Đất nước nghiêng mình, tưởng nhớ các anh 

Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9 tọa lạc trên một khu đồi sát Quốc lộ 9 thuộc địa bàn phường 4, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị. Là một trong những nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia lớn nhất nước, khánh thành nhân kỷ niệm 50 năm ngày thương binh - liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-1997).

Với diện tích 15 ha, nơi đây quy tập hơn một vạn mộ liệt sĩ, trong đó hơn 65% mộ liệt sĩ chưa biết tên, 30% mộ liệt sĩ đầy đủ tên tuổi, quê quán và hơn 1.000 ngôi mộ liệt sĩ có tên nhưng không có địa chỉ, quê quán.

Đặc biệt, tại nghĩa trang còn có khu mộ tập thể gồm 400 liệt sĩ. Trong đó, ngôi mộ tập thể lớn nhất có 123 liệt sĩ, mộ ít nhất có 2 liệt sĩ. Hằng năm, vào tháng 7, để tri ân, tưởng nhớ đến các chiến sĩ đã anh dũng hi sinh vì nền độc lập tự do và sự nghiệp giải phóng dân tộc, dòng người từ khắp mọi miền tổ quốc đổ dồn về ngày một đông.

 

Các Cựu chiến binh Thanh Hóa thăm lại chiến trường xưa và tri ân các Anh hùng liệt sĩ.

Những người lính an giấc ngàn thu trên mảnh đất máu và hoa

Khu Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9 nằm trên một quả đồi, nhìn từ xa, như một tòa thành vững chãi và bề thế, ở độ cao sừng sững so với mặt đất. Bước vào không gian này là một màu xanh trong mát của cỏ non và rừng cây xào xạc. Hàng vạn ngôi mộ được quy tập trong khuôn viên như một bản đồ rõ nét với địa danh của từng vùng: Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Hải Phòng, Hà Nội, Hưng Yên, Lào Cai, Yên Bái, Vĩnh Phú, Bình Trị Thiên... Thi thoảng, ta bắt gặp tháp chuông được dựng trong khuôn viên càng làm chốn tâm linh tăng thêm phần linh thiêng và mỗi khi chiều xuống, không khí càng trở nên u tịch.

Từ ngoài cổng chính đi thẳng qua bậc thang là đến nơi hành lễ và đài tưởng niệm. Tượng đài lừng lững, kiêu hùng mà ấm áp tình người, phía dưới đài tưởng niệm là những vòi phun nước hoạt động ngày đêm. Những dòng nước tinh khiết phun lên cao rồi dội xuống nhẹ nhàng tan chảy như gột rửa sự buồn thương, mất mát. Đất mẹ hiền hòa dang tay bao bọc các anh, ru vào giấc ngủ ngàn thu, những người con anh hùng của Tổ quốc. Cả vùng đồi phủ trắng những ngôi mộ, nằm ngay ngắn san sát trong khuôn viên.

Ông Nguyễn Văn Quảng, Phó Ban quản lý Nghĩa trang Đường 9 cho biết: Hiện nay, hằng năm nghĩa trang vẫn quy tập về được 30-50 liệt sĩ, chủ yếu không có tên, sẽ xây tiếp tại những khu đất còn trống. Những ngày lễ lớn như 30-4 hay 27-7 là dịp các tổ chức đoàn thể, những người lính đã từng chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị và khắp mọi miền Tổ quốc đến đây thắp hương cho đồng chí, đồng đội đã hi sinh, nằm tại nơi này, đồng thời cũng là dịp để những người lính quay trở lại chiến trường, gặp nhau ôn lại kỉ niệm của một thời chiến tranh máu lửa ngày xưa.

 

Ông Phạm Văn Sung trong Đội Quy tập mộ liệt sĩ của TP Đông Hà, Quảng Trị.

Một gia đình gần 30 người già trẻ lớn bé đang thắp hương cho từng ngôi mộ liệt sĩ tỉnh Yên Bái. Xong xuôi, họ bày hoa quả bánh trái, vàng mã trước một ngôi mộ và cả gia đình quây quần khấn vái.

Bác Bùi Huy Toàn là con út trong một gia đình có 5 anh chị em kể: Liệt sĩ nằm đây là người anh cả Bùi Ngọc Chúc sinh năm 1945, nhập ngũ năm 1965. Lúc đấy chiến tranh rất ác liệt, nhất là sau sự kiện năm 1964, những chàng trai miền Bắc lên đường vào chiến trường miền Nam. Tròn 20 tuổi, anh lên đường vào Nam chiến đấu, thuộc Sư đoàn 308, tham gia chiến dịch Đường 9 Nam Lào.

