Quảng Trị là một vùng đất có bề dày lịch sử lâu đời. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược đã để lại trên địa bàn Quảng Trị một hệ thống di tích chiến tranh cách mạng có quy mô và tầm cỡ lớn, đã không chỉ tạo ra ưu thế vượt trội, đặc sắc riêng của vùng đất này mà còn góp phần làm đa dạng và phong phú hơn kho tàng di sản văn hóa dân tộc. Hệ thống di tích này vừa là niềm tự hào, vừa là một tài sản vô giá của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Trị. Nhận thức được giá trị lớn lao của các di tích lịch sử cách mạng, thời gian qua, Tỉnh ủy, Hôi đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử cách mạng, trong đó, nổi bật là Nghị quyết số 17/2013/NQ-HĐND ngày 31 tháng 7 năm 2013 “Về đầu tư, bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp hệ thống di tích lịch sử, văn hóa tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2013 – 2020” nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Từ các chỉ thị, nghị quyết đó, công tác bảo tôn và phát huy giá trị các di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã có nhiều chuyển biến tích cực và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tính đến tháng 1-2019, trên địa bàn Quảng Trị có 524 di tích, trong đó: 04 di tích quốc gia đặc biệt (gồm 30 di tích thành phần); 21 di tích quốc gia; 473 di tích cấp tỉnh. Trong số 473 di tích cấp tỉnh có 445 di tích lịch sử cách mạng. Thực tiễn hàng chục năm sau giải phóng, hoạt động bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử cách mạng ở Quảng Trị thực sự đem lại kết quả, nhất là thời gian hơn 10 năm trở lại đây.
Theo kết quả điều tra, khảo sát của Trung tâm Quản lý di tích và Bảo tàng tỉnh, toàn tỉnh hiện có 524 di tích, trong đó có 445 di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh đã được công nhận.
Tính đến tháng 01 năm 2019, toàn tỉnh có 74/445 di tích lịch sử cách mạng đã hoàn chỉnh hồ sơ khoa học và hồ sơ pháp lý (chiếm 17%); ngoài ra có thêm 45/445 di tích đã có hồ sơ pháp lý (chiếm 10%) và 05 di tích đã có hồ sơ khoa học. Đặc biệt, năm 2016, Trung tâm Quản lý di tích và Bảo tàng tỉnh đã trình Sở VHTT&DL kế hoạch chọn địa bàn huyện Triệu Phong làm thí điểm việc kiểm kê, đo vẽ hồ sơ đất đai 71 di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh với kinh phí 6 triệu đồng/ di tích. Được sự phối hợp tích cực của Ủy ban nhân dân huyện Triệu Phong, ngày 16/5/2016, UBND huyện Triệu Phong đã ban hành văn bản số 258/QĐ-UBND về việc thành lập Ban chỉ đạo thực hiện cộng tác định vị, cắm mốc chỉ giới các di tích lịch sử trên địa bàn huyện giai đoạn 2016 -2017. Trong đó, Triệu Phong là địa phương có số di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh hoàn chỉnh hồ sơ khoa học và hồ sơ pháp lý nhiều nhất so với các huyện thị khác trên địa bàn tỉnh Quảng Trị (46/124 di tích, chiếm 37%).
Có thể khẳng định rằng việc bảo tồn, tôn tạo và quản lý di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị từ sau khi có Luật Di sản Văn hóa đã mang lại hiệu quả to lớn về mặt xã hội. Những di tích sau khi được trùng tu, tôn tạo, đưa vào sử dụng đã phát huy tốt giá trị, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng, sự mong mỏi của nhân dân địa phương cũng như nhân dân cả nước đối với Quảng Trị, nó không chỉ phục vụ trực tiếp cho di tích mà còn gián tiếp mang lại hiệu quả có tính toàn diện về kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội.
