Sáng 2/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020.
Tích cực tiến công nhanh và bền vững để phát triển
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Mặc dù kinh tế vĩ mô nhìn chung ổn định nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, vì vậy, các cấp, các ngành cần nhận diện, xác định rõ rủi ro bên ngoài và bên trong để có biện pháp điều hành hiệu quả, kịp thời.
Trong khó khăn của thế giới cũng như trong nước, một lần nữa chúng ta cần khẳng định rõ phải duy trì ổn định kinh tế vĩ mô để nâng cao uy tín chỉ đạo, điều hành, củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp, thu hút đầu tư, tạo nền tảng cho ổn định và phát triển kinh tế, xã hội”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cho rằng, cỗ máy tăng trưởng của Việt Nam ví như cỗ xe tam mã, gồm ba cấu phần quan trọng nhất là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng.
“Hội nghị này phải dùng mọi biện pháp để ba con ngựa kéo đạt mục tiêu tăng trưởng cao nhất, để lấy đà cho đất nước, nhất là trong năm nay diễn ra Đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đảng toàn quốc vào đầu năm sau”, Thủ tướng nói.
Đề cập đến mức tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm còn thấp, Thủ tướng lưu ý “phải thấy được điều này, trong đó có 12 địa phương tăng trưởng âm”.
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc Hội nghị. (Ảnh: Quang Hiếu) |
Về điều hành công cụ chính sách kinh tế vĩ mô, đặc biệt là chính sách tài khóa và tiền tệ, kích cầu…, Thủ tướng nêu rõ, tinh thần là không chỉ phòng thủ trước dịch bệnh mà phải tích cực tiến công nhanh và bền vững để phát triển. “Tăng trưởng bây giờ là vấn đề rất quan trọng của nước ta. Cần thống nhất chủ trương điều hành linh hoạt các chính sách tài khóa, tiền tệ để kích thích tăng trưởng”, Thủ tướng nói.
Chỉ ra giải ngân vốn đầu tư công hiện chưa đáp ứng yêu cầu đề ra, trong đó giải ngân ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long thấp, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các địa phương kiến nghị các giải pháp, chế tài cụ thể… để bảo đảm giải ngân hết số vốn này.
Trong điều kiện thị trường quốc tế bị thu hẹp, cầu nội địa giảm, Thủ tướng cho rằng phải có biện pháp cụ thể để mở rộng thị trường quốc tế, thúc đẩy thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng nội địa.
Theo Thủ tướng, càng khó khăn, càng cần tập trung rà soát các quy định pháp luật, cắt giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cắt giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp.
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, một không khí như vậy mới tạo điều kiện phát triển, còn nếu cứ “quyền anh, quyền tôi”, gây khó dễ cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân thì không bao giờ tạo được động lực phát triển.
Các cấp, các ngành, các địa phương chỉ đạo phát triển một số lĩnh vực kinh tế mới như kinh tế ban đêm, kinh tế số, kinh tế đô thị; phát triển nhà ở xã hội, bất động sản, tạo điều kiện cho người dân làm nhà ở. Cần thu hút mạnh mẽ đầu tư xã hội, đầu tư tư nhân, nguồn lực vốn FDI, phát huy hơn nữa vai trò của các địa phương.
Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh cộng đồng doanh nghiệp năng động, đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh, liên kết chặt chẽ nỗ lực vượt khó.
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương đề xuất, kiến nghị các cơ chế, đề xuất cụ thể để thúc đẩy đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh phát triển kinh tế. Các mô hình mới cần áp thành công, nhất là thương mại, thanh toán điện tử, kinh tế chia sẻ… Đặc biệt phục hồi một số ngành, lĩnh vực kinh tế trọng yếu như nông nghiệp công nghiệp chế biến chế tạo, xây dựng thị trường bất động sản. Có giải pháp mạnh hơn để vực dậy khu vực dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch bệnh hiện nay.
Thủ tướng cũng đề nghị các địa phương, các ngành phản ảnh việc triển khai Nghị quyết 11, Nghị quyết 42 để tháo gỡ những vấn đề bức xúc của doanh nghiệp, hiến kế giải pháp để đẩy mạnh tăng trưởng nhưng không chủ quan trong dịch bệnh…
Chống suy thoái kinh tế như chống giặc
Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết: Trong 6 tháng đầu năm, nước ta cơ bản thực hiện thành công nhiệm vụ kép, vừa kiểm soát dịch thành công và phục hồi nền kinh tế ở mức hợp lý, trạng thái bình thường mới dần được thiết lập trong mọi hoạt động kinh tế, xã hội.
