Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Trị hiện nay 

Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là tập tục tồn tại từ lâu đời, gây ra nhiều hệ luỵ cho gia đình và xã hội như làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe bà mẹ và trẻ em, làm suy giảm giống nòi, chất lượng dân số và nguồn nhân lực của địa phương nói riêng và cả nước nói chung. Do đó, các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền cũng như người dân, từ đó đề ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dân số, phát triển kinh tế của địa phương.

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Trị có diện tích tự nhiên 313.675 ha, chiếm 68% diện tích tự nhiên của tỉnh, là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng – an ninh tuyến biên giới  Việt – Lào. Toàn vùng có 31 xã, thị trấn (theo Quyết định số 861/QĐ-TTg, ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ), trong đó 01 xã khu vực I, 02 xã khu vực II, 28 xã khu vực III. Dân số dân tộc thiểu số có tại thời điểm này 31/12/2022 là 20.999 hộ, 93.673 khẩu (chiếm tỷ lệ 14% dân số toàn tỉnh) với 02 cộng đồng dân tộc chủ yếu là Bru-Vân Kiều và Tà Ôi (Pa Cô). Thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, đến nay vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã đạt được nhiều kết quả trên các lĩnh vực: Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo lợi thế của từng tiểu vùng, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm trên 4%, bộ mặt nông thôn và miền núi đã có những đổi thay rõ rệt; bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp được bảo tồn, phát huy; an ninh chính trị luôn đảm bảo ổn định. Hạ tầng cơ sở được xây dựng đồng bộ phục vụ cơ bản cho sản xuất và đời sống dân sinh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiện tại vẫn là vùng khó khăn nhất của cả tỉnh. Tỷ lệ hộ nghèo ở các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn cao hơn so với các vùng khác và bình quân chung của tỉnh. Tình trạng thiếu việc làm, thu nhập thấp và không ổn định vẫn là những thách thức lớn đối với toàn vùng. Cơ sở hạ tầng nhiều nơi xuống cấp, nhất là hệ thống giao thông liên thôn xã đi lại rất khó khăn vào mùa mưa bão. Việc đào tạo nghề và sử dụng lao động trong nông nghiệp, nông thôn chưa thực sự mang lại hiệu quả tạo sinh kế bền vững giúp đồng bào thoát nghèo.

Mặt khác, tại tỉnh Quảng Trị thời gian qua, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn còn xảy ra ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhận thức được hậu quả của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, tỉnh Quảng Trị trên cơ sở tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 498/QĐ-TTg và Kế hoạch số 99/KH-UBND của UBND tỉnh về Triển khai thực hiện Đề án giai đoạn 2021 – 2025 (giai đoạn II). Ban Dân tộc chủ trì phối hợp các Sở, ngành địa phương liên quan tham mưu Uỷ Ban Nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 154/KH-UBND, ngày 13/9/2021 về thực hiện Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025.

Trong những năm qua, các cấp uỷ chính quyền trên địa bàn tỉnh đã vào cuộc quyết liệt với các hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về hệ luỵ của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Việc tuyên truyền tập trung vào các hình thức như: lắp đặt Pano tuyên truyền đến 31 xã vùng dân tộc thiểu số; thực hiện các chương trình truyền thanh, phóng sự truyền hình đến cơ sở. Tổ chức hội thi tìm hiểu pháp luật tại cộng đồng; tọa đàm, giao lưu văn hoá giữa học sinh, phụ huynh học sinh, giáo viên, các đơn vị theo dõi thực hiện tiểu dự án 2 tại các trường học vùng dân tộc thiểu số. Ban hành các tài liệu Kỹ năng thực hiện tuyên truyền vận động, kỹ năng chăm sóc sức khỏe giới tính tập huấn; bộ câu hỏi - đáp về Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, các văn bản về thực hiện Đề án 498 cho Nhóm nòng cốt thực hiện Giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại cộng đồng thôn bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng tuyên truyền cho cán bộ làm công tác dân tộc, văn hóa xã hội cấp huyện, xã; đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật tại thôn, bản. Uỷ ban Nhân dân các huyện phối hợp Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề tư vấn về sinh sản, sức khoẻ giới tính cho các đối tượng thanh, thiếu niên người dân tộc thiểu số. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, nhiều xã không có tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; nhiều xã giảm mạnh số trường hợp tảo hôn.

Ngoài ra, các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của người có uy tín, trưởng bản, trường dòng họ và cán bộ đảng viên, các đoàn thể chính trị xã hội trong công tác chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Nắm địa bàn kịp thời tuyên truyền ngăn chặn các trường hợp có ý định kết hôn cận huyết thống và tảo hôn.

Công tác xây dựng đời sống văn hoá cơ sở được quan tâm và tiếp tục đẩy mạnh, xây dựng gia đình văn hoá, xây dựng bản văn hoá,  thực hiện nếp sống văn hóa mới trong việc việc cưới, việc tang, lễ hộị. Tuyên truyền khuyến khích nhân dân tích cực tham gia các phong  trào thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ, góp phần đẩy lùi vấn nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết, xây dựng đời sống văn hóa mới. Tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế nhằm nâng cao đời sống cho người dân.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác tuyên truyền có thời điểm chưa thường xuyên, hiệu quả chưa cao. Công tác quản lý, kiểm tra, phát hiện sớm các trường hợp có nguy cơ tảo hôn để có biện pháp kịp thời ngăn ngừa còn hạn chế. Công tác xử lý vi phạm đối với các trường hợp tảo hôn và tổ chức tảo hôn chưa được quan tâm thực hiện, còn tình trạng nể nang khi xử lý các trường hợp vi phạm. Điều kiện kinh tế khó khăn làm cho một số gia đình không đủ sức chi phí cho con học hành, thiếu những điều kiện vật chất tối thiểu để nuôi dạy con cái nên tình trạng trẻ em bỏ học, thất học vẫn còn xảy ra dẫn đến tình trạng tảo hôn. Việc quản lý con em trong gia đình chưa chặt chẽ, các bậc phụ huynh chưa quan tâm đến đời sống tâm lý, tình cảm của con em mình khi bước vào độ tuổi vị thành niên.

Vì vậy, trong thời gian tới, để đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ cơ bản sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cũng như người có uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động đẩy lùi tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Hai là, tiếp tục đổi mới, đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật cho người dân, học sinh trong các trường học. Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các em. Xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên là các trẻ vị thành niên mạnh dạn và tự tin, bởi khi các em tổ chức các buổi sinh hoạt tại các nhóm dễ chia sẽ và hiệu quả hơn người lớn.

Ba là, tập trung các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn. Hướng nghiệp, dạy nghề, tạo việc làm cho các em trẻ vị thành niên. Hỗ trợ và phát triển mô hình kinh tế, sáng kiến thanh niên, thanh niên khởi nghiệp để hỗ trợ trẻ em, thanh thiếu niên có những mô hình phát triển kinh tế bền vững, tạo công ăn việc làm tại địa phương.

Bốn là, quan tâm chăm lo phát triển văn hóa, xã hội. Chú trọng xây dựng, tiếp tục duy trì các mô hình, câu lạc bộ ở các xã, huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, có nguy cơ cao về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện, xử lý các hành vi, vi phạm liên quan đến phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Phạm Xuân Ngọc- Trường Chính trị Lê Duẩn

225 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 706
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 706
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87048914