Năm 1969 anh được đơn vị cho ra Bắc an dưỡng mấy tháng để tiếp tục đi B lần thứ hai. Kì nghỉ này anh được gia đình tổ chức cưới một cô gái cùng quê, sống với nhau được mấy ngày, anh tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ. Từ sau ngày anh đi, chiến tranh càng ngày càng dữ dội, khốc liệt ở miền Trung và gia đình không còn nhận được tin tức của anh.

Sau ngày giải phóng, thống nhất đất nước, năm 1976, gia đình nhận được giấy báo tử: Anh đã hi sinh ở mặt trận Quảng Trị năm 1972 nhưng không biết hài cốt đang nằm ở đâu.

Nhiều năm trôi đi, gia đình vẫn luôn đau đáu với hi vọng sẽ có một ngày tìm được mộ anh. Năm 1991, Nhà nước bắt đầu có những đợt quy tập hài cốt liệt sĩ tại chiến trường Quảng Trị,  Đường 9 Nam Lào. Năm 1992, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội báo tin anh đã được quy tập về Nghĩa trang liệt sĩ TP Đông Hà (sau này là Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9).

Chị Đỗ Yên Hà, con dâu thứ hai trong gia đình kể: Sau rất nhiều năm anh hi sinh, vợ anh mới đi lấy chồng, hiện sống ở Vĩnh Phúc. Năm ngoái cả gia đình chị vào đây thắp hương cho anh.

Ngày mẹ còn sống, nhận được tin con trai nằm tại nghĩa trang trong này, khi đấy mẹ đã ngoài 70 tuổi. Năm nào chuẩn bị đến tháng 7 thì trước đó hàng tháng, mẹ trằn trọc không ngủ được, mong ngóng đến ngày được vào thăm mộ con. Hồi đấy nhà còn ở trong Nghĩa Lộ, đường đi lại khó khăn, đèo heo hút gió, người mẹ già lưng còng, tóc bạc lỉnh kỉnh khăn gói cùng con cháu đi tàu hỏa vào đây.

Đã có ý kiến nên đón anh về quê để đỡ phải đi lại vất vả nhưng cả gia đình thống nhất: Máu của anh đã hòa xuống, tan vào mảnh đất linh thiêng này, biết bao năm nay, những người chiến sĩ trẻ đã sát cánh bên nhau cả khi sống và khi mất, có lẽ ở đây cùng với các đồng đội anh sẽ vui hơn.

 

Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9.

Năm 2010 mẹ qua đời nhưng cứ vào dịp tháng 7 là cả gia đình lại tổ chức vào nghĩa trang để viếng các anh hùng liệt sĩ và anh trai của mình đang nằm tại nơi đây. Có những năm, chuyến đi chỉ có mấy anh em trai nhưng năm nay tất cả gia đình 4 anh em trai, con cháu nội ngoại đều thu xếp đi hết.

Nghĩa trang có hơn 10.700 mộ mà đến hơn 65% là mộ liệt sĩ chưa biết tên. Hàng nghìn ngôi mộ trắng xóa bao bọc cả quả đồi. Đi qua hàng bia đá của liệt sĩ có tên là đến mộ liệt sĩ chưa xác định được tên. Hàng nối hàng, những ngôi mộ san sát, những nấm mồ vuông vức không tên tuổi, địa chỉ, quê quán, không năm sinh, năm mất.

Trên mỗi tấm đá trắng ấy, dưới ngôi sao vàng khắc dòng chữ sơn đỏ: “Liệt sĩ chưa biết tên” không khỏi khiến người ta chùng xuống, thương cảm, xót xa. Hai người phụ nữ tuổi đã ngoài 60 đang lặng lẽ thắp hương cho từng ngôi mộ. Hỏi chuyện mới biết đấy là hai chị em Lương Thị Gái và Lương Thị Thiện, quê ở Thanh Hóa, hằng năm vẫn đi tìm mộ của người anh trai hi sinh ở mặt trận phía Nam, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Cô Lương Thị Gái kể: Khi hòa bình lập lại, những người lính đều trở về và một số gia đình nhận được giấy báo tử nhưng gia đình cô không nhận được tin tức gì của người anh trai. Cả gia đình đôn đáo hỏi từ xã đến huyện, lên tỉnh, ra đến Trung ương, sau đó người ta gửi giấy báo anh đã hi sinh ở mặt trận phía Nam.

Từ đó đến nay mấy chục năm gia đình cất công đi tìm hài cốt của anh nhưng không thấy. Hằng năm, gia đình mấy anh chị em lấy 27-7 làm ngày giỗ cho anh vì anh ra chiến trường từ khi rất trẻ, lúc đấy mới tốt nghiệp lớp 10/10, chưa có vợ con. Anh sinh năm 1945, nhập ngũ năm 1965, mất năm 1971.