Trong bối cảnh khó khăn chung của thế giới, nhiều quốc gia còn đang vật lộn với dịch bệnh và chưa thể có giải pháp hữu hiệu phục hồi nền kinh tế và có mức tăng trưởng âm, việc đạt được tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 1,81% tuy là thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua nhưng là đáng ghi nhận, nước ta nằm trong số ít các quốc gia có mức tăng trưởng dương. Tuy nhiên, việc tăng trưởng GDP của Quý II chỉ đạt 0,36% là điều đáng quan tâm.
|
Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương. (Ảnh: Quang Hiếu) |
Song theo Bộ trưởng, đáng chú ý, mặc dù tăng trưởng GDP đạt thấp nhưng chúng ta đã duy trì được nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm yếu tố quyết định để phục hồi và phát triển trong giai đoạn sau khi kết thúc dịch, một số chỉ tiêu chủ yếu dần phục hồi qua các tháng, tháng sau tích cực hơn tháng trước.
Phân tích tình hình 6 tháng cuối năm dự báo sẽ rất thách thức, sức ép, để kích thích tăng trưởng, phục hồi nhanh và thúc đẩy phát triển kinh tế, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đề xuất cần phải có những hành động nhanh, mạnh mẽ hơn. Các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương cần tập trung cao độ; nghiêm túc, quyết liệt, khẩn trương, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các giải pháp đề ra tại các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Xây dựng và quán triệt phương châm hành động mới để phục hồi và phát triển kinh tế.
Trước hết các cấp, các ngành cần nhận thức đúng mức độ nghiêm trọng và khẩn cấp của tình hình kinh tế - xã hội hiện nay, tuyệt đối không chủ quan; xác định nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế với phương châm “chống suy thoái kinh tế như chống giặc” như tinh thần “chống dịch như chống giặc”đã được Thủ tướng Chính phủ khởi xướng trong phòng, chống dịch COVID-19. Đoàn kết với quyết tâm cao hơn, phối hợp chặt chẽ hơn triển khai các chính sách phục hồi và phát triển kinh tế trong ngắn hạn nhanh, mạnh, hiệu quả gắn với xu hướng thay đổi trong trung và dài hạn.
Tận dụng tối đa thời cơ và cơ hội để tạo động lực mới cho phát triển, nhất là sự đoàn kết, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân; vị thế, uy tín của nước ta trên trường quốc tế sau khi kiểm soát thành công dịch COVID-19. Phát huy tối đa các lợi thế để đón nhận hiệu quả sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư quốc tế phục vụ phát triển đất nước. Thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số trong nước, tham gia xây dựng các quy chuẩn, quy định, luật chơi mới trong quản trị kinh tế toàn cầu và khu vực.
“Nghiên cứu, đề xuất Chính phủ trình Ban Bí thư thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia chống suy thoái kinh tế sau đại dịch COVID-19 do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban…”, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT nói.
Đồng thời mở rộng không gian phát triển, tìm kiếm thêm động lực mới cho tăng trưởng kinh tế; đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, sắp xếp, tổ chức lại và phục hồi, đẩy mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh, hướng tới xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, phát triển bền vững hơn.
“Cần tập trung rà soát nhằm phát huy mọi dư địa tăng trưởng trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương, từng dự án lớn, trọng điểm”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đối với sản xuất công nghiệp, cần chủ động thực hiện hoặc tham gia vào quá trình phục hồi chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị đứt gẫy, xây dựng và phát triển chuỗi giá trị mới. Đẩy mạnh kích cầu và củng cố nền tảng thị trường nội địa. Tiếp tục triển khai mạnh chương trình kích cầu du lịch nội địa, khẩn trương đưa Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch vào hoạt động. Phát động các chương trình kích cầu tiêu dùng, mở rộng thị trường trong nước.
Về xuất nhập khẩu, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, ứng dụng thương mại điện tử, hỗ trợ phát triển các nền tảng thương mại điện tử.Tiếp tục triển khai mạnh mẽ các chính sách tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, trong đó tập trung tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới.Tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn vay ngân hàng với lãi suất hợp lý, bảo đảm khôi phục sản xuất, việc làm cho người lao động.../.