Đặt chính sách xã hội ngang tầm với chính sách kinh tế 

(Chinhphu.vn) - Đây là đề xuất đáng chú ý tại cuộc họp Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020, sáng 2/11, dưới dự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.
Đặt chính sách xã hội ngang tầm với chính sách kinh tế - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cần đưa các nhóm mục tiêu, tiêu chí phát triển bền vững, chú trọng yếu tố văn hóa trong các chính sách xã hội giai đoạn sắp tới - Ảnh: VGP/Đình Nam

Sau 10 năm thực hiện, Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI (Nghị quyết) đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, phần lớn các chỉ tiêu đều đạt và vượt mục tiêu với nhiều điểm sáng trong lĩnh vực người có công, giảm nghèo và an sinh xã hội (trong tổng số 26 chỉ tiêu có 5 chỉ tiêu vượt và hoàn thành trước thời hạn và 15 chỉ tiêu đạt mục tiêu vào năm 2020).

Chỉ số phát triển con người (HDI) năm 2020 đạt 0,706, có sự cải thiện trong bảng xếp hạng của Liên Hợp Quốc (từ vị trí 128/187 năm 2011 lên vị trí 117 năm 2019 và có thể cải thiện vào năm 2021).

Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm và được thực hiện tốt trong điều kiện kinh tế-xã hội cho phép.

Giai đoạn 2012-2022, Bộ LĐ-TB&XH thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ cấp bằng Tổ quốc ghi công cho hơn 2.000 liệt sĩ, thẩm định gần 63.000 hồ sơ thương binh; từ năm 2013 đến năm 2019, đã cơ bản hoàn thành hỗ trợ dứt điểm nhà ở cho 339.176 hộ người có công trên cả nước đạt 96,7%. Cả nước đã xác nhận được trên 9,2 triệu người có công, có trên 1,2 triệu người có công đang hưởng chế độ ưu đãi hàng tháng. Hiện 98,6% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn.

Các cấp, các ngành, địa phương thực hiện tốt quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính liệt sĩ còn thiếu thông tin; chú trọng đầu tư xây dựng, nâng cấp, tu bổ mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ trên khắp cả nước.

Đặt chính sách xã hội ngang tầm với chính sách kinh tế - Ảnh 2.

Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, việc nhận diện tình hình thực tế để tìm ra cái mới, điểm nghẽn và những giải pháp đột phá cho chính sách xã hội giai đoạn sắp tới là rất quan trọng - Ảnh: VGP/Đình Nam

Giảm nghèo là điểm sáng

Thể chế thị trường lao động từng bước được hoàn thiện, trở thành giải pháp cơ bản để giải quyết việc làm. Hàng năm giải quyết việc làm cho 1,5-1,6 triệu người. Tỉ lệ thất nghiệp chung duy trì ổn định ở mức dưới 3%. Tỉ lệ thất nghiệp thành thị dưới 4%. Diện bao phủ bảo hiểm xã hội ngày càng mở rộng, ước tính đạt 19 triệu người năm 2022.

Giảm nghèo tiếp tục là điểm sáng được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Tỉ lệ hộ nghèo từ 14,2% năm 2010 xuống còn 2,23% năm 2021. Giảm nghèo tiếp cận theo hướng đa chiều được triển khai quyết liệt, đồng bộ, đổi mới về phương thức, giải pháp thực hiện, tập trung vào các đối tượng nghèo nhất với nhiều mô hình mới, cách làm hay, gắn kết giữa tạo sinh kế, việc làm, đào tạo nghề và xuất khẩu lao động.

Chính sách trợ giúp xã hội đã mở rộng về đối tượng, tăng mức hưởng, thực hiện đúng mục đích, đúng đối tượng và đạt hiệu quả. Số người hưởng trợ giúp xã hội thường xuyên tăng lên hàng năm, đạt 3,509 triệu người năm 2021 (bao phủ 3,5% dân số), trong đó trên 55% là người cao tuổi.

Bảo đảm việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản

Chúng ta đã cơ bản bảo đảm việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản ở mức tối thiểu về giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, thông tin cho người dân.

