Đấu thầu thuốc BHYT để giảm chi phí khám bệnh 

(Chinhphu.vn) - Tổ chức đấu thầu tập trung thuốc dùng trong lĩnh vực bảo hiểm y tế (BHYT) là chính sách mới quan trọng của Chính phủ trong tiết giảm chi phí khám chữa bệnh, nâng cao tính bền vững của quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH).
TS. Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam. Ảnh: VGP/Thành Chung
Phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ đã có cuộc trao đổi với TS. Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, cơ quan được giao xây dựng kế hoạch và triển khai chính sách này trong thời gian tới.

Thưa ông, thực hiện Nghị quyết số 59/NQ-CP ngày 7/7/2016 của Chính phủ thí điểm giao BHXH Việt Nam tổ chức thực hiện thí điểm đấu thầu tập trung thuốc dùng trong lĩnh vực BHYT, không thuộc danh mục 5 hoạt chất đấu thầu tập trung quốc gia do Bộ Y tế tổ chức đấu thầu. Đến nay BHXH đã triển khai công tác này như thế nào?

Ông Phạm Lương Sơn:  Việc đấu thầu tập trung thuốc dùng trong lĩnh vực  BHYT là chính sách đúng đắn của Chính phủ nhằm tiết giảm chi phí của người bệnh, sử dụng hiệu quả quỹ BHYT và cũng góp phần bảo đảm kiểm soát chặt chẽ giá khám chữa bệnh nói riêng và chỉ số giá tiêu dung nói chung.

Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 59/NQ-CP của Chính phủ, ngày 19/7/2016, BHXH Việt Nam đã tổ chức họp đề xuất với Bộ Tài chính, Bộ Y tế thống nhất nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn Danh mục thuốc đấu thầu tập trung do BHXH Việt Nam thực hiện (không trùng với danh mục thuốc do Bộ Y tế thực hiện), đồng thời cũng đề nghị Bộ Y tế ban hành Danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia do BHXH Việt Nam tổ chức thực hiện.

Qua các lần họp và trao đổi trong quá trình phối hợp thực hiện, BHXH Việt Nam đã cân nhắc đề nghị của Bộ Y tế về số lượng mặt hàng trong Danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia tương ứng với số lượng Danh mục do Bộ Y tế thực hiện chỉ có 5 loại hoạt chất (theo Thông tư số 09/2016/TT-BYT về danh mục thuốc đấu thầu, danh mục thuốc đấu thầu tập trung, danh mục thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá) để đảm bảo khả thi, phù hợp với tính chất thí điểm và khả năng của đơn vị mua sắm tập trung của BHXH Việt Nam, không để ảnh hưởng tới cung ứng thuốc cho người bệnh.

Đồng thời, để đảm bảo sớm triển khai thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, BHXH Việt Nam đã thống nhất với Bộ Y tế về danh mục thuốc đấu thầu tập trung do BHXH Việt Nam thực hiện 6 loại thuốc, tương ứng với khoảng 147 loại thuốc thương mại thuộc các nhóm.

Đến ngày 10/7/2017, Bộ Y tế đã gửi công văn thống nhất với BHXH Việt Nam về Danh mục thuốc đấu thầu tập trung do BHXH thực hiện gồm 6 loại thuốc.

Tới khi nào thì chính sách này sẽ chính thức được thực hiện thí điểm, thưa ông?

Ông Phạm Lương Sơn: BHXH Việt Nam đã ban hành quyết định giao Trung tâm giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến khu vực phía bắc thực hiện nhiệm vụ là đơn vị mua sắm tập trung quốc gia thuốc thuộc lĩnh vực bảo hiểm y tế; chủ động hướng dẫn BHXH các địa phương phối hợp với Sở Y tế để tập hợp nhu cầu sử dụng thuốc làm căn cứ xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu (KHLCNT) theo quy định.

Đến ngày 10/8/2017 đã có 57 địa phương gửi kế hoạch sử dụng về Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến khu vực phía bắc để tổng hợp. Một số địa phương, do Sở Y tế còn chờ ý kiến chính thức của Bộ Y tế mới thực hiện, một số địa phương xây dựng kế hoạch sử dụng chưa phù hợp phải điều chỉnh, vì vậy dự kiến việc xây dựng KHLCNT sẽ hoàn thành và trình thẩm định trước 30/8/2017; KHLCNT được thẩm định và trình Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam phê duyệt theo quy định trước 30/9/2017.

