Cần tăng số tiền "đặt cọc" lên 20% so với giá khởi điểm để hạn chế "bỏ cọc" sau khi trúng đấu giá - Ảnh: VGP/Lê Sơn
5 năm thi hành: Nhiều kết quả, không ít bất cập
Ngày 3/10, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu chủ trì Hội nghị Tổng kết 5 năm thi hành Luật Đấu giá tài sản (ĐGTS).
Báo cáo tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Nguyễn Thị Mai cho biết, trong 05 năm thi hành Luật ĐGTS, thể chế về ĐGTS đã được hoàn thiện, tạo ra tính thống nhất, chặt chẽ trong hoạt động đấu giá, giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật, phân định rõ trách nhiệm của người có tài sản đấu giá trong các giai đoạn đấu giá.
Đồng thời, xây dựng cơ sở pháp lý tương đối đầy đủ cho hoạt động ĐGTS phát triển theo hướng chuyên nghiệp hoá do các tổ chức ĐGTS chuyên nghiệp thực hiện, số lượng các loại tài sản được bán thông qua đấu giá theo quy định của Luật ĐGTS đã tăng lên đáng kể.
Số cuộc ĐGTS ngày càng tăng, nhiều cuộc đấu giá được tổ chức thành công với giá trị tài sản bán được cao hơn nhiều lần so với giá khởi điểm, nộp ngân sách Nhà nước đạt giá trị lớn, qua đó, đóng góp tích cực cho việc đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Các hình thức đấu giá được áp dụng phong phú, đa dạng hoặc có tổ chức đấu giá đã kết hợp linh hoạt nhiều hình thức trong cùng một cuộc đấu giá.
Đặc biệt, tổ chức ĐGTS tại một số địa phương đã đưa vào vận hành hệ thống đấu giá trực tuyến, góp phần tạo nên hệ thống đấu giá công khai, minh bạch, hiệu quả, tránh thất thoát tài sản công, tăng thu cho ngân sách nhà nước.
Theo thống kê của Bộ Tư pháp, từ tháng 7/2017 đến 31/12/2021, các tổ chức ĐGTS đã tổ chức hơn 169.000 cuộc đấu giá, số tiền thù lao dịch vụ ĐGTS thu được đạt hơn 2.069 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước hơn 1.500 tỷ đồng. Đến tháng 8/2022, cả nước có 1.200 đấu giá viên, gần 600 doanh nghiệp đấu giá tài sản, 58/63 trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đấu giá tập trung phần lớn tại các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng…
Bên cạnh những kết quả đạt được, qua quá trình triển khai thi hành, một số quy định của Luật ĐGTS đã bộc lộ hạn chế do chưa chặt chẽ, rõ ràng, gây lúng túng trong quá trình thực hiện.
Đó là, mỗi loại tài sản chịu sự điều chỉnh của một hệ thống pháp luật chuyên ngành (đất đai, khoáng sản, tần số…), trong khi một số quy định của pháp luật chuyên ngành còn chưa rõ ràng, chặt chẽ về điều kiện tham gia đấu giá, chế tài xử lý người trúng đấu giá vi phạm nghĩa vụ thanh toán… Việc đấu giá một số tài sản đặc thù vẫn còn gặp khó khăn nhất định như đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư, đấu giá quyền khai thác khoáng sản, tần số…
Bên cạnh đó, xuất hiện tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các tổ chức ĐGTS; một bộ phận đấu giá viên còn chưa qua đào tạo nghề, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề còn hạn chế; tình trạng "sân sau" còn tồn tại… Thời gian tới, cần rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật về ĐGTS và liên quan đến ĐGTS; nâng cao chất lượng đào tại, bồi dưỡng đấu gía viên, phát triển tổ chức ĐGTS; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đấu giá, trong đó tăng cường kiểm tra, thanh tra để nắm bắt tình hình về tổ chức và hoạt động đấu giá…
Tăng số tiền "đặt cọc" lên 20% so với giá khởi điểm để hạn chế "bỏ cọc" sau khi trúng đấu giá
Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Quang Thái phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Lê Sơn
Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thi hành án dân sự (THADS) Nguyễn Quang Thái nêu ý kiến, đối với những vụ việc mà cơ quan THADS phải tổ chức cưỡng chế kê biên, thẩm định giá và bán ĐGTS để thi hành án, thời gian thi hành án thường phải kéo dài trong nhiều tháng mới có thể giải quyết dứt điểm.
Bên cạnh đó, hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác tổ chức thực hiện bán ĐGTS liên quan đến trách nhiệm của tổ chức ĐGTS và cơ quan THADS trong việc xác định thời hiệu, thời điểm sử dụng chứng thư thẩm định giá tài sản; tạm dừng việc bán đấu giá; bàn giao tài sản bán đấu giá thành…
Do đó, ông Nguyễn Quang Thái đề nghị trong thời gian tới khi sửa Luật ĐGTS, cần có quy định riêng về trình tự, thủ tục ĐGTS thi hành án trong Luật ĐGTS; sửa đổi Luật THADS theo hướng tài sản đưa ra bán đấu giá phải là tài sản "sạch" và trình tự, thủ tục bán ĐGTS thi hành phải được rút ngắn.
