Đẩy mạnh công tác chuyển đổi số để phục vụ Nhân dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn 

Thời gian qua, công tác chuyển đổi số đã giành được sự quan tâm của xã hội. Nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số tiếp tục chuyển biến tương đối rõ ở các cấp, các ngành, nhất là người đứng đầu. Từ chuyển đổi nhận thức dẫn đến hành động mạnh mẽ hơn, hầu hết các bộ, ngành, địa phương đã ban hành nghị quyết của cấp ủy, kế hoạch của chính quyền 5 năm và hằng năm về chuyển đổi số; Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của toàn bộ 22/22 bộ, ngành và 63/63 địa phương được thành lập và đi vào hoạt động.

Việc chuyển đổi các hoạt động quản lý Nhà nước từ phương thức truyền thống sang ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển từ văn bản giấy sang môi trường số được đẩy mạnh và đạt kết quả bước đầu rất đáng trân trọng; nhiều sản phẩm, dịch vụ thiết thực được đưa ra phục vụ kịp thời, hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp. Công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đạt kết quả tích cực, tạo môi trường pháp lý cho chuyển đổi số. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 08 văn bản quan trọng về chuyển đổi số[1], trong đó phê duyệt Ngày 10/10 hằng năm là Ngày chuyển đổi số quốc gia.

Hạ tầng công nghệ thông tin, các nền tảng số tiếp tục được phát triển từ Trung ương đến địa phương, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu chuyển đổi số, tốc độ truy cập mạng băng rộng cố định tăng 32,7%, mạng di động tăng 4,7% so với cùng kỳ. Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước kết nối 4 cấp hành chính tiếp tục được phát triển, đã kết nối đến 100% huyện, hơn 97% xã trên toàn quốc. Các cơ sở dữ liệu tạo nền tảng cho Chính phủ số được đẩy mạnh triển khai. Bộ Công an đã tích cực, phối hợp với các bộ, ngành triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; tích hợp, kết nối và mở rộng thu thập dữ liệu dân cư; từng bước hình thành hệ sinh thái công dân số. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư kết nối liên thông với 11 bộ, ngành, 4 doanh nghiệp Nhà nước và 14 địa phương tiếp tục làm giàu dữ liệu dân cư “đúng, đủ, sạch, sống”; cấp trên 68 triệu thẻ căn cước gắn chíp điện tử; hoàn thành xác thực 45 triệu người tham gia Bảo hiểm xã hội; bước đầu thí điểm triển khai một số ứng dụng của thẻ căn cước phục vụ người dân khám chữa bệnh, rút tiền tại các cây ATM... Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm đã quản lý thông tin của 27 triệu hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế, bao gồm thông tin của 98 triệu người dân. Dịch vụ công trực tuyến được triển khai ngày càng hiệu quả, sâu rộng. Cổng Dịch vụ công quốc gia đã cung cấp 3.699 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; hơn 2,1 triệu tài khoản đăng ký (tăng hơn 2,8 lần so với cùng kỳ); hơn 122,7 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái[2]; hơn 4,1 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng Dịch vụ công quốc gia[3]. An toàn, an ninh thông tin tiếp tục được quan tâm, các doanh nghiệp Việt Nam dần làm chủ hệ sinh thái an toàn thông tin mạng[4]. Đã có 922/3.022 hệ thống thông tin của cơ quan Nhà nước được phê duyệt Hồ sơ đề xuất cấp độ an toàn thông tin, đạt 31%. Nhân lực cho chuyển đổi số được chú trọng phát triển, đa dạng hình thức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn. Tổ công nghệ số cộng đồng tại các địa phương cũng đã bước đầu đạt kết quả tích cực, đã có 41/63 tỉnh, thành phố triển khai 36.300 tổ công nghệ số cộng đồng đến tận thôn, xóm với gần 200.000 thành viên tham gia.