BHXH Việt Nam sẽ tổ chức thực hiện và hoàn thành quy trình đấu thầu, thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu và ký thỏa thuận khung trước ngày 30/11/2017. Các cơ sở KCB hoàn thành việc bảo lãnh dự thầu, thương thảo hợp đồng và ký hợp đồng trước 31/12/2017. Thực hiện mua sắm theo KHLCNT từ 1/1/2018.

Việc thực hiện đấu thầu thuốc tập trung sẽ đo đếm được lợi ích cho quỹ BHYT như thế nào, ông có thể nói rõ hơn?

Ông Phạm Lương Sơn:  Chi phí thuốc BHYT các năm trước khi thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo Thông tư 37 thông thường chiếm từ 55-60% tổng chi phí KCB BHYT, những năm gần đây tỷ lệ chi cho thuốc có giảm trong cơ cấu chi phí. Năm 2016, tổng chi thuốc KCB BHYT là trên 32 nghìn tỷ đồng (chiếm khoảng 43% tổng chi KCB BHYT), trong đó: Thuốc tân dược: 28.862 tỷ đồng, chiếm 81% tổng chi phí thuốc; thuốc chế phẩm y học cổ truyền 2.230 tỷ, bằng 7% tổng chi thuốc; vị thuốc y học cổ truyền là 810 tỷ đồng, bằng 2,6% tổng chi thuốc.

Về chi phí vật tư y tế thì đang không ngừng gia tăng qua các năm. Năm 2013 chi 1.738, 8 tỷ đồng/Tổng chi KCB là 45.000 tỷ đồng (bằng 3,9 %) và tới năm 2016 là hơn 4.870 tỷ đồng, chiếm 6,4% tổng chi KCB. 6 tháng đầu năm 2017 có mức chi là 2.641 tỷ đồng, bằng 6,77 % tổng chi KCB.

Với việc Bộ Y tế ban hành danh mục thuốc đấu thầu tập trung do BHXH Việt Nam thực hiện (6 thuốc, tương ứng với khoảng 147 thuốc thương mại thuộc các nhóm, có giá trị sử dụng năm 2016 là gần 1.000 tỷ đồng), chắc chắn sẽ góp phần tiết giảm chi phí KCB cho người dân.

Trong đấu thầu thuốc tập trung có tính đến mua sắm sử dụng thuốc biệt dược gốc (BDG) đã hết thời hạn bảo hộ và có thuốc Generic tương tự nhóm 1?

Ông Phạm Lương Sơn: Kinh nghiệm từ một số quốc gia trên thế giới và trong khu vực cho thấy việc quy định các chế tài nhằm kiểm soát việc sử dụng và điều chỉnh giá các loại BDG, đặc biệt là các thuốc BDG đã hết hạn bảo hộ là một giải pháp quan trọng để giảm chi phí điều trị và tăng cường hiệu quả sử dụng của quỹ BHYT.

Ở nước ta hiện có 1.200 mặt hàng thuốc BDG, bằng 5% tổng số mặt hàng thuốc trên thị trường, chi phí thanh toán là 8.162 tỷ đồng, bằng gần 25% tổng chi thuốc. Trong khi đó chi cho các loại thuốc Generic là 20.700 tỷ đồng, bằng 56% tổng chi thuốc. Nguyên nhân cơ bản là các loại thuốc BDG được đấu thầu ở một nhóm riêng, tạo sự độc quyền. Đồng thời, không có cơ chế để kiểm soát giá đối với các loại thuốc này. Giá thuốc BDG (kể cả BDG hết hạn bảo hộ) được bán với 1 giá thống nhất và không thay đổi sau nhiều năm, thậm chí hàng chục năm và chỉ phụ thuộc vào sự kê khai giá của các hãng cung cấp thuốc, trong khi Việt Nam chưa có quy định yêu cầu giảm giá BDG theo thời gian như một số quốc gia khác trên thế giới đã thực hiện.

