Đấu tranh phản bác luận điệu xuyên tạc “chống tham nhũng ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư, kinh doanh, làm hạn chế dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam” 

Đấu tranh phòng, chống tham nhũng không làm ảnh hưởng đến nền kinh tế, đến môi trường đầu tư, kinh doanh, làm hạn chế dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy vào Việt Nam, như các kênh thông tin hải ngoại cố tình rêu rao, bôi nhọ. Thậm chí, còn nhận được sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế và các nhà đầu tư nước ngoài.

Chống tham nhũng góp phần đảm bảo sự minh bạch, công bằng cho môi trường đầu tư, kinh doanh

Cuộc chiến chống tham nhũng ở nước ta đang ngày càng đi vào chiều sâu, đạt được những kết quả quan trọng. Điều này đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân cả nước và cộng đồng quốc tế. Bởi lẽ, đúng như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói, cuộc chiến chống tham nhũng của Việt Nam “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Nhờ đó, niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân vào Đảng, Nhà nước ngày càng được củng cố.

Tuy nhiên, trên một số diễn đàn, có những người suy diễn rằng, việc phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam, với các quyết định về việc cho “thôi chức”, hay “miễn nhiệm”, “truy tố”, “xét xử”… chỉ là “bức bình phong” cho tình trạng đấu đá nội bộ, hay tranh giành quyền lực chính trị.

Những năm gần đây, một số trang mạng, kênh thông tin hải ngoại suy diễn, xuyên tạc rằng, cuộc chiến chống tham nhũng của Việt Nam đang khiến cho nhiều giao dịch kinh tế bị tê liệt, có thể ảnh hưởng đến đầu tư trực tiếp nước ngoài, giảm xuất khẩu. Họ lập luận rằng, chiến dịch chống tham nhũng ở Việt Nam đã làm tê liệt nhiều giao dịch thông thường trong nước, gây ra tình trạng thiếu hàng hóa thiết yếu và làm giảm niềm tin của nhà đầu tư vào một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á. Bên cạnh đó, nhiều cá nhân, tổ chức chống phá Việt Nam cũng đã bằng nhiều cách chia sẻ thông tin lên các trang mạng xã hội, quy kết, xuyên tạc bản chất cuộc chiến chống tham nhũng của Việt Nam. Những thông tin này ít nhiều cũng đã tác động đến tâm lý, tình cảm, lòng tin của một bộ phận cán bộ, đảng viên.

Trước hết, phải khẳng định rằngviệc phòng, chống tham nhũng là việc của bất cứ quốc gia nào, nhằm đảm bảo sự minh bạch, công bằng cho môi trường đầu tư, cho các nhà kinh doanh. Tham nhũng, có thể nói, là tệ nạn có thể kéo lùi sự phát triển kinh tế của một quốc gia, hủy hoại uy tín, danh dự của lực lượng cầm quyền, lãnh đạo đất nước. Tham nhũng đã trở thành hiểm họa, là vấn đề mà tất cả các quốc gia đều phải quan tâm. Chính vì thế, tháng 12/2003, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã ban hành một công ước riêng về chống tham nhũng. Kể từ đó, nhiều quốc gia trên thế giới tăng cường chống tham nhũng, qua đó minh bạch hóa môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội. Ngay cả ở các quốc gia và khu vực phát triển như Mỹ, Liên minh châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản…, công tác phòng, chống tham nhũng cũng được đẩy mạnh. Và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ.

Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đã chỉ rõ, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng được lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, toàn diện, đi vào chiều sâu với quyết tâm chính trị rất cao, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, đạt nhiều kết quả quan trọng, rõ rệt, được cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình ủng hộ, đánh giá cao và quốc tế ghi nhận. Và rằng, chống tham nhũng, tiêu cực không thể ngày một ngày hai, nó là cuộc chiến lâu dài, phức tạp và gặp nhiều gian truân. Nó góp phần củng cố niềm tin trong nhân dân, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.  Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhiều lần khẳng định, cần thiết phải đẩy mạnh chống tham nhũng. Trong cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày 18/11/2022, Đồng chí nhấn mạnh: “Càng đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Đảng của chúng ta càng mạnh lên, càng củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ, làm cho bộ máy trong sạch, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại, đồng thời bác bỏ luận điệu sai trái của các thế lực xấu, thù địch, chống đối cho rằng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm là ‘đấu đá nội bộ’, ‘phe cánh’, làm ‘nhụt chí’ những người khác”.

Giai đoạn 2013-2023 là 10 năm Việt Nam thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc phòng, chống tham nhũng, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trong 10 năm này, 168.000 đảng viên đã bị kỷ luật, trong đó có 7.390 đảng viên bị cáo buộc tham nhũng; nhiều quan chức cấp cao đã bị khởi tố, bắt giam, những doanh nghiệp trục lợi chính sách bị điều tra và hàng chục nghìn tỷ đồng tài sản tham nhũng đã được thu hồi. Đặc biệt, nhiều vụ án lớn tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), công ty Việt Á, AIC, FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, Tập đoàn Phúc Sơn, Thuận An… đã được phanh phui. Nhiều bị can là cán bộ cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, đã bị xử lý nghiêm minh, góp phần củng cố niềm tin trong nhân dân.

Kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong những năm qua đã được cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá, đúc kết lại trong Cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”. Trong Cuốn sách, đồng chí Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Chưa bao giờ công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lại được thực hiện một cách mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt, bài bản và hiệu quả như thời gian gần đây; để lại dấu ấn nổi bật, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội và củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước”.

Cuốn sách rất có giá trị này cũng đã nêu rõ về bản chất, biểu hiện của tham nhũng, tiêu cực là gì ở Việt Nam, làm rõ vì sao phải kiên định, kiên quyết, kiên trì phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đồng thời chỉ ra rằng, muốn chống tham nhũng phải làm gì, làm như thế nào; chúng ta đã làm được gì và sắp tới phải làm như thế nào… Đây là những vấn đề lý luận và thực tiễn có ý nghĩa quan trọng đối với công cuộc phòng chống tham nhũng của Việt Nam không chỉ hiện nay, mà cả trong thời gian tới.

Một cách rất rõ ràng, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam nói riêng, trên thế giới nói chung, chính là để làm trong sạch bộ máy, để hệ thống chính trị phục vụ ngày một tốt hơn quyền và lợi ích của Nhân dân, cũng như xứng đáng với niềm tin và sự phó thác của Nhân dân. Công cuộc phòng, chống tham nhũng có thể nói đã kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tham nhũng, góp phần giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân; tạo động lực mới, khí thế mới để toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Việt Nam - Điểm sáng trong thu hút đầu tư nước ngoài

Đấu tranh phòng, chống tham nhũng cũng không hề làm ảnh hưởng đến nền kinh tế, đến môi trường đầu tư, kinh doanh, làm hạn chế dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy vào Việt Nam, như các kênh thông tin hải ngoại cố tình rêu rao, bôi nhọ. Thậm chí, còn nhận được sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế và các nhà đầu tư nước ngoài. Bởi thực chất, chính tham nhũng và chi phí không chính thức mới là những yếu tố gây bất bình trong xã hội, làm xấu đi môi trường kinh doanh và làm giảm quyết tâm của các nhà đầu tư.