Cô bảo: “Cứ mỗi lần có dịp được vào nghĩa trang lớn như thế này, chúng tôi lại đi tìm. Đến đây, mình cũng tỏ lòng tri ân, thắp hương cho những người giống anh mình, những anh hùng liệt sĩ nằm lại ở chiến trường, đã đổ xương máu cho quê hương, Tổ quốc có được ngày hôm nay. Và trong tâm nguyện của mình là đi tìm mộ của anh, biết đâu nếu may mắn sẽ thấy được”.

Hai chị em lại lặng lẽ, cắm từng nén nhang trên bia mộ. Khói hương bay lên hòa tan vào hư vô, trên cao mây bồng bềnh trôi, từng vạt nắng lung linh cả quả đồi.

Hành trình tìm hài cốt những người lính trẻ trên đất bạn Lào

Một người đàn ông mặc bộ quần áo bộ đội bạc màu, đang chăm chú tỉ mẩn đưa từng nét cọ lên ngôi sao khắc trên mộ phần cho màu sắc được rõ nét hơn. Ông là Phạm Văn Sung, 58 tuổi, một người trong đội quy tập mộ liệt sĩ của thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị.

Ông kể: Hàng trăm liệt sĩ nằm tại đây do đội quy tập mộ nơi ông công tác thực hiện đã hơn chục năm nay. Đội bốc hài cốt chừng 40 người, đa phần là những quân nhân. Hằng năm, cứ vào cuối tháng 9 đến tháng 3 bên Lào là mùa khô, còn từ tháng 4 đến tháng 8 là mùa mưa. Mùa mưa đường trơn lầy lội, họ sẽ ở Việt Nam, đợi đến ngày đầu mùa khô, sẽ sang làm nhiệm vụ và trở về vào cuối mùa khô.

 

Cổng chính của khu Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9.

Dòng người gùi gạo trên lưng, đi bộ trong rừng từ bản này sang bản khác. Đến bản nào là họ thân thiện trò chuyện với già làng, trưởng bản, cùng người dân trong bản. Liên tục tổ chức những cuộc họp với đội quy tập mộ và dân địa phương, nhiều người trong đội thông thạo tiếng Lào như tiếng mẹ đẻ.

Mỗi lần đi vào rừng tìm kiếm hài cốt liệt sĩ là già làng, trưởng bản lại cắt cử một vài người bản địa thông thạo đường đi lối lại để làm hoa tiêu dẫn đường. Họ chỉ ở đâu, đội quy tập sẽ đào mở rộng ở đấy. Đào cuốn chiếu, đất còn mềm là còn đào, đào cho đến khi đất cứng thì dừng lại.

Ông Sung bảo: Rất dễ để nhận ra bộ đội mình vì các anh được cuốn trong tăng. Trong chiến tranh, mỗi chiến sĩ bộ đội được phát một cái tăng bằng nilon, dùng để che mưa. Tăng rất dai và không bao giờ mục. Nhiều khi mở tăng ra, các anh vẫn còn nguyên răng, tóc, xương sọ, xương tay, xương chân... Lẫn trong đấy là cả cúc áo và thắt lưng. Mỗi anh được xếp ngay ngắn trong tấm vải liệm màu trắng, rồi dùng một lá cờ đỏ sao vàng cuốn chặt bên ngoài. Anh nào có tên thì sẽ được ghi trên một tờ giấy nhỏ đặt trong vải liệm.

Có những hố đào xuống thấy chôn nhiều người, nhiều xương lẫn lộn với nhau nhưng chỉ cần nhìn chiếc cúc áo và dây thắt lưng là nhận ra bộ đội mình. Sẽ có lá cờ to hơn để cuốn các anh lại. Rồi mặt ông như chùng lại, trĩu nặng thương đau: “Có nhiều bác tội lắm cháu ơi, hình hài nằm trong tăng nguyên vẹn nhưng rừng tre và rừng khộp thân cao vút, to khỏe bám sâu vào lòng đất, rễ cây rừng xuyên qua, ăn hết hài cốt, đến khi mang lên thì không còn gì hết cả”.

Sau câu chuyện kể, ông lại cặm cụi làm công việc hằng ngày của mình, lấy bút chấm màu sơn tô lên đường nét khắc trên đá tên những anh hùng liệt sĩ. Tiếng nhạc của lễ mặc niệm vọng từ đài tưởng niệm lại vang lên như tiếng kèn đồng đầy hào sảng và bi tráng. Từng dòng người từ mọi miền Tổ quốc đến viếng, lá cờ đỏ sao vàng phần phật tung bay trước gió.

Trần Mỹ Hiền

488 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 621
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 622
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87019109