Làng thanh niên lập nghiệp (TNLN) Tây Vĩnh Linh khởi công xây dựng từ năm 2004, hoàn thành đưa vào sử dụng từ năm 2010, với tổng vốn đầu tư hơn 28,8 tỉ đồng.
Ngày đó, Tổng đội thanh niên xung phong (TNXP - Tỉnh đoàn Quảng Trị) phối hợp với UBND H.Vĩnh Linh điều động 125 hộ dân với 363 nhân khẩu từ vùng đồng bằng chật chội lên mảnh đất rộng lớn thưa người thuộc thôn Rào Trường (xã Vĩnh Hà). Toàn làng được quy hoạch 504 ha đất hoang sơ, đang cần bàn tay người chăm bón...
Có sức người, sỏi đá cũng thành cơm
Vạn sự khởi đầu nan, nên cũng dễ hiểu khi khó khăn luôn chồng chất trong những ngày đầu hình thành làng. Người được ví là “tiền hiền” của làng mới như ông Trương Quốc Thắng (Tổng đội trưởng Tổng đội TNXP tỉnh Quảng Trị) cũng phải lắc đầu khi nhớ lại: “Những ngày đầu không điện, không nước, không cơ sở hạ tầng...; chúng tôi đã cùng với nhân dân đếm từng ngày để vượt khó”.
Ngày đặt chân lên làng mới, anh Trương Văn Hoài chưa có vợ. Ở tuổi 25, lại vừa xuất ngũ, anh rất “hăng máu” lập nghiệp. Dẫu khó khăn bủa vây nhưng với 1 ha đất được cấp, anh đổ mồ hôi và cả máu để khai hoang, trồng 300 cây cao su cùng gần 1 ha keo lai.
“Những năm sau đó mới thực sự vất vả, vì cao su, keo lai chưa thể thu hoạch ngay. Không có thu nhập, tôi phải làm đủ nghề để nuôi sống bản thân, từ tát cá cho đến rà phế liệu rồi làm công nhân khai thác rừng trồng”, anh nhớ lại. Vượt qua bộn bề khó khăn, đến nay trên mảnh đất mới anh Hoài đã gầy dựng ngôi nhà, vườn cây cùng gia đình đầm ấm. Khi cuộc sống ổn định, anh rẽ sang hướng làm ăn mới, cũng là theo đuổi niềm đam mê riêng với phong lan. Vài ba tháng anh lại lặn lội qua những vùng rừng núi, thậm chí sang tận Lào để tìm phong lan mang về bán cho những người có chung sở thích.
“Cắm dùi” ở Làng TNLN Tây Vĩnh Linh cùng thời với anh Hoài, những hộ gia đình khác cũng mỗi nhà một hoàn cảnh, nhưng theo tháng năm, bằng bàn tay lao động của mình, họ đã bắt “sỏi đá hóa thành cơm”. Như gia đình anh Trần Đức Hiếu và Tô Thị Hương. Anh Hiếu cùng vợ dắt díu lên “non cao” khi có trong tay tấm bằng cử nhân nhưng không sử dụng đến, để rồi giờ đây đã xây nên tổ ấm khang trang ngay sát đường Hồ Chí Minh. Anh Hoàng Trung Thông và vợ cũng vậy, cả hai là trí thức trẻ tình nguyện đi xây dựng vùng cao rồi nảy sinh tình cảm. Nay anh Thông là cán bộ địa chính xã Vĩnh Hà, còn vợ "lui về" chăm nom gia đình...
Những “đại gia chân đất”
Làng TNLN Tây Vĩnh Linh hiện không còn hộ nghèo. Thậm chí theo tính toán của Tổng đội TNXP tỉnh Quảng Trị, ít nhất 50% hộ dân có của ăn của để, thu nhập bình quân hằng năm từ vài chục đến vài trăm triệu đồng. Nhiều hộ có nhà cửa khang trang, sắm đầy đủ vật dụng sinh hoạt gia đình và cả ô tô. Tất cả những thành quả đó là nhờ người dân được cấp đất và trồng mới 350 ha cao su, 60 ha sắn, trồng và chăm sóc 3.050 ha rừng sản xuất... từ khi lên lập làng. “Nếu vào mùa cao su, đến bản thân tôi cũng ghen tị với các khoản thu nhập của người dân. Mỗi ngày đi cạo mủ trong vườn nhà, họ có thể kiếm bạc triệu là bình thường. Thời điểm giá cao su cao, mỗi tháng họ có vài chục triệu trong tay như bỡn”, ông Trương Quốc Thắng, Tổng đội trưởng Tổng đội TNXP tỉnh Quảng Trị, nói.
Cũng nhờ cây cao su, cây tràm mà nhiều hộ dân nay đã trở thành những “đại gia chân đất”. Nức tiếng nhất phải kể đến anh Nguyễn Văn Phương (46 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH MTV Tình Phương). Nhớ lại chuyện cũ, anh Phương nói dạo đó vợ chồng anh cũng như bao người khác ở quê cũ lâm cảnh khó khăn, chỗ ở lại chật chội nên mới tính lên làng TNLN này mong đổi đời. “Với hai bàn tay trắng, nói thật ngày đó chỉ mơ đủ ăn thôi”, anh trải lòng. Với 4 ha đất được cấp để sản xuất ban đầu, anh Phương mạnh dạn vay vốn đầu tư trồng cao su. Vượt qua những vất vả ngày đầu, từ năm 2008 gia đình anh Phương bắt đầu "hái quả ngọt" khi cao su được giá. Năm 2010, anh Phương thành lập công ty trước sự ngỡ ngàng của nhiều người. “Công ty của tôi hoạt động trong nhiều lĩnh vực, từ xây dựng, vận tải cho đến ươm cây giống..., nhưng chủ yếu vẫn chuyên về lâm nghiệp”.
Giờ đây khi ngồi liệt kê những gì mình đang có trong tay, đến anh Phương cũng tự “giật mình”. Anh có 4 chiếc ô tô, 2 máy đào, máy múc, một vườn ươm khoảng 70 vạn cây/năm. Lợi nhuận hằng năm khoảng trên dưới 1 tỉ đồng. 70 nhân công làm việc cho anh cũng có thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng. Hiện anh đang gấp rút hoàn thiện ngôi nhà mới đồng thời là trụ sở công ty ngay đầu làng với chi phí xây dựng ngót 2 tỉ đồng. “Nhiều người nói tôi có tài, có người lại bảo tôi... gặp may. Nhưng chẳng có cái tài, cái may nào giúp mình hết 100% trong lập nghiệp nếu thiếu đi sự cần cù, chịu khó. Nói đâu xa, nếu ngày đầu lên, thấy hoang vu mà tôi... bỏ chạy, không cầm cuốc khai hoang đến tứa cả máu thì làm gì có cơ đồ như bây giờ”, anh Phương đúc kết.
Ở làng TNLN này, đâu chỉ riêng anh Phương ngẫm ra “chân lý” đó. Rất nhiều người đã thành công, như ông Cao Tất Tuấn với nghề sản xuất rừng, ông Cao Văn Quý mở doanh nghiệp thu mua rừng trồng, ông Lê Quang Thành rẽ ngang làm kinh doanh vận tải...
Nguyễn Phúc