ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN, GÓP PHẦN THỰC HIỆN HIỆU QUẢ NHỮNG KHUYẾN NGHỊ, QUY ĐỊNH CỦA ỦY BAN CHÂU ÂU VỀ KHAI THÁC IUU 

Ngày 23/10/2017, Ủy ban Châu Âu (EC) cảnh báo “Thẻ vàng” đối với hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của Việt Nam (khai thác IUU) và đưa ra những khuyến nghị (9 khuyến nghị) yêu cầu Việt Nam cần phải thực hiện để chống khai thác IUU.

Từ năm 2018 đến nay, Đoàn Thanh tra của Tổng vụ các vấn đề về Biển và Thuỷ sản của Uỷ ban Châu Âu (Đoàn Thanh tra EC) đã 2 lần tiến hành kiểm tra tại Việt Nam (lần thứ nhất từ ngày 16-24/5/2018; lần thứ hai từ ngày 5-14/11/2019)1. Nội dung kiểm tra của Đoàn Thanh tra EC toàn diện về các khâu từ việc thành lập Ban chỉ đạo chống khai thác IUU, xác định khung pháp lý, công tác quản lý, kiểm tra, giám sát tàu cá đến công tác chứng nhận, xác nhận sản phẩm thủy sản....

Sau 02 đợt kiểm tra thực tế việc thực thi các khuyến nghị, quy định của EC về phòng, chống khai thác IUU, Đoàn thanh tra của Ủy ban Châu Âu đánh giá cao và ghi nhận sự cam kết, quyết tâm chính trị và nỗ lực của Việt Nam trong việc chống khai thác bất hợp pháp IUU, triển khai các khuyến nghị của EC. EC khẳng định Việt Nam đã có nhiều tiến bộ và đang đi đúng hướng; ghi nhận và đánh giá cao thiện chí, tinh thần hợp tác, sự minh bạch và trung thực của Việt Nam trong việc cung cấp thông tin, trao đổi giữa hai bên trong suốt thời gian Đoàn làm việc tại Việt Nam. Trong đó, đặc biệt ghi nhận:

- Việt Nam đã xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý bao gồm Luật Thủy sản 2017, 02 Nghị định, và các thông tư đã tạo nên cơ sở pháp lý toàn diện chống khai thác IUU phù hợp với các nghĩa vụ quốc tế; bước đầu đã tiến hành triển khai thực hiện các văn bản này trên thực tế.

- Việt Nam đã gia nhập và có cách tiếp cận để triển khai thực hiện Hiệp định Biện pháp các quốc gia có cảng của FAO và Hiệp định đàn cá di cư của Liên Hiệp quốc.

- Việt Nam đã cải thiện đáng kể công tác theo dõi, kiểm soát, giám sát tàu cá (MCS) so với trước, cụ thể:

+ Qua kiểm tra thực tế tại cảng cá Tắc Cậu, tỉnh Kiên Giang đã có sự tiến bộ đáng kể; quy trình quản lý, tổ chức giám sát tàu cá và kiểm soát sản lượng qua cảng được thực hiện linh hoạt, hiệu quả và cải thiện tốt hơn so với đợt kiểm tra vào tháng 5/2018.

+ Đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong triển khai lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá (VMS); đưa ra quy định và thực hiện đánh dấu tàu cá theo khuyến nghị của EC để giúp kiểm soát tàu cá hoạt động trên các vùng biển.

- Đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong công tác quản lý cường lực khai thác qua việc đóng băng đội tàu khai thác xa bờ (tại Quyết định giao hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản xa bờ cho 28 tỉnh ven biển của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Bên cạnh những kết quả đạt được, EC cũng đánh giá chúng ta còn nhiều hạn chế, tồn tại trong việc thực hiện khuyến nghị và quy định của EC, đó là:

- Quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật cần có thời gian, tuy nhiên một số văn bản quy phạm pháp luật ban hành còn chậm so với cam kết tiến độ, ảnh hưởng đến việc tổ chức triển khai trong thực tế (Nghị định số 26/2019/NĐ-CP và Nghị định số 42/2019/NĐ-CP), bên cạnh đó một số thời hạn triển khai các quy định mới (như thời hạn hoàn tất công tác đánh dấu tàu cá, lắp đặt thiết bị hành trình đối với tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên) còn quá tham vọng, dẫn đến việc khó thực thi các quy định theo đúng thời gian đưa ra.

- Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình là một trong những nội dung quan trọng để ngăn chặn và giảm thiểu khai thác IUU, tuy nhiên việc giám sát tàu cá và sử dụng hệ thống giám sát tàu cá để thực thi pháp luật vẫn chưa được toàn diện, chưa đảm bảo thực hiện các chế tài xử phạt, xử lý trong tất cả các trường hợp vi phạm, và còn rất nhiều lỗi kĩ thuật chưa được xử lý.

- Việc quản lý cường lực khai thác còn đáng quan ngại, việc tăng đội tàu sẽ xóa bỏ tất cả các nỗ lực quản lý nguồn lợi thủy sản một cách bền vững.

- Công tác kiểm soát tàu nước ngoài cập cảng Việt Nam để nhập khẩu sản phẩm thủy sản còn yếu, chưa thực hiện đươc các quy định tại Điều 70, Nghị định 26/2019/NĐ-CP.

- Cơ chế kiểm soát hiện nay chưa đảm bảo được nguồn gốc hợp pháp của một phần lớn sản phẩm chế biến ở Việt Nam, cụ thể:

+ Đối với đội tàu khai thác trong nước: trong công tác theo dõi tàu cá, khả năng của cơ quan chức năng trong việc xác định cá có được khai thác tại vùng biển cho phép hay không còn hạn chế;

+ Đối với đội tàu nước ngoài: Chưa triển khai được các quy định của Hiệp định biện pháp quốc gia có cảng. Hiện nay hoạt động kiểm soát nguyên liệu thủy sản từ khai thác được nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh vào lãnh thổ Việt mới chỉ kiểm tra qua giấy xác nhận kiểm dịch của các nước, chưa yêu cầu cung cấp các loại giấy tờ liên quan đến nguồn gốc của các lô hàng nhập khẩu để chứng minh nguồn gốc sản phẩm hợp pháp khi xuất sang thị trường Châu Âu.

+ Trong công tác quản lý theo chuỗi: Đoàn Thanh tra chưa thu được bằng chứng đảm bảo việc triển khai các quy trình kiểm soát sản phẩm thủy sản lưu trong kho lạnh ở các nhà máy chế biến thống nhất với hồ sơ mua bán và sản xuất. Việc chỉ thực hiện báo cáo hiện trạng sử dụng nguyên liệu đối với các chứng nhận xuất sang thị trường Châu Âu cũng dẫn đến khả năng các nhà máy chế biến vẫn có thể nộp đơn xin chứng nhận khai thác và chứng thư xuất khẩu khi nguồn nguyên liệu không còn trong nhà máy.      

- Mẫu chứng thư khai thác theo Thông tư 21/2018/TT-BNNPTNT hiện nay đã bỏ một số thông tin so với quy định tại của Châu Âu tại Quy định 1005/2008.

- Tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài chưa có dấu hiệu giảm, trong khi đó việc áp dụng quy định xử phạt hành chính mới trong lĩnh vực thủy sản đối với các trường hợp vi phạm vùng biển nước ngoài còn hạn chế (mới xử được 1 trường hợp). Việc áp dụng hình thức xử lý đối với tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài chưa thống nhất giữa các địa phương.

Sau 2 đợt kiểm tra,  phía EC tiếp tục đưa ra 4 nhóm khuyến nghị yêu cầu Việt Nam cần thực hiện để phòng, chống khai thác IUU, đó là: (1) Khung pháp lý; (2) Theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá, quản lý đội tàu; (3) Chứng nhận sản lượng và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác; (4) Thực thi pháp luật. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh Covid-19, phía EC không thể sang Việt Nam kiểm tra thực tế vào tháng 6/2020 và đến nay cũng chưa sang kiểm tra được.

Trong những kết quả đạt được, có thể khẳng định vai trò của truyền thống chính thống từ Trung ương đến cơ sở góp phần rất quan trọng.