Đặc biệt, Quảng Trị là điểm kết nối của ba tuyến du lịch lớn là: Lộ trình xuyên Việt; Trục hành lang kinh tế Đông – Tây; Con đường Di sản miền Trung. Với lợi thế này đã giúp cho Quảng Trị trong việc quảng bá các di tích văn hóa trên địa bàn tỉnh. Những di tích lịch sử cách mạng là một thành tố quan trọng để Quảng Trị có “thương hiệu” du lịch trong nước và khu vực.
Từ năm 2005, một tour du lịch mới đã được ra đời cũng trên nền tảng của hệ thống di tích lịch sử cách mạng nổi tiếng một thời của Quảng Trị mang tên: Du lịch Hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội. Xuất phát từ nhu cầu của rất nhiều du khách trong nước, quốc tế và những người đã đóng góp một phần xương máu, những năm tháng tuổi trẻ ở Quảng Trị muốn đến thăm nơi từng thấm đẫm máu của hàng vạn chiến sỹ, đồng bào của mọi miền đất nước trên từng tấc đất vùng này nên loại hình du lịch hoài niệm đã ra đời. Đây là điểm nhấn quan trọng có tính chất khẳng định một thương hiệu du lịch mới được các lữ hành trong nước và quốc tế quan tâm hưởng ứng.
Bên cạnh việc quy hoạch đầu tư tôn tạo các di tích, một số lễ hội cách mạng độc đáo đã được xây dựng, tạo ra được những sản phẩm tinh thần mới có dấu ân sâu đậm, có sức lan tỏa rộng trong đời sống nhân dân. Nổi bật là Lễ hội Tri ân các Anh hùng Liệt sĩ ở hai nghĩa trang lớn (Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Đường 9) và các nghĩa trang nhỏ ở các huyện, thị; lễ hội Thống nhất non sông ở Hiền Lương; lễ hội thả hoa trên các sông... được tổ chức vào các dịp lễ tết. Các lễ hội cách mạng gắn liền với các di tích lịch sử nên đã chuyển hóa những giá trị tâm linh một cách sinh động hơn, đem lại sự rung động sâu sắc đối với mọi người, trong đó có đông đảo khách du lịch.
Mặt khác, các di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh còn là nơi giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là trong thế hệ trẻ. Qua đó đã nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị lịch sử; góp phần tạo động lực cho kinh tế - xã hội phát triển.
Với đặc thù là một tỉnh có rất nhiều di tích lịch sử cách mạng, ở hầu hết các xã đều có ít nhất 01 đến 02 di tích, có một số xã, thị trấn có trên 05 di tích, chính vì vậy cấp ủy đảng và chính quyền ở các địa phương đã kêu gọi các nguồn đầu tư khác nhau để trùng tu, tôn tạo di tích, đồng thời tuyên truyền đến người dân, nhất là thế hệ trẻ ở các địa phương về lịch sử, ý nghĩa của các di tích để họ nâng cao ý thức trong việc bảo vệ các di tích trên địa bàn mình sinh sống. Chính điều này đã giúp giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của cha ông, đồng thời hun đúc thêm cho các em về tình yêu quê hương, đất nước và con người.
Tuy nhiên bên cạnh đó công tác này vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Về hoạt động đầu tư, tu bổ, tôn tạo di tích chưa đáp ứng được với yêu cầu thực tiễn; công tác xã hội hóa trong việc trùng tu, tôn tạo di tích đạt hiệu quả chưa cao; về phân cấp quản lý di tích còn nhiều bất cập. Công tác lập hồ sơ khoa học và xây dựng hồ sơ pháp lý di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh còn chậm; Công tác tuyên truyền, vận động người dân trong việc bảo tồn và phát huy các di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh chưa được triển khai thực hiện một cách sâu rộng.....
