|
10 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu rau quả ước đạt 3,3 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2017 - Ảnh: VGP/Đỗ Hương |
Áp lực cải thiện môi trường đầu tư
Thực tế cho thấy, nông nghiệp Việt Nam đang bước vào giai đoạn hội nhập mới, ngày càng toàn diện và sâu sắc hơn, điển hình là với sự tham gia Hiệp định Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và FTA Việt Nam - EU (EVFTA). Bên cạnh yếu tố mở rộng thị trường xuất khẩu (XK) với các mặt hàng chiến lược hay cơ hội nhập khẩu (NK) đa đạng hóa nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp,... một trong những cơ hội lớn cho nông nghiệp Việt Nam là thu hút đầu tư. Tuy nhiên, để DN thực sự mặn mà với “mảnh đất” vốn được nhận định dễ chịu nhiều rủi ro này, mấu chốt là phải giải quyết được các nút thắt chính sách nổi cộm.
Theo Vụ Kinh tế nông nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), hiện nay, hệ thống chính sách khuyến khích đầu tư nông nghiệp, nông thông còn chưa đồng bộ, hiệu quả. Số lượng DN chỉ chiếm khoảng 8% tổng số DN đang hoạt động trên cả nước. Các nghị định như: Nghị định 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị định 61/2010/NĐ-CP về chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị định 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn chưa triển khai mạnh được vì bị hạn chế bởi các luật chuyên ngành và thiếu hụt nguồn lực.
Ông Đinh Ngọc Minh, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế Nông nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, để tiếp tục thúc đẩy DN đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, xác định DN đóng vai trò "bà đỡ" đưa công nghệ, quản lý, vốn và thị trường vào sản xuất nông nghiệp, Trung ương cần cho chủ trương để xây dựng Luật Khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (hiện đã có Nghị định 57/2018/NĐ-CP tuy nhiên vướng các Luật về thuế, Luật Đất đai không thể tháo gỡ nên bị nhiều giới hạn).
Việc thực hiện các cam kết trong CPTPP và EVFTA như đầu tư, DN nhà nước, mua sắm công... sẽ tạo áp lực để Việt Nam cải thiện năng lực quản trị, môi trường kinh doanh, các quy trình thủ tục trong nước, các điều kiện về thương mại và hậu cần... từ đó mở ra cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt vào các lĩnh vực mà Việt Nam còn yếu kém như công nghệ cao trong nông nghiệp và chế biến nông, lâm, thủy sản (gạo, cà phê).
Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương: “Môi trường kinh doanh của Việt Nam so với trước thì có cải thiện nhưng so với yêu cầu cải cách của đất nước, đưa nền kinh tế về quỹ đạo tăng trưởng bền vững thì vẫn còn khoảng cách”.
Nhìn thấu vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần gặp gỡ DN, đặc biệt là các DN trong lĩnh vực nông nghiệp đối thoại để tháo bỏ rào cản, tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thông thoáng, vững tin cho DN đầu tư vào lĩnh vực này.
|
Thúc đẩy đầu tư chế biến gỗ giúp lâm nghiệp trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Ảnh: VGP/Đỗ Hương |
Cơ hội đi kèm thách thức
Khi thực hiện CPTPP và FTA Việt Nam - EU (EVFTA), các nhà đầu tư không chỉ từ khu vực CPTPP, EU mà còn từ các nước ngoại khối cũng sẽ có động cơ đầu tư vào Việt Nam để tận dụng lợi thế là thành viên của Việt Nam nhằm tiếp cận và mở rộng các thị trường trong khối. Hoạt động đầu tư xuyên quốc gia sẽ đi kèm với khoa học công nghệ và nâng cao trình độ kỹ năng lao động. Khi có đầu tư nước ngoài, bên cạnh việc tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, điều quan trọng nhất là nền nông nghiệp Việt Nam sẽ hấp thụ được khoa học kỹ thuật mới, thay đổi được cách làm truyền thống, nâng cao hiệu quả.
Liên quan tới vấn đề này, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) đưa ra dẫn chứng: Thực tế hiện nay, nhằm tận dụng các FTA, nhiều công ty Nhật Bản đến Việt Nam đầu tư làm nông nghiệp ngày càng nhiều. Sau đó, các DN này lại XK hàng hóa trở lại chính quốc. Ví dụ như, DN Nhật Bản đầu tư trồng gừng, bưởi, chăn nuôi gà ở Nghệ An; trồng rau quả sạch tại Lâm Đồng…
Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu rà soát, đề xuất sửa đổi bổ sung các luật liên quan đến hỗ trợ sản xuất nông nghiệp như Luật Đất đai, Luật Công nghệ cao, Pháp lệnh quản lý thị trường, Luật Quy hoạch... để tạo điều kiện phát triển một nền nông nghiệp sản xuất lớn theo hướng liên kết, ứng dụng công nghệ cao; nghiên cứu, triển khai các giải pháp thu hút nguồn vốn ưu đãi, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, đồng thời có giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân và tăng hiệu quả sử dụng nguồn vốn này...
Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, mặc dù nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sẽ có lợi thế rất lớn ở EU khi EVFTA đi vào cuộc sống song việc khai thác thị trường này còn phụ thuộc vào từng DN. "Mặc dù các chương trình hành động Chính phủ ban hành đầy đủ, nhưng DN cần chủ động hơn trong tiếp cận nguồn lực để đưa EVFTA thực sự nằm trong quan điểm, tư tưởng và nhận thức của từng DN", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Để làm được điều này không phải dễ dàng bởi DN Việt Nam nói chung và DN nông nghiệp nói riêng phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ nên hạn chế nguồn lực, khả năng tiếp cận thông tin là điểm nghẽn mấu chốt. Đây là thách thức để các bộ, ngành nghiên cứu kỹ lưỡng các chính sách nhằm đưa ra sự tương tác hiệu quả giữa cộng đồng DN và những nhà quản lý hành chính, tạo ra giá trị, năng suất lao động cao hơn trong ngành nông nghiệp./.
Đỗ Hương