|
Ông Nguyễn Long Hải, Bí thư Đảng uỷ Khối DNTƯ: Một số đơn vị trong lĩnh vực ngân hàng, viễn thông, hàng không, năng lượng đã xây dựng và triển khai chiến lược chuyển đổi số. Ảnh: VGP |
Đây là ý kiến của ông Nguyễn Long Hải, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương tại Hội nghị thông báo nhanh kết quả Hội nghị Trung ương 4 khoá XIII của Đảng học tập quán triệt Nghị quyết 02/NQ-ĐUK ngày 7/6/2021 về thực hiện chuyển đổi số tại các DN, đơn vị trong Khối Doanh nghiệp Trung ương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Ông Nguyễn Long Hải cho biết, ở Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế là một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm của đất nước, được xác định trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Các tập đoàn, ngân hàng trong khối là các DN Nhà nước lớn có năng lực và trách nhiệm đi đầu trong thực hiện chuyển đổi số, vừa đảm bảo vai trò dẫn dắt và sự phát triển bền vững của DN, vừa góp phần lan tỏa, thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia.
Chuyển đổi số đối với các DN trong Khối được tích hợp các công nghệ kĩ thuật số vào tất cả các lĩnh vực của DN, tận dụng công nghệ số để thay đổi căn bản cách thức vận hành, mô hình kinh doanh và cung cấp các giá trị mới cho khách hàng của DN. Chuyển đổi số cần gắn liền với chiến lược kinh doanh, chiến lược phát triển của DN và thực hiện nhiệm vụ đổi mới, sắp xếp lại DN Nhà nước theo chủ trương của Đảng, Nhà nước. Khách hàng, người lao động và người dân là trung tâm của chuyển đổi số giúp gia tăng trải nghiệm của khách hàng, đổi mới mô hình quản trị và phương thức sản xuất kinh doanh thông minh dựa trên nền tảng công nghệ số, góp phần tạo sự lan toả tới cộng đồng.
Bảo đảm an toàn, an ninh mạng là then chốt để chuyển đổi số thành công và bền vững, đồng thời là một nhân tố quyết định, không thể tách rời của quá trình chuyển đổi số…
Lãnh đạo Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương quán triệt các đơn vị trong khối phải triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện chuyển đổi số.
Thứ nhất, cần thống nhất nhận thức về chuyển đổi số và tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng. Cấp ủy các cấp tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chủ trương của Trung ương, Chính phủ, Đảng ủy Khối về chuyển đổi số. Người đứng đầu cấp ủy chịu trách nhiệm trực tiếp về chuyển đổi số trong DN, cơ quan, đơn vị, tổ chức, lĩnh vực phụ trách…
Thứ hai, cần đặc biệt chú trọng công tác hoạch định chiến lược chuyển đổi số và công tác lãnh đạo, tổ chức triển khai. Cấp ủy chỉ đạo việc xây dựng chiến lược chuyển đổi số gắn liền với chiến lược kinh doanh, chiến lược phát triển DN, phù hợp với mục tiêu cơ cấu lại DN Nhà nước và bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. DN có kế hoạch, lộ trình, chương trình triển khai cụ thể…
Thứ ba, cần tập trung chuẩn bị tốt nguồn nhân lực và tài chính cho chuyển đổi số; xây dựng văn hóa số trong DN, đơn vị. Cần tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, người lao động, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, tạo sự thống nhất, quyết tâm chính trị cao trong triển khai thực hiện chuyển đổi số. Cần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin hiện có, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu để đội ngũ này trở thành các chuyên gia nòng cốt tham mưu về chuyển đổi số của DN, đơn vị…
Cần thực hiện chuyển đổi số 100% cơ sở giáo dục, đào tạo trực thuộc DN. Chủ động liên kết với các viện, trường, trung tâm nghiên cứu và các đối tác trong và ngoài nước để đào tạo nguồn nhân lực phục vụ quá trình chuyển đổi số của DN.