Chính sách phổ cập giáo dục bảo đảm phát triển toàn diện cho trẻ em; chính sách hỗ trợ giáo dục cho học sinh thuộc hộ nghèo, diện đối tượng bảo trợ xã hội, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn đã giúp cải thiện tính công bằng trong giáo dục, có ý nghĩa xã hội to lớn, góp phần quan trọng nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực. Phổ cập giáo dục đã hoàn thành trước thời hạn từ cấp mầm non (trẻ 5 tuổi) đến trung học cơ sở. Trẻ em đi học đúng tuổi cấp tiểu học đạt 99% từ năm 2015; cấp trung học cơ sở đạt trên 95% năm 2020; tỉ lệ người từ 15 tuổi trở lên biết chữ đạt 97,85%; tỉ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 45,5% năm 2012 lên 67% năm 2022.

Việc hoàn thiện chính sách, tăng đầu tư ngân sách nhà nước và cải tiến phương thức thực hiện đã tạo đột phá về tỉ lệ bao phủ của bảo hiểm y tế, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia và thụ hưởng các chế độ bảo hiểm y tế. Đến hết năm 2021, có 88,8 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, chiếm 91% dân số. Y tế dự phòng được tăng cường, đã ngăn chặn được các bệnh dịch nguy hiểm, không để xảy ra dịch trên quy mô lớn, thành công ngăn ngừa các đợt bùng phát trong đại dịch COVID-19.

Nhà ở và điều kiện ở cho người nghèo, người có thu nhập thấp ở đô thị, lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và học sinh, sinh viên... từng bước được cải thiện. Đến hết năm 2020 đã hỗ trợ chỗ ở cho 648.000 hộ nghèo nông thôn, trên 18.000 hộ phòng, tránh bão, lũ lụt khu vực miền Trung; 52.000 hộ dân vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long; 323.000 căn nhà cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn từ nguồn xã hội hóa.

Chính phủ đã tập trung nguồn lực phát triển mạng lưới cấp nước sạch nông thôn, nhất là tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn. Tỉ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh tăng từ 80,5% năm 2012 lên 90% năm 2021.

Hệ thống thông tin truyền thông cơ sở được ưu tiên đầu tư. Từ năm 2016 đã hoàn thành mục tiêu 100% xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo được phủ sóng phát thanh mặt đất và truyền hình mặt đất. Đến năm 2020, có 100% xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo có đài truyền thanh xã.

Các thành tựu nổi bật đã đem lại niềm tin và sự hài lòng của người dân, khẳng định tính ưu việt của chế độ ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước.

Đặt chính sách xã hội ngang tầm với chính sách kinh tế - Ảnh 3.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: VGP

Cần khắc phục tình trạng chưa đồng bộ, thiếu đồng đều

Bên cạnh đó, đại diện các bộ, ngành cũng phân tích, làm rõ một số bất cập, hạn chế nổi bật trong quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI.

Đó là chính sách xã hội còn thiếu tính bao trùm, liên kết trong hỗ trợ đối tượng chưa bao phủ hết đối tượng, chưa có sự tương trợ, kết nối của các trụ cột chính sách trong tổ chức thực hiện. Chênh lệnh mức sống giữa vùng miền, nhóm đối tượng còn lớn.

Quá trình tổ chức triển khai thực hiện chính sách xã hội chưa đồng bộ, thiếu đồng đều giữa các địa phương.  

Hệ thống chính sách pháp luật còn chồng chéo, tích hợp chậm; sửa đổi và hoàn thiện chưa kịp thời, chất lượng chưa cao, thiếu nhất quán trong triển khai thực hiện. Chưa phân định rõ vai trò quản lý, điều hành của nhà nước, trách nhiệm của xã hội và sự tham gia của người dân. Chế tài xử lý sai phạm chưa đủ mạnh. Tổ chức bộ máy, nhân lực chưa đồng bộ và chưa đáp ứng yêu cầu. Phương thức quản lý, quản trị nhà nước trong các lĩnh vực xã hội chậm được hiện đại hóa, chưa bảo đảm tính liên thông, linh hoạt và kịp thời.

Nghiên cứu, thống kê cơ bản trong quản lý và phát triển xã hội chưa có nhiều đột phá, ứng dụng công nghệ chậm; thiếu các dự báo dài hạn.

