Đặt mục tiêu phấn đấu đến mức cao nhất có thể 

(Chinhphu.vn) - Chiều 8/6, Quốc hội tiến hành họp tổ, thảo luận về báo cáo KT-XH và ngân sách nhà nước; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018; chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; việc bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam.

Cần khẳng định vai trò nền tảng và trụ cột của ngành nông nghiệp

Đa số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nhất trí với kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019 và tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2020; cho rằng, năm 2019 việc hoàn thành toàn bộ 12/12 chỉ tiêu chủ yếu Quốc hội giao, trong đó tốc độ tăng trưởng GDP đạt trên 7,02% (số đã báo cáo là khoảng 6,8%) là sự nỗ lực, cố gắng từ chỉ đạo, điều hành, thực hiện của Chính phủ, cả hệ thống chính trị và nhân dân.

Bước vào năm 2020, với tác động tiêu cực từ dịch bệnh COVID-19, các ĐBQH đánh giá sự thành công trong phòng, chống dịch COVID-19 được các nước, tổ chức trên thế giới ghi nhận, đánh giá cao đã góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là sự cố gắng, đoàn kết và thống nhất của các cấp, các ngành và người dân.

Trước những khó khăn từ tình hình KT-XH, ĐBQH Đặng Thuần Phong (Bến Tre) cho rằng, việc Chính phủ chưa điều chỉnh các chỉ tiêu thể hiện đà tăng trưởng của nước ta vẫn còn khả năng để thực hiện.

Đại biểu Nguyễn Nhân Chiến (Bắc Ninh) đề nghị, Chính phủ cần cân nhắc và đánh giá kỹ tác động để có sự điều chỉnh hợp lý mục tiêu tăng trưởng kinh tế, trong đó, cần đặt phấn đấu đến mức cao nhất có thể.

ĐBQH Phùng Đức Tiến (Hà Nam), ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre)… cho rằng, trong tất cả giai đoạn lịch sử KT-XH khó khăn thì nền nông nghiệp luôn thể hiện vai trò nền tảng và trụ cột, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay. Đại biểu Phùng Đức Tiến nêu rõ, với 2 chỉ tiêu quan trọng của nền nông nghiệp thì trong năm nay đều có khả năng để hoàn thành mục tiêu, đó là lương thực và thực phẩm. Cụ thể, về lương thực thì mục tiêu là 43,5 triệu tấn lúa để bảo đảm dành 13,5 triệu tấn lúa cho tiêu dùng; 7,5 triệu tấn cho chế biến; 3,8 triệu tấn dự trữ, 1 triệu giống và cố gắng xuất 6,5-6,7 triệu tấn gạo (tương đương 13,5 triệu tấn lúa) thì hiện nay hết tháng 6 đã được 20,2 triệu tấn, đạt 46% kế hoạch. Về thực phẩm, ngành nông nghiệp cố gắng đạt 14,3 triệu tấn trong đó 8,5 triệu tấn thủy sản cả khai thác và nuôi trồng, thịt 5,8 triệu tấn, sữa 1,2 triệu tấn… Đặc biệt, trong các kịch bản Chính phủ trình Quốc hội, ngành nông nghiệp luôn đặt mục tiêu tăng trưởng là 2,5-2,7%.

Đồng tình với quan điểm này, nhiều ĐBQH đề nghị, trong thời gian tới cần có sự quan tâm và đầu tư để ngành nông nghiệp phát triển ở một tầm khác, đặc biệt là yếu tố về giá trị gia tăng.

Tránh sự trùng lặp dẫn đến đầu tư dàn trải, không hiệu quả

Thảo luận về chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, đa số ĐBQH cho rằng, việc Quốc hội ban hành Chương trình này là hoàn toàn cần thiết trong bối cảnh khu vực vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đang gặp nhiều khó khăn, thách thức trong phát triển kinh tế-xã hội, văn hóa, giáo dục.

Tuy nhiên, ĐBQH Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre), ĐBQH Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho rằng, nhìn vào các mục tiêu chung của Chương trình thì còn sự trùng lắp với 2 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Lưu ý vấn đề này trong Nghị quyết, ĐB Hoàng Quang Hàm đề nghị, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương chủ động phối hợp để tránh sự trùng lắp dẫn đến đầu tư dàn trải, không hiệu quả.

Cho rằng, Chương trình không thể thực hiện nếu không có tiền, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) bày tỏ băn khoăn về việc huy động nguồn lực đầu tư, bởi đây không phải hỗ trợ như giảm nghèo mà đầu tư cho phát triển với nhiều lĩnh vực, đặc biệt địa bàn là khu vực khó khăn nhất.

Theo ĐB Lưu Bình Nhưỡng, cần phải có chính sách đặc thù để thu hút doanh nghiệp đầu tư đến khu vực này chứ không thể áp dụng “cào bằng” như các khu vực khác. Thực tế cũng có nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư từ thiện nhưng hiện tại vướng nhiều chính sách nên không thể thực hiện. Nhìn xa hơn, ĐB Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, cần phát triển học vấn cho bà con dân tộc, nếu không đào tạo, trường không ra trường, lớp không ra lớp thì rất khó khăn. Đây mới là cái gốc nếu không nghèo vẫn hoàn nghèo và các hủ tục vẫn tồn tại mãi.

