Dấu ấn của Đại tướng Chu Huy Mân ở Mặt trận Đường 9 - Đông Hà - Savannakhet 

Đại tướng Chu Huy Mân tên khai sinh là Chu Văn Điều, sinh ngày 17/3/1913, tại xã Yên Lưu, tổng Yên Trường, phủ Hưng Nguyên (nay là phường Hưng Hòa, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An). Với 93 năm tuổi đời, 76 năm tuổi Đảng, hơn 60 năm liên tục rèn luyện, chiến đấu, công tác; trong bất kỳ điều kiện hoàn cảnh nào, đồng chí Chu Huy Mân vẫn luôn nêu tấm gương sáng của người chiến sĩ cộng sản kiên cường, mẫu mực, nhà chính trị, quân sự xuất sắc. Trên cương vị là Chính trị viên Mặt trận Đường 9 - Đông Hà - Savannakhet, đồng chí Chu Huy Mân đã đồng cam cộng khổ, kề vai sát cánh, cùng với cán bộ, chiến sỹ và quần chúng nhân dân Mặt trận vượt qua khó khăn, thử thách, góp phần vào cuộc chiến đâu bảo vệ và giữ vững chính quyền cách mạng non trẻ.

 

Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, đồng chí được Xứ ủy Trung Kỳ quyết định điều động từ Quảng Nam ra Huế nhận nhiệm vụ. Đồng chí được Xứ ủy giao nhiệm vụ Chủ tịch Ủy ban quân chính Khu C[1], một tổ chức tạm thời, có nhiệm vụ chỉ đạo, xây dựng lực lượng vũ trang địa phương từ Đường 9 - Đông Hà - Savannakhet (Lào), đấu tranh với tàn quân Pháp từ phía tây đánh sang và quân Tưởng từ bắc đánh vào. Đồng chí và Ủy ban quân chính khu C đã phối hợp kịp thời với tỉnh ủy, ủy ban hành chính các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam củng cố, bổ sung lực lượng vũ trang địa phương tỉnh, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ; trấn áp lực lượng phản cách mạng; chỉ đạo triển khai công tác bố phòng các vị trí trọng yếu, các trục giao thông huyết mạch, các kho tàng của nhà nước; đề cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống. Nhờ vậy, đã góp phần giúp các tỉnh từng bước vượt qua khó khăn, ổn định tình hình mọi mặt.

Ủy ban quân chính khu C hoạt động được một thời gian ngắn, đồng chí Chu Huy Mân được phân công làm Chính trị viên Mặt trận Đường 9 - Đông Hà - Savannakhet. Trên cương mới, đồng chí Chu Huy Mân đã liên hệ chặt chẽ với Tỉnh ủy Quảng Trị, trực tiếp là đồng chí Đặng Thí - Bí thư Tỉnh ủy về chủ trương, sách lược của tỉnh sau Hội nghị cán bộ toàn tỉnh tháng 9/1945; đặc biệt chính sách đối với một số gia đình chức sắc, quan lại của chính quyền phong kiến Nam triều để tạo cơ hội cho lực lượng này sửa chữa sai lầm trong quá khứ, cảm hóa họ trở thành người có ích cho cách mạng.

Người Chính trị viên mặt trận đêm ngày bám sát cơ sở để nắm bắt tình hình sản xuất và đời sống của nhân dân; cùng với các đồng chí trong Ban Chỉ huy mặt trận đi đến từng gia đình nhân dân ở khu vực hai bên đường 9 và vùng biên giới Việt - Lào để tuyên truyền, vận động bà con đề cao cảnh giác, kịp thời phát hiện và sẵn sàng phối hợp với bộ đội chiến đấu chống lại các cuộc tấn công của thực dân Pháp từ biên giới Việt - Lào vào Quảng Trị. Cũng trong thời gian này, đồng chí đã cùng với Ban Chỉ huy Mặt trận tích cực bổ sung, phát triển lực lượng của mặt trận quân số khoảng 3.000 người. So với tổ chức phiên chế thời điểm bấy giờ, đây là một lực lượng lớn.

