Đấu thầu qua mạng góp phần ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng 

(ĐCSVN) – Sau 3 năm triển khai chính thức, đấu thầu qua mạng đã từng bước khẳng định hướng đi đúng đắn và vai trò quan trọng trong việc đảm bảo các tiêu chí cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế, là công cụ hữu hiệu trong công tác phòng, chống tham nhũng, đẩy lùi vi phạm, tiêu cực trong đấu thầu.

 

Khung pháp lý về đấu thầu qua mạng về cơ bản đã hoàn thiện, đáp ứng được yêu cầu của chủ đầu tư, bên mời thầu, nhà thầu, cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu.

Thông tin về đấu thầu công khai, minh bạch hơn: các thông tin này liên tục được cập nhật và quản lý có tính hệ thống, kết nối với nhau đảm bảo bên mời thầu phải tuân thủ việc đăng tải đầy đủ thông tin về đấu thầu theo quy định; đồng thời cũng giúp cơ quan quản lý kịp thời phát hiện các chủ đầu tư, bên mời thầu cố tình không công khai thông tin và giúp nhà thầu có cơ hội nắm bắt được nhiều thông tin liên quan đến gói thầu hơn.

Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công khai đường dây nóng hỗ trợ. (Ảnh: MPI)

Theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đấu thầu qua mạng bắt đầu được triển khai tại Việt Nam từ năm 2009 trên cơ sở chuyển giao công nghệ hệ thống đấu thầu qua mạng của Hàn Quốc (KONEPS) và được áp dụng thí điểm từ năm 2009 đến 2015 trước khi áp dụng chính thức từ 2016 đến nay.

Theo thống kê trên hệ thống, từ ngày 01/01/2019 đến ngày 24/6/2019, có 4.500 bên mời thầu và 8.200 nhà thầu được phê duyệt đăng ký tham gia vào hệ thống (nâng lên tổng số 30.600 bên mời thầu và 87.400 nhà thầu) đăng ký tham gia hệ thống; 65.100 kế hoạch lựa chọn nhà thầu và 49.700 thông báo mời thầu được đăng tải trên hệ thống, với tổng giá trị gói thầu là 326.395 tỷ đồng đăng tải thông tin về đấu thầu; 13.400 gói thầu đấu thầu qua mạng (chiếm tỷ lệ 28%) với tổng giá trị gói thầu là 37.000 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 10%). Tỷ lệ về số lượng và giá trị gói thầu đấu thầu qua mạng trong 06 tháng đầu năm 2019 cao hơn cả năm 2018 (18% và 4% tương ứng) nhưng còn thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu quy định tại NQ số 01 (50% và 15% tương ứng).

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng thường xuyên tiến hành nâng cấp hệ thống để phù hợp với các chính sách mới về đấu thầu, đơn giản hóa thủ tục hành chính (từ năm 2017, các thủ tục hành chính trên hệ thống đã đạt tiêu chuẩn dịch vụ công trực tuyến mức độ 4), công khai tối đa và quản lý thống nhất thông tin về đấu thầu (hiện nay hệ thống là kênh tiếp nhận duy nhất và chính thống các thông tin về đấu thầu), và tạo thuận lợi hơn cho người sử dụng, mở rộng phạm vi áp dụng đấu thầu qua mạng. Ngoài ra, hệ thống được đảm bảo hoạt động thông suốt, liên tục, ổn định và tin cậy do sử dụng nền tảng công nghệ điện toán đám mây (cloud computing) tại Trung tâm dữ liệu hàng đầu tại Việt Nam (đạt chuẩn Tier 3 Data Center), có đội ngũ giám sát vận hành 24/7.

Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đàm phán hợp đồng với nhà đầu tư là Công ty TNHH Hệ thống thông tin FPT (thuộc Tập đoàn FPT) để thực hiện dự án này theo hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT). Dự án có tổng vốn đầu tư 305,6 tỷ đồng, trong đó phần vốn góp của Nhà nước là 0 đồng. Hệ thống mới dự kiến sẽ được hoàn thành xây dựng trong năm 2020 và đưa vào sử dụng, khai thác từ năm 2021.

Trong giai đoạn 2016-2018, để nâng cao nhận thức của các bên liên quan về áp dụng đấu thầu qua mạng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn chú trọng đẩy mạnh truyền thông và tổ chức các hội nghị, hội thảo phổ biến, cập nhật tình hình, chia sẻ kinh nghiệm (15 hội thảo) và đào tạo, hướng dẫn các đơn vị khi triển khai đấu thầu qua mạng (trên 300 khóa đào tạo, tập huấn cho gần 20.000 lượt chủ đầu tư, bên mời thầu và nhà thầu trên cả nước).

Đấu thầu qua mạng giúp nâng hiệu quả kinh tế. (Ảnh: MPI)

Cũng trong giai đoạn 2016-2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp chặt chẽ với các đối tác phát triển như WB, ADB, Cơ quan Thương mại và Phát triển Hoa Kỳ (USTDA), Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Tổng Cục Mua sắm công Hàn Quốc (PPS)… để hoàn thiện khung pháp lý, phát triển các công cụ quản lý và các cơ sở dữ liệu quan trọng phục vụ công tác đấu thầu qua mạng, chiến lược truyền thông về đấu thầu qua mạng trên cơ sở các bài học thực tiễn của thế giới.

Thống kê cho thấy, giai đoạn 2016-2018, tổng số gói thầu đấu thầu qua mạng đạt 30.527 gói với tổng giá gói thầu là 61.872 tỷ đồng và tổng giá trúng thầu là 57.266 tỷ đồng, đạt tỉ lệ tiết kiệm 7,44 %.

Có thể thấy, việc triển khai đấu thầu qua mạng đã khiến cho hiệu quả kinh tế công tác đấu thầu được nâng lên: tỷ lệ tiết kiệm của đấu thầu qua mạng trong ba năm qua luôn cao hơn tỷ lệ tiết kiệm trong đấu thầu truyền thống của cả nước (năm 2016 là 9% so với 7,11% của đấu thầu truyền thống, năm 2017 là 8,2% so với 6,98% của đấu thầu truyền thống, năm 2018 là 7,15% so với 5,26% của đấu thầu truyền thống); thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu giảm bình quân khoảng 3-5 ngày, nhân sự tham gia tổ chức lựa chọn nhà thầu, thủ tục và chi phí hành chính, chi phí đi lại giảm đáng kể; hệ thống được vận hành an toàn ổn định, liên tục được nâng cấp, bổ sung các tính năng mới, dần tiệm cận các hệ thống đấu thầu qua mạng tiên tiến trên thế giới; cơ sở dữ liệu đấu thầu được đánh giá đáp ứng chuẩn dữ liệu mở (OCDS – Open Contracting Data Standard), sẵn sàng chia sẻ và trao đổi dữ liệu với các hệ thống chính phủ điện tử khác./.

Hà Anh

307 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1261
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1261
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87178857