Ông Nguyễn Thành Băng, Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp (Sở Tư pháp TPHCM) kiến nghị, trong khi chưa sửa đổi bổ sung Luật Đấu giá tài thì cần tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực này để hoạt động đấu giá tài sản ngày càng đi vào nền nếp, minh bạch, công khai, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Về mức tiền đặt cọc, ông Băng cho rằng "tiền cọc" đặt trước cần tăng lên nhưng không quá 20% mức giá khởi điểm, trường hợp đặc biệt thì tiền "đặt cọc" có thể tăng lên 50% so với giá khởi điểm và phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt. "Có như vậy mới hạn chế được tình trạng đấu giá rồi "bỏ cọc" như ở Thủ Thiêm vừa qua", ông Băng nói.
Đối với các vi phạm của tổ chức đấu giá tài sản cần công khai và hủy kết quả đấu giá. Liên quan đến đấu giá tài sản trực tuyến là đòi hỏi của yêu cầu chuyển đổi số nhưng hiện tại pháp luật chưa quy định về công tác lưu trữ hồ sơ biên bản…
Một số ý kiến khác phản ánh, quy định bắt buộc đăng tin, phát sóng lên cơ quan báo chí về đấu giá cũng cần quy định rõ để hạn chế việc đăng tin, phát sóng vào thời điểm ít người quan tâm để hạn chế người tham gia đấu giá cũng đang diễn ra ở một số địa phương.
Còn đại diện Sở Tư pháp Quảng Bình thì chia sẻ một số kinh nghiệm trong quá trình tổ chức triển khai Luật ĐGTS tại địa phương. Cụ thể là, triển khai Luật ĐGTS một cách đồng bộ bằng nhiều hình thức khác nhau, như tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành, phát hành 02 số Bản Tin tư pháp chuyên đề về ĐGTS…; quan tâm tạo điều kiện về cơ sở vật chất, kinh phí, biên chế để tạo điều kiện cho Trung tâm Dịch vụ ĐGTS thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của tỉnh, đặc biệt là việc bán các loại tài sản mà doanh nghiệp ĐGTS từ chối do yếu tố lợi nhuận như tài sản THADS, tài sản tịch thu sung công quỹ nhà nước…
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu: Cần có quy định rõ ràng, chặt chẽ, hợp lý hơn về trình tự, thủ tục bán ĐGTS - Ảnh: VGP/Lê Sơn
Xây dựng các tổ chức bán ĐGTS mạnh, hoạt động bài bản, nền nếp
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đề nghị cần xác định rõ hơn phạm vi áp dụng của Luật ĐGTS, mối quan hệ giữa Luật ĐGTS với các luật khác; Luật ĐGTS cần quy định chung và bao quát về trình tự, thủ tục và tính tới đặc thù của một số tài sản bán đấu giá, các quyền và tài sản mang tính đặc thù khác.
Không những thế, quy định rõ ràng, chặt chẽ, hợp lý hơn về trình tự, thủ tục bán ĐGTS, có thể theo hướng phân tách thủ tục bán ĐGTS và tài sản thi hành án, bán tài sản công với bán tài sản theo yêu cầu; đa dạng hoá các hình thức bán ĐGTS, trong đó nhấn mạnh hình thức bán đấu giá trực tuyến. Hoàn thiện các quy định để góp phần nâng cao năng lực, trình độ, kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp cho các đấu giá viên để xử lý các vướng mắc trong hoạt động của tổ chức bán ĐGTS, nhất là các Trung tâm Dịch vụ ĐGTS – là các đơn vị sự nghiệp công lập hiện đang ở thế bất lợi khi cạnh tranh lành mạnh với các tổ chức bán ĐGTS; xây dựng các tổ chức bán ĐGTS mạnh, hoạt động bài bản, nền nếp.
Hoàn thiện cơ sở pháp lý, cơ chế, thể chế; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động ĐGTS, trong đó chú trọng và tăng cường đấu giá trực tuyến, thực hiện một số công việc qua môi trường mạng. Tăng cường quản lý nhà nước, đặc biệt là nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, phải có chế tài mạnh khi xử lý các vi phạm.
Thứ trưởng Phan Chí Hiếu yêu cầu Cục Bổ trợ Tư pháp tổng hợp, tiếp thu các ý kiến phát biểu tại Hội nghị để hoàn thiện báo cáo tổng kết; có văn bản hướng dẫn, phương án giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc của địa phương. Đối với các Sở Tư pháp, cần tăng cường công tác quản lý nhà nước, trong đó tập trung đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.
Tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các tổ chức có tài sản bán đấu giá tăng cường trách nhiệm, giám sát chặt chẽ quá trình bán đấu giá, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý vi phạm, hậu quả, không để thất thoát tài sản công; vận hành cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan chức năng trong việc kiểm soát chặt chẽ hoạt động đấu giá trên địa bàn, đấu tranh phòng chống hiệu quả hiện tượng "đầu gấu", "bảo kê", đe doạ, "quân xanh, quân đỏ" trên địa bàn… Đối với các tổ chức hành nghề đấu giá, cần chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, đảm bảo công khai minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tham gia đấu giá của các tổ chức cá nhân khi có yêu cầu…
Lê Sơn