Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn cho biết, trong năm 2017, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có những hoạt động quyết liệt, thu được nhiều kết quả khả quan. Một trong những thành tựu nổi bật của Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong năm qua chính là việc thu, phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tăng vọt, thay đổi từng ngày.

Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tháng 12/2017. Ảnh: ĐT

Tính đến tháng 12/2017, số người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc đạt 13,52 triệu người, tăng hơn 1 triệu người so với năm 2016.

Việc người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện còn hạn chế là một trong những vấn đề trăn trở của các nhà hoạch định chính sách.

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong năm 2017, con số này đã cải thiện rõ rệt. Đến nay, 291.000 người đã tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, thể hiện sự quan tâm của người dân trên toàn quốc. 81 triệu người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), đạt tỷ lệ bao phủ 86% dân số, vượt 30% chỉ tiêu Chính phủ giao. Để khuyến khích người dân đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, từ 1/1/2018, Nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ cho đối tượng tham gia từ 10% đến 30% tuỳ vào từng đối tượng cụ thể được căn cứ chuẩn nghèo nông thôn theo quy định.

Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn cho biết, Bảo hiểm xã hội Việt Nam hiện xếp thứ 2 trong tổng số 20 bộ, ngành về việc tiên phong áp dụng công nghệ thông tin trong việc xử lý công việc.

Hiện, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã đưa vào vận hành hai trung tâm: Trung tâm điều hành công nghệ thông tin theo chuẩn 4.0 và Trung tâm dịch vụ khách hàng có người trực 24/24 để tiếp nhận những thắc mắc của người dân, doanh nghiệp bằng cách trả lời tự động, trực tiếp, hoặc kết nối thẳng tới các bộ phận chức năng để xử lý, giải quyết. Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang xây dựng kế hoạch phát hành thẻ bảo hiểm y tế điện tử cho người dân để giảm thiểu các thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian. Ngành phấn đấu trong vòng 3 năm kể từ năm 2018 sẽ cơ bản hoàn thành, phục vụ cho người dân trên toàn quốc.

Tại buổi họp báo, đề cập về vấn đề nợ bảo hiểm xã hội đang tồn tại nhiều năm nay, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết: Thời gian gần đây, việc nợ đọng kéo dài đã có nhiều cải thiện. Số tiền nợ bảo hiểm xã hội năm 2017 là 5.737 tỷ đồng, chiếm 3,0% số kế hoạch thu bảo hiểm xã hội do Thủ tướng Chính phủ giao, giảm 0,8% so với năm 2016. Một trong những nguyên nhân dẫn đến đạt được kết quả này là kể từ 1/1/2018, việc trốn đóng bảo hiểm xã hội sẽ bị hình sự hóa. Đây chính là giải pháp rất hữu hiệu trong việc thu bảo hiểm xã hội. Hình phạt dành cho tội trốn đóng bảo hiểm xã hội cao nhất là 7 năm tù giam, bị phạt 1 tỷ đồng nếu trốn đóng bảo hiểm từ 1 tỷ đồng trở lên.

Như vậy, với khung hình phạt tăng nặng với hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), tình trạng trốn đóng nhiều năm nay hy vọng sẽ được khắc phục, đồng thời đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động.

Cũng theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, năm 2017, toàn Ngành giải quyết cho 9,9 triệu lượt người hưởng các chế độ BHXH, trong đó: 141.695 người hưởng BHXH hàng tháng; 717.053 lượt người hưởng BHXH 1 lần; 9,1 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe.

Ngành cũng phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội giải quyết cho khoảng 694.323 lượt người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp và 35.167 người hưởng chế độ hỗ trợ học nghề. Thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT cho 169 triệu lượt người khám, chữa bệnh nội trú và ngoại trú.

Phát huy những kết quả đạt được, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề ra những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trong thời gian tới gồm: tiếp tục chỉ đạo Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố đẩy mạnh công tác thu, phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, đặc biệt là nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, người tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình. Bảo hiểm xã hội Việt Nam tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành tại các đơn vị có dấu hiệu vi phạm pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Cùng với đó, Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị chức năng trong việc phát triển đối tượng và thu nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp…

Tại Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn và đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam đã thông tin và giải đáp các câu hỏi của phóng viên về kết quả thu, phát triển đối tượng tham gia; giải quyết chế độ BHXH, BHYT, BHTN; công tác trả sổ BHXH, cấp thẻ BHYT; công tác giám định, kiểm soát chi phí khám chữa bệnh BHYT; triển khai đấu thầu thuốc tập trung; cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin; cách tính lương hưu từ 1/1/2018; Sửa đổi Thông tư 40/2014/TT-BYT Ban hành danh mục thuốc tân dược được BHYT chi trả.../.

Đỗ Thoa