Đối với nước ta về cơ bản là một nước nông nghiệp, đi lên từ nông nghiệp thì công nghệ sinh học lại có vai trò đặc biệt quan trọng; là yếu tố góp phần bảo đảm an ninh lượng thực, chuyển đổi cơ cấu và phát triển bền vững kinh tế nông nghiệp, nông thôn; cung cấp những sản phẩm cơ bản và thiết yếu cho chăm sóc sức khỏe cộng đồng; bảo vệ môi trường sống và phục vụ phát triển công nghệ sinh học.
Với ý nghĩa đó, cách đây hơn 15 năm, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 50-CT/TW, ngày 04/3/2005 “Về việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Năm 2016, sau khi tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Kết luận số 06- KL/TW, ngày 01/9/2016 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị trên; nhằm đạt 3 mục tiêu; đó là: Tạo ra giống xây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao; phát triển công nghệ sinh học nước ta đạt trình độ công nghệ tiên tiến trong khu vực và tạo ra phong trào ứng dụng công nghệ sinh học rộng rãi trong nông nghiệp và nông thôn.
Để đạt 3 mục tiêu trên, một trong những giải pháp quan trọng đó là phải “ Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các cấp ủy đảng, các ngành, các cấp và toàn xã hội về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công nghệ sinh học trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.
Theo đó, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông; các cơ quan báo chí địa phương; báo chí Trung ương thường trú trên địa bàn tỉnh; Ban Tuyên giáo các huyện, thị ủy, thành ủy; tuyên huấn các đảng ủy trực thuộc tùy theo tình hình, nhiệm vụ đã có nhiều hình thức tuyên truyền sát hợp, hiệu quả; Thông qua Hội nghị Báo cáo viên Tỉnh ủy, Tài liệu sinh hoạt chi bộ, Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh Quảng Trị, các hội nghị, hội thảo... đã kịp thời đăng tải những nội dung chủ yếu của Chỉ thị số 50-CT/TW; tuyến bài về ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, trong đó có công nghệ sinh học tại tỉnh và các địa phương; doanh nghiệp. Cùng với đó, thông qua tuyên truyền kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, QPAN, công tác xây dựng Đảng hàng năm, qua đại hội đảng các cấp; Đại hội Đảng bộ tỉnh 3 nhiệm kỳ gần đây đã làm rõ những thành tựu, hạn chế và hướng phát triển công nghệ sinh học của tỉnh và trong xu thế hội nhập và phát triển. Công tác truyền truyền về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong hơn 15 năm qua, được tiến hành thường xuyên, có điểm nhấn, phản ảnh đúng xu thế phát triển, đáp ứng nhu cầu nhận thức của đại đa số người dân, doanh nghiệp.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, Chỉ thị số 50-CT/TW của Ban Bí thư, nên nhận thức của cán bộ, đảng viên và đa số người dân về đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học đã có bước chuyển biến rõ rệt. Xin nêu một số biểu hiện: Việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học được các cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp quan tâm. Sự phối hợp hoạt động của các ngành, đặc biệt giữa các Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Y tế, Hội Nông dân Việt Nam tỉnh... với các địa phương, doanh nghiệp trong quá trình nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học ngày càng hiệu quả. Một số doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh đã mạnh dạn ứng dụng các sản phẩm của công nghệ sinh học vào đời sống, nhất là các giống cây, giống con và các chế phẩm sinh học đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Đặc biệt, tôi muốn nhấn mạnh trong những năm gần đây, khi an toàn vệ sinh thực phẩm và ô nhiễm môi trường đang là những vấn đề đang được quan tâm hàng đầu thì việc thực hiện phương thức canh tác nông nghiệp hữu cơ được coi là giải pháp tối ưu; thu hút sự chú ý ngày càng tăng ở nhiều quốc gia, kể cả nước phát triển và nước đang phát triển. Đối với nước ta và tỉnh Quảng Trị xu hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang được doanh nghiệp, người sản xuất và người tiêu dùng quan tâm và là động lực mạnh mẽ cho nhiều doanh nghiệp và người sản xuất.
Cũng nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nên 15 năn qua trên địa bàn tỉnh ta nguồn lực đầu tư cho phát triển, ứng dụng công nghệ sinh học đã được phát triển theo hướng đa dạng và hiệu quả; nguồn nhân lực khoa học và công nghệ có bước phát triển; đầu tư hạ tầng cơ sở vật chất và hợp tác quốc tế trên lĩnh vực công nghệ sinh học đã tạo được những dấu ấn quan trọng….góp phần đưa nền kinh tế của tỉnh đạt tốc độ tăng trưởng khá; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng hướng. Đặc biệt, trong lĩnh vực nông nghiệp, việc ứng dụng công nghệ sinh học đã đem lại một số kết quả quan trọng như ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất phân hữu cơ vi sinh, phòng chống sâu bệnh đối với cây trồng, vật nuôi và nuôi trồng thuỷ hải sản; sản xuất giống cây lâm nghiệp bằng công nghệ nuôi cấy mô đã nâng cao chất lượng giống cây lâm nghiệp, ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các cấp ủy đảng, các ngành, các cấp và toàn xã hội về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công nghệ sinh học trong thời kỳ hậu 15 năm thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW, ngày 04/3/2005 của Ban Bí thư; thiết nghĩ cần phải tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu sau đây: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để cấp ủy đảng, chính quyền các cấp nắm chắc các mục tiêu cần đạt được từ nay đến hết nhiệm kỳ, đó là: Triển khai ứng dụng mạnh mẽ hơn nữa CNSH để tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, phục vụ tốt cho nhu cầu chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản là thế mạnh của tỉnh; Phát triển công nghệ sinh học phục vụ cho sản xuất hữu cơ đạt trình độ công nghệ khá trong khu vực; xây dựng nền công nghiệp sinh học phát triển, phát triển sản xuất hàng hóa một số sản phẩm chủ lực như gạo hữu cơ, cây dược liệu, cây công nghiệp... đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh và các địa phương; Tiếp tục đầu tư, tăng cường tiềm lực cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng CNSH, xây dựng các tổ chức KHCN đủ năng lực triển khai các dự án ứng dụng công nghệ cao về lĩnh vực công nghệ sinh học và tăng cường hợp tác với các tổ chức khoa học công nghệ trong và ngoài nước trên lĩnh vực công nghệ sinh học; Phấn đấu đến năm 2025, công nghệ sinh học đóng góp quan trọng vào nâng cao tốc độ tăng trưởng; chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đối với tỉnh ta phấn đấu đến “năm 2025, Quảng Trị trở thành tỉnh có trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình cao của cả nước; năm 2030 thuộc nhóm tỉnh khá của cả nước” như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra. Trí Ánh