Từ tháng 10/2017 đến nay trên 300 sản phẩm truyền hình, trên 300 sản phẩm truyền thanh và trên 700 bài báo giấy, báo điện tử liên quan đến chống khai thác IUU đã được các cơ quan truyền thông chính thống của Việt Nam đăng tải và đưa tin; 5.000 nghìn cuốn sách tuyên truyền về Luật Thủy sản 2017 và gần 60.000 tờ rơi tuyên truyền về IUU để phát cho ngư dân 28 tỉnh, thành phố ven biển. Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với các Bộ (Ngoại giao, Nông nghiệp và PTNT) biên soạn, in ấn “Sổ tay về một số điều ngư dân cần biết liên quan đến hoạt động khai thác thủy sản ở vùng biển Việt Nam” để cấp phát cho ngư dân; Ban hành Tài liệu tuyên truyền về chống khai thác IUU. Bộ Thông tin và Truyền thông hàng năm Ban hành Kế hoạch thông tin, tuyên truyền nhằm ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác IUU. Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Hội nghề cá Việt Nam... với Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức các Hội nghị, Hội thảo, đối thoại với các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, cộng đồng ngư dân để phổ biến các quy định về IUU; tổ chức họp báo quốc tế về các nỗ lực của Việt Nam trong chống khai thác IUU, giải đáp các thắc mắc và hỗ trợ khắc phục tác động của “Thẻ vàng” đối hoạt động xuất khẩu thủy sản của doanh nghiệp; huy động nguồn lực phối hợp với các Bộ, Ban, Ngành và địa phương vào cuộc chống khai thác IUU, khắc phục “Thẻ vàng” của EC. Hiệp hội VASEP Ban hành “Sách Trắng về IUU”, thực hiện chương trình Doanh nghiệp cam kết “Nói không với IUU”. VTV1, VTV2, VTV8, VTV9, VTC, Thông tấn xã Việt Nam, Truyền hình nhân dân, Truyền hình quốc hội, Đài tiếng nói Việt Nam, Tạp chí thủy sản Việt Nam, Báo nông nghiệp Việt Nam, Báo nông thôn ngày nay, Tuổi trẻ, Thanh niên, Tiền Phong, Sài Gòn giải phóng, Kinh tế nông thôn, Người lao động.... đã chuyển tải những tin, bài, chương trình đến với nhân dân trong cả nước.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU, thì một trong những nguyên nhân dẫn đến hạn chế, yếu kém trong việc thực hiện chống khai thác IUU là xác định nội dung tuyên truyền còn chưa phù hợp với đối tượng, chưa kịp thời rút kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền về biển, đảo, chưa chú trọng đến nội dung toàn diện. Việc truyền thông các tấm gương điển hình như một số tỉnh đã chấm dứt được tình trạng tàu cá vi phạm khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài…và những địa phương thực hiện chưa tốt công tác chống khai thác IUU còn hạn chế, bên cạnh tuyên truyền nêu gương những “người tốt, việc tốt” lại thiếu đi việc phê phán những “con người xấu, việc làm sai”; Việc thông tin, truyền thông về kinh nghiệm của các quốc gia khắc phục “Thẻ vàng”, “Thẻ đỏ” chưa được tuyên truyền rộng rãi.

Để góp phần thực hiện có hiệu quả những khuyến nghị, quy định của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác IUU, công tác tuyên truyền trong thời gian gian tới tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, nhất là các cơ quan truyền thông đại chúng trong việc duy trì, đẩy mạnh thường xuyên thông tin, truyền thông tuyên truyền về các quy định của pháp luật, chống khai thác IUU như trong thời gian qua. Các địa phương quan tâm hơn công tác thông tin, truyền thông về các tập thể, cá nhân điển hình (cả tốt và chưa tốt) về chống khai thác IUU. Các Bộ, Ban Ngành phối hợp với các cơ quan truyền thông để xây dựng các cơ sở dữ liệu về chống khai thác IUU, trong đó có kinh nghiệm các nước trong việc gỡ “Thẻ đỏ”, “Thẻ vàng” để bất cứ tập thể, cá nhân nào cũng có thể truy cập, chia sẻ thường xuyên. Tăng cường giáo dục ý thức pháp luật đối với cộng đồng ngư dân, chủ doanh nghiệp, nhất là nêu cao vai trò trách nhiệm của các hiệp hội, nghiệp đoàn nghề cá gắn với công tác điều tra, phát hiện, xử lý những hành vi môi giới, móc nối đưa tàu cá đi khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài. Lực lượng thực thi trên biển (Biên phòng, Hải quân, Cảnh sát biển, Kiểm ngư…) tăng cường phối hợp tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, vừa tuyên truyền vận động, vừa ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi khai thác IUU, kể cả áp dụng các biện pháp xử lý quyết liệt như: rút/không cấp mới giấy phép khai thác đối với chủ tàu có tàu cá vi phạm bị bắt giữ hoặc bị phát hiện qua VMS.  Phan Văn Lãn

 

1. Việc sang Việt Nam kiểm tra thực tế lần thứ ba được EC dự định vào tháng 6/2020, nhưng do tình hình dịch bệnh Covid-19 nên EC không  thực hiện được.

813 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1033
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1033
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87005751