Tỷ trọng đóng góp của kinh tế số trong GDP tiếp tục tăng; nhiều doanh nghiệp tích cực chuyển đổi số. Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP đến hết 06 tháng đầu năm ước tính là 10,41%. Tỷ trọng này năm 2021 ước tính là 9,6%. Mục tiêu đặt ra đến năm 2025 là 20%. Số lượng doanh nghiệp công nghệ số ước đạt 67.300 doanh nghiệp, tăng gần 3.500 doanh nghiệp so với tháng 12/2021, đạt tỉ lệ 0,69 doanh nghiệp trên 1.000 dân. Thuế điện tử, hóa đơn điện tử được phổ cập. Tỉ lệ doanh nghiệp nộp thuế điện tử đạt 99%. Người dân tích cực sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin, dịch vụ công quốc gia trong các hoạt động kinh tế, xã hội. Trong 05 tháng đầu năm 2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 76% về số lượng và 30,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021[5]. Đặc biệt, một số chỉ tiêu trong Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2022 đã sớm đạt mục tiêu đề ra như tỉ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử là 100%, đạt mục tiêu đề ra; tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ là 11,27%, vượt mục tiêu đề ra là 7%; tỉ lệ người dân từ 15 tuổi có tài khoản thanh toán là 66%, vượt mục tiêu đề ra là 65%.

Tuy nhiên, công tác xây dựng thể chế, chính sách để hoàn thiện môi trường pháp lý cho chuyển đổi số còn chậm. Hạ tầng số cần tiếp tục cải thiện mạnh mẽ; tốc độ mạng băng rộng cố định, di động tuy có tăng nhưng vẫn ở mức trung bình khá của thế giới, chưa tạo bước đột phá về hạ tầng phục vụ chuyển đổi số quốc gia. Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia triển khai còn chậm. Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu còn nhiều hạn chế, vướng mắc, chưa hiệu quả, chưa hình thành một hệ thống liên thông, thông suốt. Người dân chưa thấy thuận tiện, dễ dùng, chưa được khuyến khích khi tiếp cận, sử dụng dịch vụ công trực tuyến và các nền tảng số. Tỉ lệ xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng chưa cao; còn một số dịch vụ công trực tuyến mang tính hình thức, chưa thực chất[6]. An toàn, an ninh mạng nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức trong bối cảnh tội phạm công nghệ cao diễn biến ngày càng phức tạp. Nhân lực cho chuyển đổi số còn chưa đáp ứng được nhu cầu. Thiếu cơ chế giám sát triển khai chuyển đổi số; đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ đã đề ra của các bộ, ngành, địa phương chưa toàn diện, kịp thời; chưa đo lường, định lượng những chỉ tiêu đề ra, cũng như xử lý các vướng mắc. Thiếu công cụ hỗ trợ thống kê, phân tích, giám sát tình hình triển khai các dự án đầu tư công nghệ thông tin. Một số chỉ tiêu trong Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2022 tỉ lệ hoàn thành còn thấp, cách khá xa mục tiêu cuối năm trong khi chúng ta chỉ còn gần 04 tháng.