Vì vậy, trong thời gian tới để tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh trước hết, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, cũng như cấp ủy và chính quyền các cấp cần nghiên cứu và tiếp tục ban hành các chỉ thị, nghị quyết, quyết định, các cơ chế, chính sách về tài chính, đất đai, chính sách xã hội…. đồng thời, cũng cần ban hành chính sách, quy định ràng buộc cụ thể đối với tất cả các đối tượng, hạn chế những hành vi phá hoại, sai lệch, ảnh hưởng đến công trình di tích, môi trường, cảnh quan, không gian của di tích và lễ hội để nhằm bảo tồn và phát huy một cách hiệu quả nhất các di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh. Qua thực tế cho thấy, vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh hiện nay còn nhiều bất cập. Do đó, các cơ chế, chính sách của tỉnh Quảng Trị sẽ là giải pháp quan trọng góp phần bảo tồn, tôn tạo và phát huy tối đa giá trị các di tích.
Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục ý thức cho nhân dân về việc bảo vệ di tích lịch sử cách mạng nói chung, di tích lịch sử cấp tỉnh nói riêng trên địa bàn tỉnh. Di tích lịch sử cách mạng là tài sản chung của nhân dân, mọi người dân đều có quyền hưởng thụ, khai thác và phát huy giá trị di tích phục vụ cho mục đích văn hóa lành mạnh. Để phát huy tốt giá trị các di tích lịch sử cách mạng, cần có sự vào cuộc của nhân dân trong việc tham gia quản lý di tích theo luật di sản văn hóa. Tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật, nâng cao ý thức tôn trọng bảo vệ và phát huy giá trị di tích danh thắng cảnh trong mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt đối với thế hệ trẻ của tỉnh là hoạt động có ý nghĩa quyết định đến tương lai lâu dài của di tích lịch sử cách mạng. Vì vậy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở cần thực hiện việc tuyên truyền đến người dân sao cho phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức trên các phương tiện thông tin đại chúng như hệ thống truyền thanh, truyền hình, báo chí… để chuyển tải, đưa các quy định pháp luật và luật di sản văn hóa thấm sâu vào mọi mặt của đời sống xã hội, đến với mọi người dân một cách hợp lý, hiệu quả. Ngoài mục đích tuyên truyền phổ biến pháp luật, công tác tuyên truyền còn đóng vai trò quan trọng trong việc giúp cho đông đảo quần chúng nhân dân nâng cao ý thức chung về bảo vệ di tích, để người dân tự nguyện, tự giác tham gia vào công tác bảo vệ và giữ gìn di tích. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa của hoạt động lễ hội nhằm phát huy trách nhiệm của toàn xã hội đối với việc đưa các hoạt động lễ hội vào nền nếp, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Xã hội hóa công tác bảo vệ di tích, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc bảo vệ và sử dụng di tích.
Tiến hành tu bổ, phục hồi hệ thống di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh theo một quy hoạch tổng thể nhất định, đồng thời đầu tư hợp lý kinh phí cho công tác quản lý, bảo vệ, tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh.
Bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh gắn liền với phát triển kinh tế du lịch địa phương. Ngày nay, du lịch được coi là một trong những phương tiện hàng đầu để trao đổi văn hóa, du lịch là động lực tích cực cho việc bảo vệ di sản văn hóa và di sản thiên nhiên đã trở thành một phức hợp đóng một vai trò chủ yếu trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, giáo dục, sinh thái và thẩm mỹ… Quảng Trị là tỉnh có nhiều di tích lịch sử cách mạng, trong đó, di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh là 445 di tích. Với số lượng di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh lớn nằm ở hầu hết các huyện, thị thành trong toàn tỉnh, đây là các tiềm năng có thể thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với Quảng Trị.
Tăng cường công tác xử lý vi phạm. Chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở, Trung tâm quản lý di tích và Bảo tàng tỉnh Quảng Trị cần đẩy mạnh hơn nữa công tác chống vi phạm di tích đặc biệt nhân dân các xã, phường, thị trấn nơi có các di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh giám sát ngăn chặn và báo cáo với cấp có thẩm quyền giải quyết khi có vi phạm di tích xảy ra. Xây dựng kế hoạch dài hạn về giải tỏa xâm phạm di tích gắn với các chương trình phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn của địa phương mình, rà soát lại phạm vi, mốc giới, khoanh vùng bảo vệ di tích. Trần Văn Toàn, Trường Chính trị Lê Duẩn