|
Bộ GTVT nghiên cứu đề xuất chuyển đổi hình thức đầu tư của 3 dự án: Mai Sơn - QL45, QL45 - Nghi Sơn và Phan Thiết - Dầu Giây. Ảnh minh hoạ. |
Đại diện Vụ Đối tác công-tư (PPP- Bộ GTVT) cho biết, Bộ GTVT đang nghiên cứu chuyển đổi hình thức đầu tư một số dự án PPP của cao tốc Bắc - Nam sang đầu tư công để báo cáo Chính phủ trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Việc chuyển đổi hình thức đầu tư phải đảm bảo nguyên tắc là dự án cấp bách, kết nối các trung tâm kinh tế lớn, đảm bảo tính liên tục, đồng bộ với các dự án đang triển khai trên tuyến…
Đồng thời, việc nghiên cứu chuyển đổi hình thức đầu tư xuất phát từ tình hình thực tế hiện nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đối với nền kinh tế. Cùng với đó, nguồn vốn tín dụng để thực hiện các dự án giao thông hiện nay được dự báo sẽ rất khó khăn. Hiện các ngân hàng thương mại trong nước đang thắt chặt tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay dài hạn, điều này ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ triển khai 8 dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam theo hình thức PPP.
“Trước mắt, Bộ GTVT nghiên cứu đề xuất chuyển đổi hình thức đầu tư của 3 dự án: Mai Sơn - QL45, QL45 - Nghi Sơn và Phan Thiết - Dầu Giây. Sắp tới, có thể nghiên cứu để chuyển đổi thêm một số dự án khác”, đại diện Vụ PPP thông tin.
Khi chuyển đổi sang đầu tư công, Bộ GTVT sẽ tiến hành ngay công tác đấu thầu lựa chọn nhà thầu để triển khai xây dựng và một số dự án cao tốc Bắc - Nam sẽ khởi công được ngay trong quý III/2020. Thay vì hiện nay các dự án này đang thực hiện theo hình thức PPP phải trải qua công đoạn đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư kéo dài khoảng 6 tháng. Trường hợp đấu thầu thành công, nhà đầu tư được ngân hàng cho vay vốn, sớm nhất cũng phải trong quý I/2021 mới có thể khởi công.
Về nguồn vốn, Bộ GTVT dự kiến đề xuất sử dụng từ gói 55.000 tỷ đồng vốn ngân sách đã được Quốc hội phân bổ cho dự án cao tốc Bắc - Nam, sau đó sẽ bổ sung thêm các nguồn vốn khác trong giai đoạn trung hạn 2021 - 2025.
Trước đó, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về các giải pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng một số đoạn trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam và dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ diễn ra chiều 12/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án, công trình hạ tầng giao thông lớn đặc biệt quan trọng trong bối cảnh nền kinh tế đang chịu tác động từ dịch COVID-19. Trong đó, các dự án thành phần tuyến cao tốc Bắc – Nam, tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ cần được khẩn trương tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện.
Thủ tướng nhất trí với phương án do Bộ GTVT đề xuất, yêu cầu Bộ GTVT phối hợp với các bộ liên quan có báo cáo chính thức về vấn đề này, trình cấp có thẩm quyền. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần là phải bảo đảm tiến độ, thời gian, chất lượng.
Đối với dự án cầu Mỹ Thuận 2, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT thúc đẩy triển khai để sớm đưa vào sử dụng. Về dự án tuyến cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, Thủ tướng cho rằng, đây là tuyến rất quan trọng để kết nối với tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận (dự kiến thông tuyến trong năm 2020, khánh thành vào năm 2021), do đó Nhà nước sẽ hỗ trợ dự án này một cách tốt nhất.
Liên quan đến yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19, Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/3 của Chính phủ cũng yêu cầu Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các Bộ: KHĐT, Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền về việc chuyển đổi từ đầu tư theo hình thức đối tác công tư sang đầu tư công đối với các dự án trọng điểm, như dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, các dự án thành phần của dự án đầu tư xây dựng một số đoạn trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020; xem xét việc áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư, chỉ định thầu, bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, báo cáo Chính phủ trước ngày 15/3/2020 để báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.
PGS. TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, nền kinh tế đang chịu ảnh hưởng lớn của dịch COVID-19, nếu tiếp tục thực hiện đầu tư toàn bộ 8 dự án cao tốc Bắc - Nam theo hình thức PPP, doanh nghiệp trong nước sẽ rất khó đáp ứng nguồn lực bởi vốn để thực hiện các dự án PPP giao thông chủ yếu đến từ các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, nguồn vốn tín dụng cho vay dài hạn của các ngân hàng hiện đã chạm trần.“Hiện nay, Nhà nước huy động rất nhiều nguồn lực, trong đó có cả Trái phiếu Chính phủ, không sử dụng đến rất lãng phí, trong khi Nhà nước vẫn phải trả lãi. Thêm vào đó, ảnh hưởng của dịch COVID-19, hoạt động sản xuất kinh doanh đang giảm sút, tác động lớn đến tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Việc chuyển đổi hình thức đầu tư trong bối cảnh hiện nay sẽ là giải pháp thiết thực để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nước”, PGS. TS. Ngô Trí Long nhìn nhận. |
Phan Trang