công tác giải phóng mặt bằng; giá nguyên, vật liệu tăng trong quá trình xây dựng; khó khăn về mua, nhập khẩu và vận chuyển máy móc, thiết bị.
Ngoài ra, còn một nguyên nhân quan trọng khác khiến tiến độ giải ngân của những địa phương này thấp hơn so với mặt bằng chung cả nước là ảnh hưởng chung của đại dịch COVID-19; các dự án khởi công mới phải chờ kế hoạch trung hạn 2021-2025, trong khi đó, năm 2021 là năm bắt đầu kế hoạch 2021-2025, các địa phương bố trí khởi công mới nhiều dự án và triển khai dự án liên vùng, quy mô lớn nên thời gian chuẩn bị dự án đòi hỏi dài hơn; cơ chế thông báo vốn của địa phương đối với khoản thu từ đất theo hình thức ghi thu - ghi chi dẫn đến không phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đối với khoản thu này…
Đại diện các địa phương đã có kiến nghị liên quan đến chức năng nhiệm vụ của các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải.
Ông Lê Văn Phước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm trình Chính phủ xem xét phê duyệt khoản vay hỗ trợ vùng Đồng bằng sông Cửu Long để thực hiện dự án “Xây dựng hệ thống hồ trữ ngọt gắn với hạ tầng thủy lợi phục vụ liên kết sản xuất tiểu vùng tứ giác Long Xuyên”.
Còn đại diện tỉnh Đồng Tháp, ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh cũng kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép địa phương được bố trí vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 từ nguồn ngân sách Trung ương theo giá trị giải ngân thực tế của từng dự án.
Tại cuộc họp, đại diện các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải cũng đã có ý kiến trả lời vướng mắc của từng địa phương. Với các ý kiến ngoài thẩm quyền của Tổ công tác, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định sẽ tổng hợp, báo cáo tới Thủ tướng Chính phủ.
Có nhiều lý do khiến tiến độ chậm trễ bao gồm giao kế hoạch trung hạn, chuẩn bị thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, các thủ tục điều chỉnh dự án… Tuy nhiên, cơ bản vẫn là trách nhiệm người đứng đầu, không ai làm thay được các địa phương, cần quyết tâm, linh hoạt, chuẩn bị sớm các thủ tục hồ sơ để triển khai. Lãnh đạo các địa phương cần nghiên cứu những vấn đề thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh để giải quyết sớm nhất, đồng thời thường xuyên trao đổi gỡ vướng, góp phần thực hiện mục tiêu chung của Chính phủ.
“Cần trân trọng các đồng vốn đầu tư, vì vốn đầu tư công như vốn mồi, nếu được giải ngân kịp thời, hiệu quả sẽ giúp kích cầu, tăng trưởng kinh tế, tạo công văn việc làm, phát triển kinh tế xã hội bền vững”, ông Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, Nghị quyết số 63/NQ-CP của Chính phủ quy định đến hết năm 2021, tốc độ giải ngân phải đạt 95-100%. Năm 2020, dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng nhưng tốc độ giải ngân đầu tư công vẫn đạt 96%. Dù thực tế năm 2021, tình hình dịch căng hơn, kéo dài hơn, nhưng lãnh đạo các địa phương cần nỗ lực, quyết tâm hơn từ cấp tỉnh đến huyện để tháo gỡ khó khăn, tập trung đẩy nhanh xây dựng công trình đúng quy định.
"Nghị quyết của Chính phủ đã nêu, giải ngân năm 2021 phải đạt 95% nên các tỉnh cần nỗ lực ngày đêm. Đồng thời, tập trung tháo gỡ nút thắt khó khăn. Bộ Tài chính cũng sẽ tham mưu cho Chính phủ để có văn bản tháo gỡ khó khăn sớm nhất cho các tỉnh”, lãnh đạo Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Anh Minh