|
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: VGP/Đỗ Hương |
Tại Hội nghị trực tuyến về giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác, chế biến, tiêu thụ thủy sản năm 2021 do Bộ NN&PTNT tổ chức hôm nay (10/6), các đại biểu đều cho rằng, ngành thủy sản đang phải đối mặt những khó khăn như: Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, kênh phân phối sản phẩm thủy sản đứt gãy, gián đoạn ở nhiều thị trường xuất khẩu; giá thủy sản giảm; cảnh báo “Thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu chưa được tháo dỡ tiếp tục tác động xấu đến hoạt động xuất khẩu thủy sản...
Mặc dù, năm qua xuất khẩu được 8,6 tỷ USD, sản phẩm thủy sản đã có mặt trên 195 thị trường nhưng những quốc gia này cũng đang áp dụng các hàng rào kỹ thuật phòng vệ thương mại. Để đáp ứng theo yêu cầu thị trường xuất khẩu không cách nào khác phải đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ về giống, nuôi trồng, thú y phòng bệnh và bảo quản sau thu hoạch. Bên cạnh đó cần cơ cấu lại các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản theo mô hình kinh tế tuần hoàn, theo chuỗi và nâng cao giá trị.
Theo đại diện Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), song song với việc thúc đẩy thực hiện các chính sách nâng cao chất lượng đánh bắt và khai thác thủy sản, ngành thủy sản cũng có những chiến lược đào tạo, chuyển đổi nghề cho ngư dân. Từ đó có thể sắp xếp lại đội ngũ và thực hiện bổ sung được nhân lực cho các công tác hậu cần trong lĩnh vực này. Thực hiện được điều này cũng sẽ giúp ngư dân ổn định và nâng cao đời sống trong các điều kiện yêu cầu về khai thác, đánh bắt mới.
Bàn về giải pháp nâng cao chất lượng, giảm tổn thất sau thu hoạch, tăng hiệu quả chế biến, ông Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, cần phải phát triển mạnh mẽ công nghiệp chế biến nguồn nguyên liệu. Để thực hiện việc này cần phải có quy hoạch đồng bộ tổng thể để phục vụ cho công tác chế biến và xuất khẩu. "Tỉnh Quảng Ninh đang chỉ đạo quyết liệt để nhanh chóng đầu tư thành lập các cụm công nghiệp ưu tiên; các cơ sở chế biến thủy hải sản, đan xen kẽ tạo các khu công nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi phát triển lĩnh vực công nghiệp chế biến, đặc biệt là chế biến thủy sản”, ông Khắng cho biết.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, ngành thủy sản đang quyết liệt thực hiện Luật Thủy sản năm 2017 và các khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định IUU. Cùng với đó tập trung công tác điều tra nguồn lợi, dự báo ngư trường khai thác; quản lý tàu cá, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá trên biển cũng như quản lý cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần nghề cá. Thủy sản được xác định là trụ cột tăng trưởng cho ngành nông nghiệp nhưng việc đầu tư còn chưa tương xứng về cơ sở hạ tầng như cảng cá, tàu bè, quy hoạch nuôi trồng chưa tốt, hệ thống ngành thủy sản mỏng và yếu.
Nhấn mạnh đến khai thác hải sản một cách bền vững, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu rõ, nếu không làm tốt bảo tồn thì sẽ không có nguồn lợi phát triển bền vững, đảm bảo bền vững giá trị gia tăng và phục vụ xuất khẩu. Để đạt mục tiêu Chiến lược phát triển ngành thủy sản đến 2030 và tầm nhìn 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phải thực hiện đồng bộ cả 3 trụ cột gồm: Khai thác, bảo tồn và nuôi trồng gắn với chế biến.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết: “Bộ NN&PTNT đã có Nghị quyết của Ban cán sự về việc nâng cao đầu tư công cho hạ tầng thủy sản giai đoạn 2021 – 2025. Nội dung này Bộ NN&PTNT đã gửi sang Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét để trình Quốc hội khóa XV. Bộ NN&PTNT cũng đã có đề xuất với Chính phủ những dự án vay vốn cho hạ tầng thủy sản. Riêng thực hiện kế hoạch hành động của ngành tôm cũng có những chương trình riêng, như vậy, các nguồn vốn nếu được thực thi thì hạ tầng thủy sản Việt Nam sẽ có bước thay đổi và trong giai đoạn 2021 chúng ta sẽ có những hạ tầng cơ sở đảm bảo được cho phát triển thủy sản một cách bền vững”.
Đỗ Hương