Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sớm đưa ra tư tưởng về tự do ngôn luận. Trong Lời phát biểu tại Đại hội toàn quốc lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp, năm 1921, Người đã tố cáo thực dân Pháp bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận đối với nhân dân An Nam: “Chúng tôi không có quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận, ngay cả quyền tự do hội họp và lập hội cũng không có. Chúng tôi không có quyền cư trú và du lịch ra nước ngoài; chúng tôi phải sống trong cảnh ngu dốt tối tăm vì chúng tôi không có quyền tự do học tập. Ở Đông Dương, bọn thực dân tìm mọi cách để đầu độc chúng tôi bằng thuốc phiện và làm cho chúng tôi đần độn bằng rượu. Người ta đã làm chết hàng nghìn người An Nam và tàn sát hàng nghìn người khác để bảo vệ những lợi ích không phải của chính họ”. Vì vậy, trong Yêu sách của nhân dân An Nam, Nguyễn Ái Quốc kêu gọi các Chính phủ trong khối Đồng minh nói chung và Chính phủ Pháp nói riêng thừa nhận các quyền cơ bản của nhân dân An Nam, trong đó có quyền tự do ngôn luận. Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, ngày 9-11-1946, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp gồm 7 chương, 70 điều, kế thừa những tinh hoa văn hóa dân tộc và tư tưởng hiến chính của nhân loại, phù hợp với thực tiễn đất nước; trong đó, quyền tự do ngôn luận được hiến định ở Điều thứ 10: “Công dân Việt Nam có quyền: Tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài”. Với Người, quyền tự do ngôn luận đó là phải luôn đi đôi với nghĩa vụ và trách nhiệm cá nhân, đây là quyền quan trọng bậc nhất của con người. Người giải thích: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Tự do là thế nào? Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Đó là một quyền lợi mà cũng là một nghĩa vụ của mọi người. Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm thấy chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý. Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân tức là không phải chân lý. Ra sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân - tức là phục tùng chân lý”. Trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay, quyền tự do ngôn luận luôn được Đảng và Nhà nước ta tôn trọng và đề cao.
Điều 25 Hiến pháp năm 2013 quy định rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.
Tuy nhiên, hiện nay với sự phát triển mạnh mẽ của in ternet và các trang mạng xã hội, các thế lực thù địch đã lợi dụng quyền tự do ngôn luận để ra sức chống phá Đảng và Nhà nước ta bằng những thủ đoạn hết sức tinh vi. Vì vậy, Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều Chỉ thị và nghị quyết như: Chỉ thị số 28-CT/TW, ngày 16-9-2013, của Ban Bí thư khóa XI, về “Tăng cường công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng”; Nghị định số 72/2013/NĐ-CP, ngày 15-7-2013, của Chính phủ, về “Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng”; Chỉ thị số 15/CT-TTg, ngày 17-6-2014, của Thủ tướng Chính phủ, về “Tăng cường công tác bảo đảm an ninh và an toàn thông tin mạng trong tình hình mới”. Các luật được ban hành thời gian gần đây, như Luật Tiếp cận thông tin (năm 2013); Luật Báo chí (năm 2016); Luật An ninh mạng (năm 2018). Văn kiện Đại hội XII của Đảng nêu rõ: “Chú trọng công tác quản lý các loại hình thông tin trên internet để định hướng tư tưởng và thẩm mỹ cho nhân dân, nhất là cho thanh niên, thiếu niên”. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, đó là vấn đề bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là vấn đề rất quan trọng và cấp bách, Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22-1-2018, của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tăng cường chỉ đạo công tác đấu tranh, phản bác các thông tin và luận điệu sai trái, âm mưu, hoạt động lợi dụng internet, mạng xã hội để chống phá Đảng, Nhà nước, những phần tử chống đối, phá hoại, các thế lực thù địch ra sức lợi dụng Facebook, Google để vu khống, bịa đặt trắng trợn, rằng “Việt Nam đàn áp tự do ngôn luận”, “Bắt người nói xấu Đảng và tự do ngôn luận”, “Dân oan bị khước từ quyền tự do ngôn luận”, “Chuyện gì đang xảy ra với tự do ngôn luận ở Việt Nam”, “Việt Nam vẫn là quốc gia toàn trị, không có tự do ngôn luận.
Vì vậy, để đấu tranh phòng, chống lợi dụng quyền tự do ngôn luận trên không gian mạng góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay cần phải triển khai có hiệu quả một số các giải pháp cơ bản sau:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp uỷ, của từng cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ có trách nhiệm tăng cường công tác tuyên truyền nội dung của Nghị quyết số 35-NQ/TW. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường thông tin tích cực; đẩy mạnh công tác nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta trong tình hình mới; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị; tăng cường quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên, xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm. Đồng thời, các cấp, các ngành chức năng cần kịp thời cung cấp thông tin chính xác, khách quan để đấu tranh phản bác, định hướng dư luận trước những thông tin trái với chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giúp cấp ủy cơ sở có sự định hướng kịp thời.
Thứ hai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên không gian mạng, góp phần nhận diện, chủ động đấu tranh sớm, kịp thời, hiệu quả trước mọi thủ đoạn tấn công, phá hoại của các thế lực thù địch. Các cơ quan báo chí, các phương tiện thông tin cần tăng cường thời lượng cho các chuyên mục đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Đồng thời, cần thiết phải hình thành, duy trì hoạt động hiệu quả các trang thông tin trên mạng xã hội.
Thứ ba, thường xuyên theo dõi, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách giúp quản lý hiệu quả, vừa phù hợp với các quy tắc điều chỉnh hành vi văn hóa trong sinh hoạt xã hội và cộng đồng, vừa theo kịp sự phát triển của mạng xã hội. Đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực từ Trung ương đến địa phương, đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, xử lý các vụ, việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, được nhân dân quan tâm.
Thứ tư, các đơn vị chức năng của Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, các nhà mạng viễn thông trong nước và nước ngoài cần chủ động phối hợp để triển khai có hiệu quả các thoả thuận hợp tác về phòng, chống tội phạm mạng xuyên biên giới. Điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi các quy định của pháp luật, cơ chế, chính sách về bảo đảm an toàn, an ninh mạng phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế trong việc chặn lọc thông tin xấu độc. Tập trung quản lý các loại hình thông tin trên mạng, nhất là các mạng xã hội, trang thông tin điện tử, blog; xây dựng những từ khóa để sàng lọc, ngăn chặn các trang thông tin điện tử, báo điện tử, blog có nội dung xấu độc trên mạng xã hội, các tin nhắn rác. Xuân Minh