Bảo tàng công nghệ vũ trụ Việt Nam. Ảnh: Quỳnh Nga
Theo đánh giá của các chuyên gia khoa học công nghệ, công nghệ vũ trụ là ngành học còn khá mới mẻ và lạ lẫm ở Việt Nam. Hiện chỉ có 2 trường đào tạo nhân lực cho ngành này là: ĐH Công nghệ Hà Nội và ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội (hay còn gọi là Trường ĐH Việt Pháp). Từ năm 2014 - 2016, ĐH Công nghệ mới chỉ đào tạo được 43 sinh viên. Còn ĐH Việt Pháp mỗi năm đào tạo từ 5 - 10 sinh viên. Để đáp ứng nhu cầu nhân lực trong tương lai, từ năm 2016, Trường ĐH Quốc tế TP.Hồ Chí Minh cũng đã được phép thí điểm bậc ĐH chính quy cho ngành kỹ thuật không gian với 50 chỉ tiêu. Trong khi đó, mục tiêu đến năm 2020 nhu cầu nhân lực của ngành vũ trụ là vào khoảng 2.000 lao động trình độ cao. Nhu cầu thì lớn nhưng số lượng đào tạo thì lại chẳng được bao nhiêu nên dẫn đến tình trạng thiếu hụt nhân lực.
Đánh giá về nguồn nhân lực công nghệ vũ trụ của Việt Nam, PGS.TS Phạm Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm vệ tinh quốc gia (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam) cho biết, chỉ tính riêng tại Trung tâm Vệ tinh quốc gia, đến năm 2020 cũng cần tới 350 nhân lực kỹ thuật cao cho các dự án của trung tâm. Trong khi đó, tới thời điểm hiện tại, số lượng cán bộ tại đây cũng chỉ mới có 116 người, nghĩa là bằng 1/3 so với mục tiêu cần đạt được.
Lý giải nguyên nhân thiếu hụt nhân lực, TS Lê Xuân Huy- Trưởng phòng Thiết kế không gian, Trung tâm Vệ tinh Quốc gia cho rằng, ngành công nghệ vũ trụ tại Việt Nam mới được mở ra đào tạo trong khoảng 3 năm trở lại đây, trong đó hầu hết là các cơ sở đào tạo liên kết với Trung tâm vệ tinh quốc gia.
Như vậy có thể thấy nhân lực trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ ở nước ta hiện nay đang thiếu một cách trầm trọng. Tuy thế thì không chỉ thiếu về số lượng mà nguồn nhân lực trong ngành này còn đang phải đối mặt với một thực tế là thiếu cơ chế đãi ngộ và phải đối mặt với nguy cơ chảy máu chất xám.
Cũng theo PGS.TS Phạm Anh Tuấn, để đào tạo một kỹ sư, thạc sỹ về công nghệ vũ trụ tốn kém nhiều thời gian và chi phí. Nguồn nhân lực chất lượng cao này là nhu cầu của không chỉ ngành công nghệ vũ trụ mà còn của các ngành công nghệ cao khác như công nghệ ô tô, công nghệ điện tử. Do đó, việc chảy máu chất xám rất dễ xảy ra nếu như các ngành khác đãi ngộ cao hơn.
PGS.TS Phạm Anh Tuấn chia sẻ, để giải quyết khó khăn về nguồn nhân lực công nghệ vũ trụ, Trung tâm vệ tinh quốc gia đang đệ trình Chính phủ xin cơ chế ưu đãi đặc thù cho các chuyên gia làm việc tại đây. Bên cạnh đó, PGS.TS Phạm Anh Tuấn cũng cho rằng, Chính phủ cần xây dựng lộ trình phát triển công nghệ vũ trụ đến năm 2030 và sau 2030. Bản thân Trung tâm vệ tinh quốc gia cũng hướng tới việc phổ biến các kiến thức về công nghệ vũ trụ cho các em học sinh THPT và THCS, giúp các em nuôi dưỡng đam mê với công nghệ vũ trụ, từ đó tạo nguồn nhân lực tương lai cho ngành này. Đó là chưa kể, đơn vị cũng đang tích cực liên hệ với các đối tác nước ngoài, các chuyên gia và các nhà khoa học Việt kiều đam mê công nghệ vũ trụ, mời gọi họ cùng về nước xây dựng ngành công nghệ vũ trụ của Việt Nam.
Công nghệ Vũ trụ được đánh giá là “biểu tượng sức mạnh công nghệ và khả năng cạnh tranh công nghệ cao”của mỗi quốc gia trên thế giới. Do đó, như nhận định của các chuyên gia thì chế độ đãi ngộ với nhân lực chất lượng cao của ngành này cần phải quan tâm hơn nữa, nhất là khi chúng ta sắp có cơ sở hạ tầng kỹ thuật hiện đại hàng đầu Đông Nam Á- đó là Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, hiện đang xây dựng tại khu công nghệ cao Hòa Lạc, và dự kiến sẽ khánh thành vào năm 2018.
Việc phát triển công nghệ vũ trụ, như nhận định của các chuyên gia thì con người là yếu tố quan trọng bậc nhất. Thiết bị có thể bỏ tiền ra mua được, công nghệ có thể được chuyển giao, hạ tầng kỹ thuật có thể xây dựng nhanh chóng nhưng đội ngũ con người thì không thể bỗng chốc mà có được. Và theo như tính toán thì phải mất 5 năm, thậm chí là 10 năm để đào tạo được một người có đủ năng lực làm trong ngành công nghệ vũ trụ. Và rõ ràng, với nhu cầu 2.000 nhân lực trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ thì công tác chuẩn bị cần phải đẩy nhanh hơn nữa./.
Bích Liên