Thứ tư, cần từng bước xây dựng và phát triển hạ tầng số phù hợp. Cần xây dựng kế hoạch tiêu chuẩn hóa các trung tâm dữ liệu riêng, hoặc thuê dịch vụ của đơn vị cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu chuyên nghiệp nhằm tối ưu chi phí đầu tư hạ tầng. Cần xây dựng kế hoạch, chương trình chuyển dịch các ứng dụng trong DN và các đơn vị thành viên lên hạ tầng điện toán đám mây, trong đó các hệ thống đang chuẩn bị triển khai, hệ thống dự phòng, hoặc các hệ thống có thể dịch chuyển độc lập được ưu tiên dịch chuyển trước. Nghiên cứu và xây dựng lộ trình triển khai tích hợp nền tảng kết nối mạng internet vạn vật (IoT) ứng dụng trong quản lý sản xuất, dây chuyền cung ứng dịch vụ tại các nhà máy, công xưởng, quản trị tòa nhà thông minh...
Thứ năm, cần xây dựng và triển khai chiến lược về dữ liệu, quyết liệt thực hiện số hóa dữ liệu và quy trình nghiệp vụ. Cần rà soát, củng cố, tái tạo, chuẩn hóa dữ liệu hiện có, nâng cao chất lượng dữ liệu; phân loại dữ liệu theo cấp độ chất lượng phù hợp; cấu trúc hóa dữ liệu nửa cấu trúc và phi cấu trúc; tạo lập đặc tả cho dữ liệu; xây dựng siêu dữ liệu trong doanh nghiệp để đánh chỉ mục dữ liệu số, hỗ trợ tìm kiếm và tra cứu các nguồn dữ liệu số…
|
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng: Các DN phải coi chuyển đổi số là công việc tất yếu phải thực hiện để nâng cao khả năng cạnh tranh của chính mình. Ảnh: VGP |
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã trao đổi, giải đáp một số vấn đề liên quan tới chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.
Trao đổi với lãnh đạo các DN trong khối, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, các cơ chế chính sách hỗ trợ giúp tạo thuận lợi phần nào thúc đẩy chuyển đổi số. Tuy vậy, các DN không nên quá trông chờ vào các cơ chế chính sách, cơ chế hỗ trợ.
“Quan trọng nhất là tự thân các DN cần xác định cho được mục tiêu, coi như việc ‘thay đổi hay là chết’, coi đây là công việc tất yếu phải thực hiện để nâng cao khả năng cạnh tranh của chính mình”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Lãnh đạo Bộ TT&TT dẫn ví dụ, hiện nay các đơn vị, hay DN vẫn phải dùng qúa nhiều chế độ báo cáo. Mỗi một “lệnh” từ trên đưa ra về báo cáo là các đơn vị, phòng ban chuẩn bị các loại báo cáo. Trong khi những việc này có thể giải quyết qua các ứng dụng thông minh, để người lãnh đạo cập nhật tức thì thông tin rất nhanh, từ đó lãnh đạo thuận tiện trong việc nắm bức tranh tổng thể ra quyết định. Rất nhiều DN hàng đầu thế giới nhờ chuyển đổi số thành công đã có nhiều bước tiến, ngược lại có DN không thích ứng thay đổi kịp và thất bại.
“Là quốc gia đi sau để chuyển đổi số, trước mắt chỉ cần học hỏi cho tốt kinh nghiệm các quốc gia hàng đầu thế giới đã đi trước để chuyển đổi số là có cơ hội thành công. Kinh nghiệm là càng khó khăn, càng có động lực, phải bắt tay vào làm ngay một cách thực chất. Thực tế, nhiều DN Nhà nước có tiềm lực tài chính và con người tốt. Vấn đề là cần tư duy, tận dụng động lực buộc mình phải thay đổi, thực hiện chuyển đổi số để làm mọi việc thuận tiện hơn”, ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Huy Thắng