Trong các báo cáo về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), cũng như trong các khảo sát về chỉ số niềm tin kinh doanh của các nhà đầu tư nước ngoài, thì việc phải bỏ ra các chi phí không chính thức, chi phí “bôi trơn”, chi phí “dưới gầm bàn” luôn là một trong những nỗi lo thường trực của các nhà đầu tư. Kể từ khi công cuộc phòng chống tham nhũng được đẩy mạnh, chi phí này đã giảm đi, khiến nhà đầu tư nước ngoài yên tâm hơn. Theo Báo cáo PCI - FDI 2022, tỷ lệ doanh nghiệp FDI phải dành 5 - 10% doanh thu cho các khoản chi không chính thức đã giảm từ 5% xuống còn 3,2%. Chắc chắn, không phải ngẫu nhiên mà Tổ chức Minh bạch Quốc tế khi công bố Báo cáo Chỉ số cảm nhận tham nhũng năm 2022 đã “tặng” cho Việt Nam thêm 3 điểm, từ 39 lên 42 trên thang điểm 100 (với ‘0’ là tham nhũng nhất và ‘100’ là trong sạch nhất)1. Việt Nam là một trong 6 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương có tiến bộ nổi trội trong phòng, chống tham nhũng. Gây được ấn tượng tốt và tạo được lòng tin, Việt Nam đã trở thành tâm điểm chú ý của các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là sau đại dịch Covid-19 và biến động địa chính trị toàn cầu những năm gần đây.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kể từ năm 2018 đến cuối năm 2023, bất chấp xu hướng sụt giảm của dòng đầu tư toàn cầu, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đã đạt 200 tỷ USD, còn vốn giải ngân đạt 111,85 tỷ USD, tương ứng chiếm 43,25% và 38% tổng nguồn lực đầu tư nước ngoài mà Việt Nam có được trong 35 năm qua. Đặc biệt, chỉ riêng năm 2023, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký đã đạt trên 36,61 tỷ USD, còn vốn giải ngân đạt trên 23,18 tỷ USD, cao nhất kể từ trước tới nay2.

Không những thu hút được một lượng vốn lớn, sau 35 năm thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam đang có cơ hội lịch sử để đón dòng vốn chất lượng cao trong lĩnh vực công nghiệp 4.0, như bán dẫn, AI, hydrogen, điện tử, năng lượng tái tạo…, qua đó góp phần quan trọng “nâng chất” nền kinh tế và hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng của dân tộc. Rất nhiều tập đoàn lớn như Samsung, LG, Foxconn, Goertek… đã không ngừng đổ vốn vào Việt Nam. Riêng Tập đoàn Samsung đã đầu tư vào Việt Nam gần 22 tỷ USD, và hiện nay, mỗi năm đều tăng đầu tư thêm khoảng 1 tỷ USD.

Năm 2023, trong Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện, hai bên thống nhất thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, trong đó có AI, bán dẫn. Sau các tuyên bố song phương, hàng loạt tập đoàn kinh tế lớn của Mỹ, trong đó có Tập đoàn NVIDIA - tập đoàn có giá trị vốn hóa lên tới 3.000 tỷ USD - đã đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư, và bước đầu đã có các thỏa thuận hợp tác kinh doanh quy mô hàng trăm triệu USD với các tập đoàn FPT, VNG…Thậm chí, theo dự báo của các tổ chức quốc tế, Việt Nam sẽ tiếp tục đạt được thành công hơn nữa trong thu hút đầu tư nước ngoài. Việt Nam đang ở trung tâm của chuỗi giá trị toàn cầu, là mắt xích không thể thiếu và là điểm đến đầu tư an toàn và hấp dẫn. Dự báo, năm 2024, kết quả thu hút đầu tư nước ngoài cũng sẽ tương tự năm 2023, thậm chí sẽ cao hơn.

Thu hút đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục là điểm sáng của kinh tế Việt Nam, vốn luôn đạt được các kết quả toàn diện, quan trọng trong những năm vừa qua, bất chấp kinh tế toàn cầu suy giảm, chứa đựng nhiều yếu tố khó khăn, bất định. Năm 2022, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 8,02%. Năm 2023, con số là 5,05%. Việt Nam tiếp tục thuộc nhóm nước có tăng trưởng cao nhất khu vực và toàn cầu. Các nước coi Việt Nam là hình mẫu trong phục hồi kinh tế hậu đại dịch, là “ngôi sao đang lên” trong chuỗi cung ứng toàn cầu, và là một trong 20 nền kinh tế thu hút đầu tư nước ngoài thành công nhất trên thế giới.

