Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao chất lượng dân số 

Nâng cao chất lượng dân số là mục tiêu trọng tâm, xuyên suốt trong công tác DS - KHHGĐ nhằm tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công cuộc CNH, HĐH đất nước. Vì thế, đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm giáo dục thay đổi hành vi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn hiện nay.

Nhận thức rõ tầm quan trọng đó, ngày 19/5/1997, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 326 lấy ngày này (26/12) làm Ngày Dân số Việt Nam. Đặc biệt, ngày 14/11/2011, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành Quyết định số 2013/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản Việt Nam (DS-SKSS) giai đoạn 2011-2020. Quan điểm của Chiến lược DS-SKSS là nội dung quan trọng của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và toàn xã hội. Đặc biệt, Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới xác định: Dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác dân số là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết, vừa lâu dài; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân.

Quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Quảng Trị đã có nhiều nghị quyết về nâng cao chất lượng dân số. Đặc biệt là Nghị quyết 06/NQ-HĐND, ngày 20/4/2010 của HĐND tỉnh về chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình đến năm 2015, định hướng đến năm 2020; Kế hoạch số 3402/KH-UBND, ngày 5/10/2010 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết 06; kế hoạch số 1884/ KH-UBND ngày 26/6/2012 UBND tỉnh Quảng Trị về thực hiện chiến lược Dân số/chăm sóc sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011-2015 với mục tiêu: “Tiếp tục thực hiện giảm sinh và giảm nhanh tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên; kiểm soát quy mô dân số ở mức hợp lý, nâng cao chất lượng dân số, cải thiện tình trạng sức khỏe sinh sản, giải quyết tốt những vấn đề về cơ cấu dân số, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân dân” đã được phổ biến, triển khai rộng rãi đến các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, địa phương và đạt được nhiều kết quả tích cực, vì vậy chất lượng dân số của tỉnh ngày càng phát triển hợp lý và chuyển biến tích cực…

Thực hiện các Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, thời gian qua công tác truyền thông nhằm nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn toàn Quảng Trị được triển khai với sự tham gia của các cấp, ngành, địa phương với nội dung thiết thực, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng đối tượng; các hình thức, phương pháp tuyên truyền ngày càng phong phú, đa dạng và có hiệu quả. Trong đó, công tác truyền thông tiếp tục tăng cường tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về công tác dân số; các mô hình truyền thông, tư vấn, dịch vụ chăm sóc sức khoẻ; đề án giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở đồng bào dân tộc ít người, mang thai tuổi vị thành niên; nhất là, duy trì có hiệu quả mô hình “Làng không sinh con thứ 3 trở lên”.

Công tác truyền thông đã cấp hàng nghìn tờ rơi, sách báo và các sản phẩm truyền thông khác, đặc biệt quan tâm đến những địa bàn có mức sinh cao. Trong đó, Hội KHHGĐ đã tổ chức đào tạo, tập huấn cho hàng ngàn lượt cán bộ cấp xã, thôn, già làng, trưởng bản, phân chi hội trên địa bàn toàn tỉnh để nâng cao năng lực quản lý cũng như chuyên môn nghiệp vụ; tổ chức hàng trăm buổi nói chuyện chuyên đề cho thanh niên, vị thành niên trong các trường học... Hoạt động cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ được chú trọng và tăng cường. Hoạt động của các câu lạc bộ được duy trì và phát triển bền vững như câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vị thành niên; câu lạc bộ phòng chống HIV/AIDS; câu lạc bộ phòng tránh thai ngoài ý muốn và làm mẹ an toàn, câu lạc bộ làng không sinh con thứ 3…

Ngoài ra, đội ngũ cán bộ chuyên trách và lực lượng cộng tác viên dân số ở các xã, phường tiến hành rà soát các đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ để tiếp cận tuyên truyền, nhất là những cặp vợ chồng sinh con một bề. Đồng thời, Chi cục DS - KHHGĐ tỉnh cũng như các huyện tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tăng thời lượng phát sóng các tin, bài liên quan đến công tác dân số, gương dòng họ, khu dân cư nhiều năm liền không có người sinh con thứ ba, các biện pháp tránh thai an toàn và hệ lụy của việc tăng dân số…