Theo công bố của Bộ Y tế, đã có 101 thuốc BDG hết hạn bản quyền đã có thuốc Generic nhóm 1 có tác dụng điều trị tương tự có thể thay thế. Tổng chi phí của 101 thuốc BDG hết hạn bản quyền này là 2.024 tỷ đồng, nếu giảm giá về giá trúng thầu trung bình của thuốc Generic nhóm 1 tương ứng, sẽ tiết kiệm được trên 500 tỷ đồng (khoảng 25%).

Ngoài ra, BHXH Việt Nam thống kê tiếp, có 39 loại thuốc BDG hết hạn bản quyền đã có 1 số đăng ký thuốc Generic nhóm 1 có thể  thay thế;  37 loại thuốc BDG hết hạn bản quyền đã có 2 số đăng ký thuốc generic nhóm 1 có thể thay thế. Tổng chi phí của 76 loại thuốc BDG đã có 1 đến 2 số đăng ký thuốc Generic nhóm 1 có thể thay thế nêu trên là 811 tỷ đồng, nếu giảm giá về giá trúng thầu trung bình của nhóm 1 tương ứng, sẽ tiết kiệm được 199 tỷ đồng.

Quan điểm của BHXH là nên tính tới việc mua sắm BDG trong đấu thầu tập trung thuốc thuộc danh mục chi trả BHYT và đề nghị Bộ Y tế sớm ban hành thông tư hướng dẫn mua sắm, sử dụng thuốc biệt dược gốc đã hết bản quyền theo chỉ đạo của Chính phủ.

BHXH Việt Nam nhận thấy còn khó khăn gì khi triển khai thí điểm đấu thầu tập trung thuốc trong danh mục chi trả của BHYT và có những kiến nghị gì?

Ông Phạm Lương Sơn: Chúng tôi thấy rằng pháp luật chưa có chế tài để xử lý đối với các cơ sở KCB không mua đúng số lượng đã xây dựng (yêu cầu tối thiểu là 80% theo quy định tại Thông tư số 11/TT-BYT) hoặc việc xử lý đối với các cơ sở KCB thanh toán không đúng thời hạn tiền thuốc trả cho các nhà thầu theo hợp đồng.

Bên cạnh đó, quan điểm về lựa chọn danh mục thuốc đấu thầu của các đơn vị còn khác nhau. Năng lực kinh nghiệm của các nhà thầu còn hạn chế, khó đáp ứng được yêu cầu của chủ đầu tư như gói thầu có quy mô quá lớn (ước tính mỗi loại thuốc khoảng 300-500 tỷ đồng), phạm vi cung cấp thuốc rất rộng, đến toàn bộ cơ sở KCB trên cả nước (khoảng 2.500 cơ sở); có thể phải cung cấp nhiều đợt trong tháng để đáp ứng nhu cầu điều trị, không để xảy ra thiếu thuốc...

Chúng tôi kiến nghị Chính phủ giao BHXH Việt Nam lựa chọn danh mục đấu thầu tập trung gồm cả các thuốc ít số đăng ký lưu hành để đảm bảo thuốc được kiểm soát giá, để có cơ sở kịp thời triển khai theo đúng kế hoạch, lộ trình. Cho phép BHXH các địa phương tạm ứng kinh phí mua thuốc của các cơ sở KCB để trả các công ty trúng thầu trong trường hợp cơ sở KCB vi phạm hợp đồng. Cho phép triển khai thí điểm và  hướng dẫn thực hiện cơ chế đặt hàng đóng gói bao bì quy cách lớn đối với các loại thuốc viên (nén, nang, nhộng,...) thay vì đóng vỉ để tiết kiệm chi phí.

BHXH Việt Nam cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ: Y tế, Tài chính, KH&ĐT thanh tra, kiểm tra chấn chỉnh việc đấu thầu thuốc, vật tư y tế tại các địa phương có giá trúng thầu cao bất hợp lý. Đối với các loại vật tư y tế có giá trúng thầu cao bất hợp lý, thương thảo với các Nhà thầu để giảm giá về mức hợp lý gần với giá trúng thầu của địa phương có giá thấp nhất. Đề nghị BHXHVN được tham gia vào quá trình tổ chức đấu thầu vật tư y tế để tiết giảm chi phí khám chữa bệnh, nâng cao hiệu quả sử dụng và khả năng cân đối của quỹ BHYT.

Cảm ơn ông!

Thành Chung (thực hiện)

950 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1183
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1183
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87153988