Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trao đổi tại phiên họp
Ngày 1/11, tham gia thảo luận về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035, nhiều đại biểu Quốc hội đề cập đến một số nội dung về các chỉ tiêu liên quan đến giáo dục.
Trong đó, đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) băn khoăn về mục tiêu "Đến năm 2030, 100% học sinh, học viên, sinh viên trong hệ thống giáo dục quốc dân được tiếp cận, tham gia hiệu quả, thường xuyên các hoạt động giáo dục nghệ thuật, giáo dục di sản văn hóa"
Đại biểu đặt vấn đề có nhất thiết hay không, khi 100% học sinh, sinh viên phải tiếp cận và đưa vào chương trình giáo dục thường xuyên, giáo dục nghệ thuật.
"Ví dụ di sản văn hóa thì học sinh phải biết di sản văn hóa nhưng nghệ thuật là một vấn đề khó khăn, nếu đưa vào chương trình giáo dục phổ thông như vậy thì có phải đưa vào chương trình chính khóa không hay ngoại khóa", đại biểu Phạm Văn Hòa bày tỏ và cho rằng mục tiêu này là rất khó, đặc biệt học sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc và vùng ở nông thôn.
Bên cạnh đó, về tổng kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị làm rõ về vốn huy động hợp pháp khác (khoảng 15.000 tỷ đồng, chiếm 12,4%).
Tham gia giải trình, làm rõ một vấn đề, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035 có khá nhiều nội dung liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của ngành GD&ĐT.
Lĩnh vực văn hóa và giáo dục có nhiều nội dung có tính chất giao thoa, gần gũi, bởi cả 2 bộ ngành đều chung một mục tiêu, một đối tượng lớn là phát triển con người và các giá trị của con người. Trong quá trình xây dựng Chương trình này, 2 bộ cũng đã phối hợp rất chặt chẽ, có nhiều nội dung của GD&ĐT đã được đưa vào Chương trình.
Về mục tiêu "Đến năm 2030, 100% học sinh, học viên, sinh viên trong hệ thống giáo dục quốc dân được tiếp cận, tham gia hiệu quả, thường xuyên các hoạt động giáo dục nghệ thuật, giáo dục di sản văn hóa", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay, nội dung này do Bộ GD&ĐT đề xuất với một mong muốn là phát triển con người một cách toàn diện và các nội dung giáo dục về nghệ thuật, về di sản văn hóa thực chất cũng đã có trong chương trình giáo dục phổ thông, trong đó đã có các môn học về mỹ thuật, về nghệ thuật.
"Đây là một nội dung triển khai với một mục tiêu tốt đẹp, nhưng trong thực tế, một số nơi, nhất là những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện có phần khó khăn", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.
Tuy nhiên, cũng đã có nhiều giải pháp được đưa ra và triển khai khi rất nhiều địa phương đã dạy cho các em học sinh chính những nội dung nghệ thuật của dân tộc mình, của địa phương mình. Chẳng hạn như các em có thể học sáo, khèn, các điệu múa của dân tộc, nhạc cụ dân tộc, trong đó môn giáo dục địa phương đã bao gồm rất nhiều nội dung về lịch sử địa phương, di tích lịch sử, văn hóa… Môn giáo dục địa phương cũng là một môn giáo dục bắt buộc.
Các nơi có khó khăn nhưng đã đề ra các giải pháp có thể kết hợp cả trực tiếp, cả trực tuyến, bằng các công cụ giáo dục khác.
Vì vậy, các nội dung đề xuất là phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng, nếu đặt mục tiêu là phải tham gia một cách "hiệu quả, thường xuyên" thì đúng là có phần khó khăn.
Vì vậy, để khả thi hơn, Bộ GD&ĐT cân nhắc ý kiến nêu của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, dự kiến có thể điều chỉnh như sau: "Phấn đấu đến năm 2030, 100% học sinh, học viên, sinh viên trong hệ thống giáo dục quốc dân được tiếp cận, tham gia các hoạt động giáo dục nghệ thuật, giáo dục di sản văn hóa".
Về các chỉ tiêu khác liên quan đến giáo dục, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, sẽ phối hợp với Bộ VHTT&DL rà soát rất cẩn thận, tỉ mỉ.
Báo cáo, làm rõ thêm về các nội dung, nhóm vấn đề mà các đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết, đối với các chỉ tiêu trong từng dự án thành phần, Quốc hội sẽ quyết định theo thẩm quyền những vấn đề lớn, những chỉ tiêu và mục tiêu phấn đấu, còn Chính phủ sẽ cụ thể hóa các chỉ tiêu này, phù hợp trong từng giai đoạn theo hướng cấp bách, có trọng tâm, trọng điểm.
Vì vậy, các góp ý của các đại biểu về các chỉ tiêu cụ thể, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu để đưa vào trong báo cáo nghiên cứu khả thi của Chính phủ, để phù hợp trong tổ chức thực hiện.
Về vấn đề nguồn vốn mà nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, trong Kết luận 100 của Bộ Chính trị nêu rất rõ việc huy động các nguồn lực xã hội cùng với nguồn lực nhà nước để đầu tư cho phát triển văn hóa.
"Gần đây nhất, tôi cùng với lãnh đạo TPHCM dự một Hội nghị xúc tiến đầu tư theo Nghị quyết 98 của Quốc hội cho phép TPHCM thí điểm để thực hiện vấn đề hợp tác trong lĩnh vực văn hóa và thể thao. Trong đó có 300 doanh nghiệp đến làm việc và họ đăng ký nguồn vốn, nếu như được chấp thuận là 2 tỷ USD và Hà Nội sắp tới cũng sẽ làm, một số địa phương khác có cơ chế này, chắc chắn con số 'vốn huy động hợp pháp khác' không phải chỉ là 15.000 tỷ, đây chỉ là khái toán về nguồn lực xã hội mà thôi", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói.
Về phát huy giá trị của văn hóa các đồng bào dân tộc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ đây là yêu cầu, nhiệm vụ cần phải tổ chức thực hiện đồng bộ, toàn diện, hiệu quả hơn trong thời gian tới. Bộ trưởng khẳng định, Việt Nam chúng ta có 54 dân tộc và trong 54 dân tộc đó, việc phát huy, bảo tồn văn hóa của các dân tộc luôn được bình đẳng và được Nhà nước quan tâm.
Hải Giang