Không ảnh hưởng nhiều đến nộp thuế và ngân sách

Về việc bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), đa số ĐBQH nhất trí với việc tăng vốn điều lệ cho Agribank, bởi với công cuộc phục hồi và phát triển kinh tế đất nước sau đại dịch COVID-19, việc này sẽ góp phần cho Agribank tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong cấp tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là hỗ trợ thực hiện các chính sách theo chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

ĐBQH Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) cho rằng, việc Quốc hội xem xét, chấp thuận bổ sung vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn ngân sách nhà nước sẽ tạo cơ sở pháp lý cho Thủ tướng Chính phủ quyết định việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank, bởi Thủ tướng  không thể quyết định ngay việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn vốn ngân sách nhà nước vì không phù hợp với quy định không sử dụng ngân sách nhà nước để cấp vốn điều lệ cho tổ chức tín dụng thương mại tại Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội về Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020. ĐBQH Nguyễn Văn Thắng (Quảng Ninh) nhận định, việc cấp bổ sung vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2019 và mức bổ sung vốn điều lệ tương ứng với số lợi nhuận sau thuế thực nộp ngân sách nhà nước năm 2020 của Agribank, tối đa không quá 3.500 tỷ đồng không ảnh hưởng nhiều đến nộp thuế và ngân sách của ngân hàng thương mại và sẽ tạo ra động lực để tăng trưởng kinh tế.

Cơ cấu nguồn thu chưa bền vững

Về quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2018, Chính phủ dự toán thu NSNN 1.319.200.000 triệu đồng, quyết toán 1.431.662.057 triệu đồng, tăng 8,5% (112.462.057 triệu đồng) so với dự toán chủ yếu do tăng thu từ tiền sử dụng đất, thuế xuất nhập khẩu và thu từ dầu thô. Cụ thể là tăng thu tiền sử dụng đất là 61.914.517 triệu đồng và thu dầu thô tăng 84% (30.148.458 triệu đồng) so với dự toán.

Về dự toán chi NSNN 1.523.200.000 triệu đồng, quyết toán 1.435.435.263 triệu đồng, bằng 94,2% (giảm 87.764.737 triệu đồng) so với dự toán, chủ yếu do một số khoản chi triển khai chậm nên bị hủy dự toán, hoặc chuyển nguồn sang năm sau chi tiếp theo quy định của Luật NSNN. Quyết toán chi ngân sách Trung ương là 572.609.766 triệu đồng, thấp hơn 4,8% so với dự toán. Quyết toán chi ngân sách địa phương là 862.825.497 triệu đồng, thấp hơn 6,4% với dự toán.

Theo Ủy ban Tài chính – Ngân sách, việc thu NSNN vượt dự toán 8,5%, nhiều khoản thu đạt hoặc vượt dự toán thể hiện những diễn biến khả quan của tình hình kinh tế, cùng với sự cố gắng, nỗ lực của Chính phủ, các ngành, các cấp trong việc tổ chức triển khai các giải pháp quản lý thu, đẩy mạnh cải cách hành chính trong quản lý thuế, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Tuy nhiên, các khoản thu về nhà, đất, tài nguyên, thu từ cổ tức, lợi nhuận còn lại từ các doanh nghiệp nhà nước chiếm tỉ trọng lớn trong tổng thu NSNN, cho thấy cơ cấu nguồn thu chưa bền vững, các giải pháp Chính phủ đưa ra vẫn chưa thực sự tạo chuyển biến tích cực.

Về chi NSSN, Ủy ban Tài chính – Ngân sách nhận định, năm 2018, Chính phủ đã triển khai quyết liệt nhiều biện pháp trong tổ chức điều hành dự toán chi ngân sách; quản lý chặt chẽ các khoản chi, tích cực thực hiện các giải pháp tiết kiệm chống lãng phí, bám sát mục tiêu, dự toán được giao, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và các chính sách an sinh xã hội. Song vẫn còn tồn tại, hạn chế là công tác lập, giao dự toán chưa sát thực tế, tình trạng chi NSNN chưa đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chưa được khắc phục triệt để. Giải ngân vốn đầu tư không đạt kế hoạch; quản lý, sử dụng vốn đầu tư chưa đúng quy định vẫn diễn ra; thu hồi vốn tạm ứng còn chậm. Việc thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế để giảm chi thường xuyên còn chậm, cơ cấu chi thường xuyên chưa bảo đảm mục tiêu đặt ra...

Báo cáo của Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị, Chính phủ bổ sung báo cáo về danh sách, mức độ sai phạm, hình thức xử lý, kết quả xử lý vi phạm trong việc quản lý, sử dụng NSNN niên độ 2017 theo Khoản 5, Điều 2 Nghị quyết số 77/2019/QH14 của Quốc hội. Đồng thời không để tình trạng thiếu báo cáo theo yêu cầu của Quốc hội xảy ra ở các năm sau.

Toàn Thắng

352 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 923
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 923
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87127949