Đồng chí Chu Huy Mân cùng Ban Chỉ huy Mặt trận Đường 9 - Đông Hà - Savannakhet thị sát thực tế chiến trường, nắm tình hình chính trị, tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ, nắm nguồn lực trong nhân dân và đề xuất các giải pháp phù hợp, đảm bảo hậu cần cho toàn lực lượng làm nhiệm vụ. Mặt khác, đồng chí đã cảm hóa, huy động được sự đóng góp của nhiều địa chủ, trung lưu có tinh thần yêu nước, đóng góp được nhiều tài sản, lượng thực, thực phẩm và cơ sở vật chất cho lực lượng vũ trang cách mạng. Nổi bật là đồng chí đã tham gia ý kiến với đồng chí Đặng Thí - Bí thư Tỉnh ủy xử lý đúng đắn trường hợp ông Nguyễn Như Hà (còn gọi là Bát Hà)1 và giao cho ông làm Chủ tịch Ủy ban Ủng hộ kháng chiến huyện Cam Lộ, vận động nhân dân đóng góp, ủng hộ lương thực, thực phẩm cho cách mạng, chủ yếu là phục vụ hậu cần cho bộ đội Mặt trận Đường 9 - Đông Hà - Savannakhet.

Trên “mặt trận quân sự”, từ tháng 11/1945, đồng chí Chu Huy Mân cùng với Ban Chỉ huy Mặt trận đường 9 đã phối hợp nhịp nhàng với Chi đội Thiện Thuật (bộ đội địa phương Quảng Trị), đồng bào các dân tộc Hướng Hóa, một đơn vị của Chi đội Lê Trực (bộ đội địa phương Quảng Bình) và lực lượng yêu nước tỉnh Savannakhet (Lào) do đồng chí Thao Ô U Hắc chỉ huy cùng hiệp đồng chiến đấu đánh địch. Đến đầu tháng 12/1945, các lực lượng của ta anh dũng đánh bật địch ra khỏi Khe Sanh, Lao Bảo. Tiếp đó, bộ đội ta phối hợp với lực lượng vũ trang tỉnh Savanakhet tấn công địch ở Sê Pôn diệt và bắt sống 53 tên, thu toàn bộ vũ khí, khí tài của giặc Pháp. Sau đó, liên quân Việt - Lào tiếp tục tiến công địch ở Mường Phìn, Phà Lan, Huội Cay, cầu Thà Khống, gây cho chúng nhiều thiệt hại.

Không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng mặt trận, trên tinh thần “giúp bạn là giúp mình”, đồng chí Chu Huy Mân cùng với Ban Chỉ huy Mặt trận Đường 9 - Đông Hà - Savannakhet chỉ huy lực lượng của mặt trận phối hợp với quân và nhân dân các bộ tộc Lào đẩy lùi nhiều cuộc tấn công của quân Pháp từ Savannakhet về biên giới tỉnh Quảng Trị; làm tốt công tác vận động Nhân dân các bộ tộc Lào và bà con Việt kiều ủng hộ cách mạng Lào và hướng về sự nghiệp cách mạng Việt Nam, góp phần củng cố thêm tình đoàn kết chiến đấu giữa hai nước Việt - Lào.

Cuối năm 1946, đồng chí Chu Huy Mân được điều động ra nhận nhiệm vụ ở Việt Bắc. Từ kinh nghiệm đúc kết được trong thời gian công tác ở mặt trận Đường 9 - Đông Hà - Savannakhet, đồng chí Chu Huy Mân đã tích cực xây dựng các tổ chức cơ sở đảng nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, góp phần lãnh đạo hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ của Khu đề ra.

Trên cương vị là Chính trị viên Mặt trận Đường 9 - Đông Hà - Savannakhet, đồng chí Chu Huy Mân đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét. Hình ảnh người Chính trị viên sẵn sàng đối mặt và vượt qua mọi khó khăn, thử thách, lăn lộn với phong trào, gần gũi, thương yêu bộ đội; liên hệ gắn bó mật thiết với các tầng lớp nhân dân; gần gũi, đoàn kết, giúp đỡ bạn Lào trong chiến đấu mãi mãi in sâu trong tiềm thức và tình cảm của Đảng bộ, chính quyền, quân và Nhân dân Quảng Trị cũng như Nhân dân các bộ tộc Lào hai bên biên giới. Ngọc Tuấn

 

[1] Ủy ban Quân chính khu C lúc này gồm các đồng chí: Chu Huy Mân, Trần Hường (Quảng Bình), Đoàn Khuê (Quảng Trị), Lê Tự Đồng (Thừa Thiên Huế).

1 Là quan bát phẩm của chính quyền Nam Triều, vừa là chủ đồn điền khai khác gỗ ở vùng Tân Lâm. Sau cách mạng tháng Tám 1945, ông Nguyễn Như Hà bị chính quyền cách mạng bắt giam.

413 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 757
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 757
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87028133