Mạng lưới cung cấp dịch vụ xã hội, chăm sóc xã hội chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới theo hướng chuyên nghiệp hóa.

Việc thực hiện chính sách xã hội phụ thuộc rất lớn vào khả năng cân đối ngân sách Nhà nước; chưa tạo được cơ chế đầy đủ động viên, thu hút sự tham gia của xã hội và khuyến khích người thụ hưởng chính sách vươn lên.

Xây dựng hệ thống an sinh xã hội đa tầng và hiện đại

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho rằng việc nhận diện tình hình thực tế để tìm ra cái mới, điểm nghẽn và những giải pháp đột phá cho chính sách xã hội giai đoạn sắp tới là rất quan trọng để thực hiện phát triển bền vững, bảo đảm quyền con người, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Trước những vấn đề đang đặt ra hiện nay, các ý kiến cho rằng trong giai đoạn sắp tới cần xây dựng và thực hiện chính sách xã hội toàn diện, bền vững; phát huy tính ưu việt của chế độ và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa trong xây dựng và thực hiện chính sách xã hội.

Đặt chính sách xã hội ngang tầm với chính sách kinh tế. Bảo đảm cung cấp đầy đủ, có chất lượng, cơ hội tiếp cận công bằng về dịch vụ xã hội cơ bản, thiết yếu cho các tầng lớp dân cư, nhóm xã hội.

Xây dựng hệ thống an sinh xã hội đa tầng, toàn diện, phổ cập và hiện đại, hỗ trợ người dân ứng phó kịp thời, thích ứng linh hoạt và hiệu quả trước các rủi ro kinh tế-xã hội và môi trường. Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập, tạo việc làm có năng suất cao và bền vững; tập trung đầu tư phát triển con người, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và phổ cập nghề cho người lao động.

Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, bảo đảm nguồn lực thực hiện chính sách xã hội tương xứng khả năng, điều kiện phát triển kinh tế; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động sự tham gia của cộng đồng xã hội, doanh nghiệp và người dân.

Đặt chính sách xã hội ngang tầm với chính sách kinh tế - Ảnh 4.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng phương thức thực hiện các chính sách xã hội trong giai đoạn sắp tới cần mở rộng, có sự đổi mới - Ảnh: VGP/Đình Nam

Tăng tính bền vững, chú trọng yếu tố văn hóa

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị thẳng thắn làm rõ nguyên nhân của những chỉ tiêu chưa đạt; đánh giá thêm về các mục tiêu định tính ở thời điểm trước và sau khi có Nghị quyết, đơn cử như việc hình thành, phát triển "lưới an sinh xã hội".

Trong giai đoạn tới, việc xây dựng chính sách xã hội cần hết sức lưu ý đến những vấn đề mới xuất hiện. Về bối cảnh quốc tế, những điểm mới là sự xuất hiện của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc về phát triển bền vững, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, cùng với đó là những vấn đề đã được cảnh báo từ lâu như biến đổi khí hậu, già hóa dân số, xung đột vũ trang…

"Ở trong nước là vấn đề già hóa dân số, biến đổi khí hậu, Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình, nhất là sau khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát đã đặt ra yêu cầu tổ chức lại không gian phát triển công nghiệp, xem xét kỹ vấn đề đô thị hóa để bảo đảm an sinh xã hội chứ không chỉ tập trung cho vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn", Phó Thủ tướng trao đổi và nhấn mạnh phải đưa yếu tố văn hóa trong các chính sách xã hội.

Bên cạnh đó, các nhóm mục tiêu, tiêu chí phát triển bền vững cần được đưa vào trong các chính sách xã hội giai đoạn sắp tới theo Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc về phát triển bền vững, Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030…

Phó Thủ tướng cho rằng phương thức thực hiện các chính sách xã hội trong giai đoạn sắp tới cần mở rộng, có sự đổi mới. Ví dụ đối với người có công thì bên cạnh hỗ trợ vật chất cần chú ý hơn đến yếu tố tôn vinh; với các nhóm yếu thế cần lưu ý trợ giúp nhiều hơn đối với nhóm di dân, những người bị tổn thương tinh thần, tâm lý; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội khi Việt Nam bước vào giai đoạn già hóa dân số, phát triển nghề công tác xã hội.

Đình Nam

130 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 823
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 823
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87340530