Nhằm mục đích góp phần vào việc hoàn thiện các giải pháp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nông nghiệp thông qua hoạt động R&D trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, ngày 25/4, tại Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức Hội thảo “Đánh giá thực trạng năng lực R&D và tác động của nó tới năng suất, chất lượng và kết quả kinh doanh của Doanh nghiệp – Nghiên cứu điển hình ngành nông nghiệp Việt Nam”.
Toàn cảnh Hội thảo diễn ra ở Hà Nội (Ảnh: HNV)
Thực tế, ở Việt Nam, nông nghiệp đóng vai trò quan trọng, việc phát triển nông nghiệp trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là cần thiết. Trong cuộc cách mạng này, Việt Nam đã chọn nông nghiệp và du lịch là đòn bẩy để phát triển. Nông nghiệp thông minh sẽ bao gồm việc xác định chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp sang tập trung phát triển những cây và con có giá trị kinh tế cao hơn và điều đó được nghiên cứu, hỗ trợ bằng công nghệ số và khoa học dữ liệu.
Để đáp ứng được yêu cầu phát triển của nền kinh tế trong bối cảnh công nghệ thông minh thì đòi hỏi năng lực công nghệ của các chủ thể trong đó có doanh nghiệp nông nghiệp cũng phải tăng lên tương ứng. Điều này, lại yêu cầu DN nông nghiệp phải có năng lực R&D để có thể tiếp thu và áp dụng hoặc sáng chế ra những sản phẩm và công nghệ mới cho năng suất và giá trị sản xuất cao hơn.
Tuy nhiên, trên thực tế, năng lực công nghệ và R&D của doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam còn nhiều hạn chế, số doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và phát triển rất khiêm tốn. Theo số liệu của Bộ Khoa học và Công nghệ, kinh phí cho hoạt động R&D trong lĩnh vực nông nghiệp chỉ chiếm 8,39% tổng chi ngân sách.
Còn theo điều tra của nhóm nghiên cứu Trường Đại học Kinh tế Quốc dân năm 2018, số doanh nghiệp nông nghiệp đầu tư vào R&D chỉ chiếm 17,3% trong tổng số gần 500 doanh nghiệp và hợp tác xã được điều tra. Đây là một rào cản toàn ngành nông nghiệp nói chung và các doanh nghiệp nông nghiệp nói riêng trong quá trình thực hiện vai trò của mình đối với nền kinh tế trong bối cảnh mới.
PGS.TS Phan Tố Uyên – Nguyên Phó Viện trưởng Viện Thương mại và Kinh tế Quốc tế (Đại học Kinh tế Quốc dân) nhận định, mặc dù hoạt động R&D đã ngày càng được các doanh nghiệp Việt Nam coi trọng và đầu tư. Tuy nhiên, mức độ quan tâm và đầu tư ở hầu hết các doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam còn rất khiêm tốn. Nguyên nhân chủ yếu là do những khó khăn về vốn đầu tư, nhận thức về vai trò của R&D trong sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp này chưa rõ ràng, đặc biệt, hầu hết các doanh nghiệp nông nghiệp là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ.
Cần đẩy mạnh hơn nữa R&D trong doanh nghiệp nông nghiệp (Ảnh: P.S)
Đồng quan điểm về vấn đề này, TS Nguyễn Tiến Định – Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) - nhận định, thực tế hiện nay năng lực công nghệ và R&D trong doanh nghiệp nông nghiệp còn nhiều hạn chế. Số lượng doanh nghiệp ít chỉ chiếm khoảng 1,6% số doanh nghiệp có đăng ký hoạt động. Doanh nghiệp nông nghiệp chủ yếu quy mô nhỏ, năng lực tài chính thấp, hiệu quả hoạt động chưa cao, sức cạnh tranh thấp.
Cạnh tranh diễn ra trên phạm vi toàn cầu cùng với sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ làm cho R&D trở lên cần thiết. Thực tế, có những doanh nghiệp khi đầu tư vào R&D đã mang lại nhiều lợi ích thông qua việc tạo ra sản phẩm mới, thâm nhập thị trường mới, mở rộng thị phần, nâng cao sự hài lòng khách hàng, tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận. R&D trong việc ứng dụng trồng tía tô xuất khẩu của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hồ Gươm là một ví dụ.
Tuy nhiên, R&D là một quá trình phức tạp, được tiến hành trong môi trường không chắc chắn, chứa đựng nhiều rủi ro, chịu tác động tích cực hoặc tiêu cực từ cả yếu tố bên trong và bên ngoài. Giải pháp tập trung vào tạo ra môi trường thể chế pháp luật thuận lợi, thúc đẩy các ngành, các lĩnh vực liên quan đến R&D của doanh nghiệp là vấn đề được đặt ra.
GS.TS. Phan Tố Uyên cho rằng, nâng cao năng lực R&D cho các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp nông nghiệp thì cần thiết phải nhận dạng được các loại hình đổi mới, xây dựng các tiêu chí đánh giá năng lực R&D, cũng như tìm hiểu được mối tương quan giữa R&D, năng lực R&D với việc nâng cao năng suất, chất lượng và kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Để thúc đẩy R&D trong DN, TS Nguyễn Tiến Định kiến nghị, cần đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; triển khai thực hiện cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn như: đất đai, tín dụng, bảo hiểm; xây dựng các chương trình liên kết, tạo điều kiện để thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư liên kết theo chuỗi giá trị; xây dựng hệ sinh thái R&D trong nông nghiệp./.
Hà Anh