Đẩy mạnh công tác quần chúng nhân dân 

(Chinhphu.vn) - Chiều 24/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Chủ tịch Hội đồng công tác quần chúng Trung ương Trương Thị Mai dự và phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Hội đồng.
 
Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: TTXVN

Nhận định năm 2019 là năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2016-2020, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng công tác quần chúng Trung ương Nguyễn Phước Lộc cho biết, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, giải pháp, tạo môi trường thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh và động lực mới trên các lĩnh vực của đời sống, tình hình các giai tầng xã hội trong năm 2019 cơ bản ổn định.

 

Theo đó, những kết quả tích cực trong thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển kinh tế-xã hội được thể hiện qua các hành động cụ thể như: Cải cách thủ tục hành chính; bảo đảm an sinh xã hội, nhất là đối với các đối tượng người dân ở khu vực khó khăn, đặc thù, yếu thế; giải quyết những vấn đề bức xúc và khiếu nại, tố cáo của công dân…

 

Bên cạnh đó, các tổ chức chính trị-xã hội tiếp tục triển khai công tác vận động quần chúng theo các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác dân vận; tiếp tục tổ chức, phát triển đoàn viên, hội viên; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; hướng về cơ sở, coi trọng việc nắm tình hình nhân dân, nhất là các địa bàn tiềm ẩn các yếu tố phức tạp; kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền giải quyết những vấn đề mới phát sinh; tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước.
 
Điển hình, trong năm 2019, giai cấp công nhân Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh về số lượng với khoảng 23,9 triệu người, chiếm gần 25% dân số cả nước. Đây là lực lượng có tác phong công nghiệp và trình độ chuyên môn, tay nghề ngày càng nâng cao; từng bước làm chủ khoa học, công nghệ tiên tiến, góp phần quan trọng cho tăng trưởng kinh tế.
 
Bên cạnh đó, với khoảng 63 triệu người, lực lượng nông dân chiếm trên 65,5% dân số cả nước. Đến năm 2019, sau gần 10 năm thực hiện, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đạt nhiều thành tựu to lớn, toàn diện, nền tảng, tạo sự thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân và nhân dân vùng nông thôn, đưa nông nghiệp-nông thôn Việt Nam lên một thế và lực mới.
 
Cùng với đó, cả nước có khoảng 6,5 triệu người có trình độ từ cao đẳng trở lên, đồng thời có khoảng hơn 400.000 trí thức người Việt Nam đang sinh sống ở các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đội ngũ trí thức phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng; có mặt ở tất cả các lĩnh vực đời sống, tạo ra nhiều công trình, sản phẩm có giá trị; góp phần phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đất nước.
 
Tình hình đời sống tổ chức xã hội của đoàn viên, thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh, doanh nhân, người Việt Nam ở nước ngoài, đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào các tôn giáo… ổn định, phát huy tinh thần đoàn kết, trở thành những nguồn lực quan trọng đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

 

Tuy nhiên, theo Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Nguyễn Phước Lộc, hiện nay vẫn còn một số vấn đề cần quan tâm như đời sống của một bộ phận nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, người yếu thế, lao động phổ thông… vẫn còn khó khăn; khoảng cách giàu nghèo, chênh lệch về thu nhập và mức sống giữa các vùng miền, giữa đô thị và nông thôn có xu hướng gia tăng. Bên cạnh đó, tình hình ô nhiễm môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, một số tiêu cực trong lĩnh vực giáo dục, y tế, an toàn thực phẩm, quản lý tài nguyên và môi trường, an ninh trật tự, an toàn xã hội, tai nạn giao thông, “tín dụng đen”, công tác phòng, chống tham nhũng, công tác cán bộ… vẫn còn phức tạp.
 
Ngoài ra, công tác giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo, khiếu kiện đông người, kéo dài; một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn thiếu trách nhiệm phục vụ nhân dân; một số nơi công tác cải cách hành chính còn chậm, chỉ số hài lòng của nhân dân thấp; việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở một số nơi còn hình thức... ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội và hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân.
 
 
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Chủ tịch Hội đồng công tác quần chúng Trung ương Trương Thị Mai đánh giá cao trách nhiệm, biểu dương nỗ lực của Hội đồng công tác quần chúng Trung ương trong đổi mới nội dung phương thức hoạt động, tăng cường vai trò đại diện quyền lợi ích chính đáng của các tầng lớp nhân dân.
 
Trưởng Ban Dân vận Trung ương đề nghị, trong thời gian tới, công tác quần chúng cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên tuyền, vận động nhân dân, tạo sự đồng thuận tham gia của nhân dân với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là trong các phong trào như xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế…; tăng cường vai trò của nhân dân trong việc tham gia vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ảnh: TTXVN

Xác định nhiệm vụ trong năm 2020, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương cho biết, Hội đồng công tác quần chúng Trung ương tiếp tục nắm chắc tình hình nhân dân, tình hình các giai tầng xã hội, nhất là tình hình nhân dân trước, trong và sau đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Các cấp Hội đồng chủ động, kịp thời phát hiện những vấn đề nảy sinh trong các tầng lớp nhân dân và các giai tầng xã hội để kiến nghị, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Bên cạnh đó, Hội đồng tiếp tục tham gia thẩm định, góp ý các đề án về công tác dân vận trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền; đa dạng hóa các nội dung, hình thức hoạt động; nâng cao chất lượng tham mưu công tác quần chúng trong tình hình mới.

 

Bên cạnh đó, Trưởng Ban Dân vận Trung ương lưu ý, các tổ chức quần chúng nắm tình hình nhân dân sâu sát hơn; tiếp tục đổi mới phương thức, nội dung hoạt động; làm tốt vai trò cầu nối nữa Đảng và nhân dân, qua đó nâng cao chất lượng cuộc sống, chú trọng bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân.
 
Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai cũng nhấn mạnh về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các tổ chức quần chúng; nêu cao vai trò của các tổ chức quần chúng trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; tiếp tục làm rõ cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ; tăng cường cơ chế và phát huy vai trò giám sát của các tổ chức quần chúng và nhân dân.

Các tổ chức quần chúng tiếp tục đấu tranh mạnh mẽ với quan điểm sai trái đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, bảo vệ Tổ quốc. Bên cạnh việc thực hiện song song hai nhiệm vụ của Đảng và nhân dân giao phó, trong thời gian tới, các tổ chức quần chúng cần tăng cường đối thoại, lắng nghe; xây dựng, giám sát chính sách pháp luật; qua đó đẩy mạnh tập hợp, đoàn kết và phát triển tổ chức quần chúng nhân dân.

Theo TTXVN

570 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 942
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 942
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87210726