Nhờ làm tốt công tác truyền thông nên trong những năm qua công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực. Chất lượng dân số ngày càng được nâng cao nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng ven biển và hải đảo. Có được kết quả đó, là nhờ sự quan tâm tạo điều kiện và sự nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức và đoàn thể nhân dân địa phương. Trong đó, phải kể đến sự phối hợp trong công tác tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân của ngành Y tế với các cơ quan, ban, ngành, điển hình như: Báo Quảng Trị, Đài phát thanh - Truyền hình, Ban Tuyên giáo, ngành giáo dục...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì công tác truyền thông về DS - KHHGD vẫn còn nhiều hạn chế như: một số ngành, địa phương chưa chủ động trong việc triển khai thực hiện công tác truyền thông về dân số; đội ngũ làm công tác truyền thông còn thiếu và yếu; kinh phí phục vụ cho công tác truyền thông DS – KHHGĐ còn thấp; nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân còn hạn chế, đặc biệt là tình trạng cán bộ, đảng viên vi phạm chính sách DS – KHHGĐ còn tăng; chất lượng dân số còn thấp cả về thể lực và trí tuệ; chất lượng dịch vụ chăm sóc SKSS/ KHHGD còn bất cập…

Xuất phát từ thực tế đó, để nâng cao hơn nữa công tác truyền thông DS-KHHGĐ nhằm nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn toàn tỉnh, nhất là thực hiện tốt Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, trong những năm tới, đòi hỏi các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương phải tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác truyền thông DS – KHHGĐ. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ làm công tác dân số - KHHGĐ của tỉnh cần chủ động hơn trong công tác tham mưu cho các cấp ủy đảng, chính quyền, đặc biệt là kiểm tra và xử lý nghiêm những trường hợp cán bộ, đảng viên vi phạm chính sách DS - KHHGĐ.

Đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền. Tập trung truyền thông có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với từng vùng, từng nhóm đối tượng, chú trọng khu vực khó khăn, đối tượng khó tiếp cận, mở rộng giáo dục về SKSS/DS - KHHGĐ, phòng ngừa HIV, giới và bình đẳng giới, sức khỏe tình dục trong và ngoài nhà trường.  Đặc biệt, chú trọng các hình thức tuyên truyền trực quan sinh động, tuyên truyền kết hợp với các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao, các hội thi mang tính quần chúng để thu hút đông đảo người dân tham gia. Chú trọng các cụm pano có sự phối hợp tranh minh họa đơn giản dễ tiếp thu, gần gũi với nhân dân. Đây là những kênh truyền thông rất có hiệu quả trong việc chuyển tải những thông điệp về DS - KHHGĐ tác động tích cực đến thái độ và hành vi của nhân dân, động viên đông đảo mọi tầng lớp nhân dân thực hiện tốt chính sách DS - KHHGĐ. Đồng thời, cần được tăng cường và không ngừng phát huy hiệu quả sự phối hợp chặt chẽ giữa Chi cục DS-KHHGĐ số tỉnh với báo Quảng Trị, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và các dài truyền thanh địa phương, xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, các phóng sự về DS-KHHGĐ...

Nội dung truyền thông phải bám sát chương trình, kế hoạch, mục tiêu của Trung ương, của tỉnh ban hành và chỉ đạo triển khai. Đồng thời, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên điều chỉnh, bổ sung các thông tin, tư liệu vào tài liệu bồi dưỡng lồng ghép để đảm bảo số liệu mang tính thời sự, cập nhật và phù hợp với đặc điểm thực tế tình hình của địa phương.

Công tác DS - KHHGĐ đang từng bước trở thành công tác xã hội hoá. Vì vậy, để công tác truyền thông đạt hiệu quả cao cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các cấp, các ngành trong việc tăng cường phối hợp, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, giáo dục, trong đó chú trọng phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật về dân số, sức khỏe sinh sản, chính sách, pháp luật về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh. Đặc biệt, tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình can thiệp truyền thông, nhất là mô hình làng không có người sinh con thứ 3 trở lên nhằm tạo điều kiện và môi trường cho mỗi gia đình, mỗi người dân tiếp cận và  tự nguyện thực hiện tốt chính sách Dân số- KHHGĐ. Hải Đăng

2001 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 437
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 437
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77486387