Chống tham nhũng không hề khiến cho guồng máy kinh tế chậm lại mà thực sự đang tạo đà cho phát triển. Chống tham nhũng cũng không hề khiến nhà đầu tư nước ngoài băn khoăn, lo ngại, mà ngược lại, còn làm cho môi trường đầu tư thêm minh bạch, hấp dẫn, tạo được lòng tin với các nhà đầu tư và cộng đồng quốc tế. Việt Nam đã ký hơn 90 hiệp định thương mại song phương, khoảng 60 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư. Việt Nam cũng là thành viên của 16 hiệp định thương mại tự do (FTAs) với sự tham gia của khoảng 60 nền kinh tế.

Đây cũng chính là một trong những lý do để Tổ chức xếp hạng Fitch Ratings vào cuối năm 2023 đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+ “Triển vọng Ổn định” trong bối cảnh thế giới đối mặt với các thách thức về suy giảm tăng trưởng, thương mại, sự gia tăng các rủi ro về tài chính. Điều này củng cố thêm niềm tin của các nhà đầu tư, đặc biệt các nhà đầu tư nước ngoài đối với nền kinh tế Việt Nam.

Kể từ khi thực hiện công cuộc Đổi mới vào năm 1986, Việt Nam đã luôn coi trọng việc hội nhập kinh tế quốc tế, cũng như hợp tác đầu tư nước ngoài. Năm 2019, sau khi tổng kết 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài, Bộ Chính trị đã lần đầu tiên ban hành một nghị quyết riêng về nội dung này, đó là Nghị quyết số 50-NQ/TW, ngày 20/8/2019 về “Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030”. Trong Nghị quyết, Bộ Chính trị một lần nữa khẳng định: “Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác. Nhà nước tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhà đầu tư; bảo đảm hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người lao động trong doanh nghiệp”.

Quán triệt quan điểm này, trong những năm gần đây, Chính phủ và các bộ. ngành, địa phương luôn nỗ lực tạo mọi điều kiện thuận lợi để thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài. Nhiều thể chế, chính sách quan trọng đã và đang được xây dựng, như Chiến lược Hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030, chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt, Quỹ Hỗ trợ đầu tư… Môi trường đầu tư, kinh doanh cũng không ngừng được cải thiện. Các vấn đề liên quan đến hạ tầng cơ sở, chất lượng nguồn nhân lực, đất đai, năng lượng… cũng đã và đang được các bộ ngành, địa phương chuẩn bị sẵn sàng. Tất cả là nhằm tạo thuận lợi cho thu hút và hợp tác đầu tư nước ngoài, qua đó góp phần quan trọng thúc đẩy hội nhập quốc tế, tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội.

Đảng, Nhà nước, Việt Nam cũng luôn trân trọng và đánh giá cao những đóng góp to lớn của khu vực đầu tư nước ngoài. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong cuộc gặp với các nhà đầu tư nước ngoài hồi đầu năm 2023 cũng đã nhấn mạnh rằng: “Việt Nam rất trân trọng, đánh giá cao sự hợp tác và hỗ trợ quý báu của bạn bè, đối tác quốc tế, đặc biệt là các nhà đầu tư, ngay cả trong những lúc rất khó khăn như những năm đầu Đổi mới, trong các cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, đại dịch Covid-19”.

Tất cả những động thái này đã gửi thông điệp mạnh mẽ tới các nhà đầu tư nước ngoài về một Việt Nam cởi mở, thông thoáng và minh bạch, hấp dẫn, một Việt Nam luôn đặt thượng tôn pháp luật của nhà nước pháp quyền làm trọng, và một Việt Nam luôn sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư, kinh doanh trên phương châm “cùng thắng, cùng có lợi”./. Văn Anh

-------------------

          1,2: Nguồn số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư

 

90 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 348
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 348
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88675032