Công an giao thông tỉnh Quảng Trị tuyên truyền Luật giao thông cho bà con vùng dân tộc miền núi tỉnh Quảng Trị.
Nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết của đồng bào dân tộc thiểu số khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa về an toàn giao thông, thời gian qua, với quyết tâm của cả hệ thống chính trị đối với nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông, nhất là vùng nông thôn, miền núi đã có nhiều thay đổi rõ nét. Song song với đó, công tác tuyên truyền, phổ giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông đã được đẩy mạnh dưới mọi hình thức, từ đó đã tác động, làm chuyển biến trong nhận thức của người dân, tạo nên ý thức chấp hành Luật giao thông và ngăn ngừa hạn chế tai nạn giao thông xảy ra.
Để có bước chuyển mình về nhận thức, ý thức tham gia của người dân vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số thì vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng koong thể không nhắc tới. Bởi vì, đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín sẽ động viên, tuyên truyền, tổ chức tốt cho bà con, con cháu trong dòng họ chấp hành nghiêm chỉnh những quy định của pháp luật về Luật giao thông cũng như tuân thủ những quy tắc khi tham gia giao thông. Bên cạnh đó, cần tiếp tục tăng cường và phát huy hiệu quả tuyên truyền của hệ thống loa truyền thanh cơ sở. Ở một số thôn bản, hằng ngày các quy định của pháp luật về an toàn giao thông vẫn được phát đều đặn trên loa truyền thanh bằng tiếng dân tộc thiểu số. Việc làm này nếu được thực hiện thường xuyên, lâu dài, chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả và mô hình tuyên truyền này cần được nhân rộng tại các địa phương.
Đặc biệt, người làm công tác tuyên truyền cần phải xác định đồng bào dân tộc thiểu số là đối tượng tuyên truyền đặc biệt, để từ đó có những hình thức và biện pháp phổ biến phù hợp. Tài liệu tuyên truyền cần biên soạn ngắn gọn, súc tích theo ba tiêu chí “Dễ nhớ - Dễ hiểu - Dễ làm theo”, trong đó, tập trung vào những quy định cơ bản của Luật giao thông đường bộ như: chấp hành nghiêm chỉnh việc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, không chở quá số người quy định…
Thế nhưng, để thực hiện có hiệu quả công tác này cần có những giải pháp cụ thể, không phải tuyên truyền một cách chung chung mà phải tập trung vào những gì mà người dân vùng miền núi đang cần và đang thiếu như các kỹ năng điều khiển môtô, xe máy, điểu khiển xe khi đi qua đường, rẽ trái, tránh vượt, dừng xe, đảm bảo tốc độ hợp lý trên từng con đường... Bên cạnh đó, cần nhân rộng và phát huy các mô hình, câu lạc bộ, lực lượng tự quản tại cơ sở về an toàn giao thông hoạt động có hiệu quả của các tổ chức đoàn thể, để việc tuyên truyền sát thực, dễ hiểu, dễ thực hiện.
Với mục đích nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành pháp luật của bà con đồng bào, dân tộc thiểu số, các cơ quan, ban ngành cần tăng cường các hoạt động tuyên truyền, gắn công tác tuyên truyền với các hoạt động xã hội khác nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền, tận tình giải thích cho bà con hiểu để chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông…
Hà Phương