Đẩy mạnh các giải pháp tiết kiệm năng lượng
Chương trình Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả giai đoạn 2019-2030 đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt, theo đó mục tiêu tiết kiệm 8-10% tổng tiêu thụ năng lượng đòi hỏi các Bộ, ngành và các địa phương phải vào cuộc quyết liệt và mạnh mẽ hơn. Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2022-2025 đặt ra mục tiêu cả nước phải phấn đầu hằng năm tiết kiệm tối thiểu 2,0% tổng điện năng tiêu thụ. Để đạt được mục tiêu này, các tổ chức, cá nhân phải nghiêm túc thực hiện việc tiết kiệm điện.
Trong thời gian vừa qua, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương theo dõi, đôn đốc và thực hiện các hoạt động tiết kiệm điện.
Bộ cũng phối hợp với các tỉnh thành đưa ra các giải pháp kỹ thuật để tiết kiệm điện như: khuyến khích các hộ gia đình và các cơ sở sản xuất đầu tư điện mặt trời áp mái (đặc biệt và khu vực miền Trung và miền Nam) nhằm tự cung ứng điện sinh hoạt và điện sản xuất; thay thế hệ thống đèn halogen chiếu sáng công cộng bằng đèn Led tiết kiệm điện; thay thế hệ thống đèn trong chiếu sáng học đường; khuyến khích các doanh nghiệp giảm, tắt các thiết bị không cần thiết vào giờ cao điểm; đẩy mạnh chương trình phụ tải; thay hệ thống bóng đèn trong chiếu sáng cây thanh long, hay cho các vườn cây nông sản quy mô công nghiệp.
Đồng thời, Bộ Công Thương đã tăng cường các giải pháp về quản lý cho các địa phương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện tiết kiệm điện và cam kết giảm 2%/năm điện năng so với nhu cầu sử dụng tại các đơn vị sản xuất trên địa bàn các tỉnh, thành phố; nhiều cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước đã đưa chỉ tiêu tiết kiệm điện thành chỉ tiêu đánh giá, bình bầu, tổng kết cuối năm để xét chọn danh hiệu tại cơ quan, đơn vị…
Sau thời gian nghiêm túc thực hiện Chỉ thị 20 cho đến nay, các tỉnh, thành phố trên cả nước bước đầu đã có những kết quả khả quan. Cụ thể, 195 lớp tập huấn, hội thảo hướng dẫn về tiết kiệm điện cho doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân đã được triển khai; tổ chức cuộc vận động hộ gia đình tiết kiệm điện đã trực tiếp thu hút được 120.000 hộ dân tham gia cuộc vận động; hỗ trợ được 1.200 doanh nghiệp thực hiện kiểm toán năng lượng, xây dựng mô hình quản lý năng lượng và thực hiện các giải pháp về tiết kiệm điện; vận động được hơn 9.500 hộ dân lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời nối mái thông qua chương trình tiết kiệm điện.
Trong thời gian tới, Bô Công Thương và các địa phương sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, cải thiện hành vi sử dụng điện, năng lượng đối với từng nhóm đối tượng cụ thể với nhiều hình thức khác nhau nhằm cải thiện hành vi sử dụng điện.
Xây dựng và tổ chức triển khai các quy tắc xã hội, cộng đồng, nội quy, quy định về sử dụng điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong từng cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
UBND các tỉnh, thành phố cần hoàn thành việc xây dựng, phê duyệt kế hoạch thực hiện Chương trình tại địa phương, trong đó nêu rõ lộ trình, mục tiêu sử dụng điện/năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo thẩm quyền; bố trí kinh phí thực hiện, kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng, tiến độ, hiệu quả việc thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại địa phương; huy động các nguồn vốn hợp pháp để thực hiện các nội dung Chương trình thuộc nhiệm vụ do địa phương quản lý./.