Năm 2020, Việt Nam xuất siêu gần 20 tỷ USD, nhưng trong những ngày đầu năm 2021 đã "đảo chiều nhập siêu 250 triệu USD (Ảnh: M.P).

Câu lạc bộ “tỷ đô” kết nạp thêm nhiều nhóm hàng

Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước trong nửa đầu tháng 1 (từ ngày 1-15/1) đạt 12,9 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu đạt 13,15 tỷ USD. Như vậy, nửa đầu năm nay, nước ta nhập siêu khoảng 250 triệu USD.  Điều này cũng hợp quy luật khi tháng 1 thường rơi vào dịp Tết Nguyên đán hoặc cận Tết Nguyên đán. Vì vậy các doanh nghiệp tăng tốc nhập khẩu nguyên phụ liệu để sản xuất kinh doanh mùa cuối năm, trả các đơn hàng đã ký. Đáng chú ý, ở hàng xuất khẩu có thêm nhiều mặt hàng gia nhập câu lạc bộ tỷ đô nếu lấy mốc so sánh cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể ngoài 3 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu tỷ USD là điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; dệt may, thì nay có điểm danh thêm nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng với kim ngạch 1,45 tỷ USD, tăng mạnh tới 72% so với cùng kỳ 2020 (cùng kỳ đạt 843 triệu USD).

Tính ra ở chiều xuất khẩu, so với cùng kỳ 2020, kim ngạch tăng thêm khoảng 2 tỷ USD, tương đương hơn 18,3%. Đây được đánh giá là sự khởi đầu rất ấn tượng so với mức tăng trưởng chỉ đạt 7% của năm ngoái. Nói thêm về điện thoại và linh kiện là nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất đạt 2,86 tỷ USD, tăng tới gần 1,5 tỷ USD (cùng kỳ 2020 đạt 1,375 tỷ USD). Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đứng thứ 2 với 1,7 tỷ USD, tăng hơn 10%...

Ở chiều nhập khẩu, kim ngạch tăng thêm so với cùng kỳ năm ngoái cũng rất ấn tượng với con số gần 2,2 tỷ USD (tương đương tăng hơn 19%). Chỉ 15 ngày đầu năm, cả nước có 3 nhóm hàng nhập khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên, tăng 1 nhóm so với cùng kỳ 2020. Nhóm hàng mới là điện thoại và linh kiện với 1,3 tỷ USD, tăng mạnh gần 700 triệu USD, tương đương 112%. Đáng chú ý, 2 nhóm hàng có kim ngạch tỷ USD như năm ngoái là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng. Trong đó, là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện dẫn đầu với kim ngạch 2,73 tỷ USD, tăng 25%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt hơn 2 tỷ USD, tăng 9,5%.

Những tín hiệu tích cực của nền kinh tế

Trong bối cảnh dịch COVID-19 trên thế giới tiếp tục diễn biến khó lường, nhưng theo các chuyên gia, tình hình sẽ sớm được cải thiện khi vacxin ngừa COVID-19 đang được các nước tích cực triển khai trong cộng động. Điều này sẽ giúp  kéo nền kinh tế thế giới “ấm” dần lên. Điều này sẽ giúp hoạt động đầu tư, thương mại của doanh nghiệp trong nước trở nên sôi động hơn. 

Để nắm bắt thêm nhiều cơ hội, các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong năm 2021, Chính phủ cần thực hiện một số giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế như giảm chi phí sản xuất kinh doanh. Cụ thể, nên thực hiện sớm chính sách miễn, giảm các loại phí, gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất. Cắt giảm mạnh điều kiện kinh doanh và chi phí tuân thủ, tập trung đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong một số ngành xuất khẩu nhằm dịch chuyển lên mức giá trị cao hơn trong chuỗi… Thúc đẩy đầu tư, mở rộng thị trường, trong đó tập trung đẩy nhanh giải ngân ngay từ đầu năm các công trình giao thông có quy mô lớn; đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu vào thị trường EU; đẩy nhanh quá trình cải cách thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh…

Mới đây, tại Hội thảo "Kinh tế Việt Nam năm 2020 và triển vọng 2021: Cải cách, hội nhập và phát triển bền vững", ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Ban nghiên cứu tổng hợp, Viện nghiên cứu Kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã đưa ra 2 kịch bản kinh tế trong nước cho năm 2021. Theo đó, ở kịch bản 1, tăng trưởng kinh tế năm 2021 có thể đạt mức 5,98%. Lạm phát bình quân năm 2021 là 3,51%. Xuất khẩu cả năm dự báo tăng 4,23%. Kịch bản 2 dự báo tăng trưởng kinh tế đạt 6,46%, lạm phát bình quân 3,78%. Xuất khẩu cả năm dự báo tăng 5,06%. Còn về thặng dư thương mại dự báo tương ứng ở các mức 5,49 tỷ USD ở kịch bản 1 và 7,24 tỷ USD cho kịch bản 2.

Theo nhìn nhận của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, COVID-19 trong năm 2020 đang mang đến những thách thức và cả cơ hội mới cho giai đoạn 5 năm tiếp theo 2021-2025. Nhiều xu hướng mới xuất hiện, định hình lại các dòng tài chính quốc tế, thương mại và đầu tư, đặc biệt là chuyển dịch chuỗi cung ứng, tạo ra nhiều thách thức và cả cơ hội phục hồi kinh tế trong dài hạn.

Việc tận dụng được những cơ hội mới để phục hồi kinh tế năm 2021 và bứt phá trong giai đoạn 2021-2025 có ý nghĩa quan trọng nhằm đạt được các mục tiêu đã đặt ra trong Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2021-2025./.

 
M.P