Công tác chuyển đổi số thời gian tới cần quán triệt sâu sắc một số quan điểm, định hướng lớn sau: Chuyển đổi số phải là công cụ quan trọng trong xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Phát huy tối đa sức mạnh truyền thống văn hóa, trí tuệ con người Việt Nam. Phát huy tinh thần đoàn kết, càng khó khăn, thách thức thì càng phải đoàn kết, đây là truyền thống quý báu của dân tộc cũng là quan điểm xuyên suốt. Tránh mọi tư duy “cát cứ thông tin, số liệu, dữ liệu”, các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ quản lý dữ liệu được phân công nhưng trên hết đó đều là tài sản quốc gia, tài sản này chỉ được làm giàu thêm khi được liên thông, chia sẻ, xác thực cùng nhau hướng đến mục tiêu cuối cùng là phục vụ tốt nhất cho Nhân dân. Liên tục đổi mới, có tư duy đột phá và tầm nhìn chiến lược, phát huy tính chủ động, sáng tạo; tổng kết, kế thừa, phát huy những kinh nghiệm quý, bài học hay, cách làm sáng tạo; chỉ rõ, khắc phục triệt để những tồn tại, hạn chế. Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, động lực chuyển đổi số và người dân, doanh nghiệp phải tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Chuyển đổi số phải để người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn trước đây. Huy động hiệu quả mọi nguồn lực tham gia chuyển đổi số, trong đó, có hợp tác công - tư; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và người dân; kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại. Việc chuyển đổi số được triển khai đồng bộ, tổng thể trên tất cả các lĩnh vực, ngành nghề nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm, tránh tình trạng “trăm hoa đua nở”; đi nhanh nhưng chắc chắn, dễ làm trước, khó làm sau, đi từ thấp đến cao, từ nhỏ đến lớn và cần được thực hiện một cách thực chất để tránh đầu tư dàn trải, lãng phí, không cầu toàn, không nóng vội. Phải nghĩ thật, nói thật, làm thật, có hiệu quả thật, người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng thật; nói phải đi đôi với làm, không đánh trống bỏ dùi. Không để hiện tượng dịch vụ công trực tuyến thì nhiều, nhưng người dân sử dụng ít[7] hiệu quả không cao; các nền tảng thì nhiều, cơ sở dữ liệu thì lớn nhưng tính đồng bộ, liên thông lại thấp. Bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp; coi trọng công tác truyền thông, hướng dẫn, tạo sự ủng hộ, đồng thuận của người dân và cộng đồng doanh nghiệp./.

          Công tác tuyên truyền về chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số và xã hội số cần chú trọng:

-  Khẳng định, chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số và xã hội số là một trong những khâu đột phá quan trọng để phát triển nền kinh tế Việt Nam trong tình hình mới, được đưa vào Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 03/06/2020 của Thủ tướng Chính phủ về "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".

- Tuyên truyền làm rõ các cấp độ của tiến trình chuyển đổi số: Chuyển đổi số là một tiến trình chuyển đổi liên tục của các tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng và đời sống xã hội theo ba cấp độ chính:

 + Cấp độ 1: Số hóa (digitize): là quá trình tin học hóa, mạng hóa, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi các hình thức dữ liệu sang dạng số và chuẩn hóa, đồng bộ hóa để tạo thành một cơ sở dữ liệu số để xây dựng một Năng lực số.

+ Cấp độ 2: Ứng dụng công nghệ và dữ liệu số (digitalize): là quá trình phát triển các ứng dụng công nghệ số, các giao thức mới, các hình thức hoạt động mới... dựa trên nền tảng hạ tầng số, cơ sở dữ liệu số và năng lực số để hình thành một Xã hội số.

+ Cấp độ 3: Chuyển đổi số (digital transformation): là quá trình chuyển đổi về tư duy và hình thái tổ chức của tổng thể các cấu phần hình thành nên một xã hội nói chung dựa trên nền tảng xã hội số để hình thành nên Văn hóa số, cơ sở nền tảng cho Tư duy số, Hành động số…  Phan Văn Lãn (Tổng hợp)

 

[1] 06 Quyết định, 01 Chỉ thị, 01 Nghị định.

[2] Tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ.

[3] Tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ.

[4] Trong 06 tháng đầu năm 2022, đã ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý 6.641 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam, tăng 37,92% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 35,14% so với đầu năm 2022.

[5] Trong đó, mức độ tăng trưởng ấn tượng nhất là qua điện thoại di động (tăng 99,1% về số lượng và 86,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021) và QRCode (tăng 68,9% về số lượng và 113,2% về giá trị).

[6] Người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến năm 2020 chỉ đạt 1,78%, năm 2021 đạt 9,51%; 07 tháng năm 2022 mới đạt gần 18%.

[7] Gần 18%.

203 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 515
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 515
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76721252