Đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân Tết Kỷ Hợi 2019 

(ĐCSVN) - Tết Kỷ Hợi 2019 đang đến gần, đây là dịp nhu cầu mua sắm, tiêu dùng hàng hóa của người dân càng tăng cao. Vì vậy, Bộ Công Thương đã lập kế hoạch và triển khai công tác chuẩn bị phục vụ Tết và kiểm tra, kiểm soát sản xuất, lưu thông hàng hóa trên địa bàn, đảm bảo hàng hóa có chất lượng cao, giá tốt đến tay người tiêu dùng.

 

Ảnh minh họa (Nguồn: K.D)

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Lộc An - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho hay, để đảm bảo đầy đủ hàng hóa cho người tiêu dùng vào dịp cuối năm và Tết Kỷ Hợi, thời gian qua, Bộ Công Thương đã tổ chức nhiều buổi làm việc với các địa phương về việc chuẩn bị hàng hóa cuối năm. Nhìn chung, các địa phương, doanh nghiệp, hộ kinh doanh đang tích cực chuẩn bị hàng hóa Tết, tổ chức các chương trình kết nối cung cầu, bình ổn thị trường theo đúng chỉ đạo của Bộ Công Thương.

Tính đến cuối tháng 12, đã có 25/63 tỉnh thành phố có báo cáo về kế hoạch chuẩn bị hàng hóa cho dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019, trong đó có 9 địa phương có kế hoạch triển khai Chương trình Bình ổn thị trường. Các nhóm hàng được chú trọng chuẩn bị là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng tiêu dùng nhiều trong dịp Tết. Đặc biệt, thịt lợn - mặt hàng có biến động lớn trong năm 2018 đã được các địa phương, nhất là vùng chăn nuôi lớn như Hà Nam, Đồng Nai kiểm soát tốt dịch bệnh và đảm bảo nguồn cung dịp Tết tăng từ 20 - 25% so với các tháng thường.

Nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, Sở Công Thương Hà Nội cũng đã có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng phục vụ với tổng giá trị đạt 28.500 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với kế hoạch dự trữ hàng hóa Tết năm 2018.

Theo bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, để người tiêu dùng Thủ đô có thể mua sắm được các sản phẩm chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như đảm bảo về giá, Sở Công Thương TP. Hà Nội đã phối hợp với các doanh nghiệp bán lẻ lên kế hoạch tổ chức bán hàng phục vụ Tết tại 22 Trung tâm thương mại, 125 siêu thị, 454 chợ, hệ thống, trên 600 cửa hàng tiện ích, trên 50 chuỗi kinh doanh mặt hàng nông sản thực phẩm.

Sở Công Thương đã kêu gọi, vận động các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn đăng ký tham gia thực hiện chương trình bình ổn giá mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố năm 2018. Đến nay có 20 doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình dự trữ 8.680 tỷ đồng, tổ chức đưa hàng bình ổn đến 10.688 điểm bán hàng, tăng hơn 3.800 điểm so với năm trước.

Ảnh minh họa (Nguồn: K.D)

Ngoài ra, Sở Công Thương phối hợp với doanh nghiệp tổ chức 350 chuyến bán hàng lưu động, 10 phiên chợ Việt tại các quận, huyện, thị xã, khu công nghiệp, khu chế xuất phục vụ nhu cầu của tất cả các đối tượng người dân và người lao động. 

Ngoài ra, theo đại diện Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), Công ty đã lên kế hoạch dự trữ các mặt hàng thực phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu Tết như thịt bò, thịt lợn, trứng, thủy sản, các mặt hàng bánh kẹo, đường sữa… Tất cả đều được khai thác từ các nhà cung cấp uy tín đảm bảo cả về chất lượng cũng như giá cả. Hapro sẽ tổ chức các điểm bán hàng bình ổn giá trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán để không xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá.

Khẳng định sẽ cung ứng một lượng hàng dồi dào và đảm bảo về giá cả cho người dân, đại diện Tập đoàn Central Group Việt Nam cho hay, hệ thống siêu thị Big C đã đàm phán với các nhà sản xuất, các đơn vị cung ứng để chuẩn bị đầy đủ các mặt hàng phục vụ người dân cả nước, và người dân hoàn toàn yên tâm không lo bị đội giá.

Thực hiện Kế hoạch số 454/KH-BCĐ389 ngày 30/11/2018 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về Kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Bộ Công Thương cũng đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-BCT ngày 30/10/2018 về việc thực hiện các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2018 và dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.

Theo đó, Bộ Công Thương giao Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường, Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương mở đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát chống vận chuyển và kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, gian lận thương mại như: vật liệu nổ, pháo nổ, pháo hoa, động vật hoang dã; thuốc lá ngoại; vải, quần áo, giầy dép; nguyên phụ liệu may mặc; bánh kẹo; rượu, bia, nước giải khát; điện tử - điện máy; xăng dầu; tân dược, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền; chống xuất lậu các loại than, khoáng sản, động vật hoang dã, gỗ và các lâm sản quý hiếm…

Đồng thời, Bộ Công Thương cũng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường kiểm tra kiểm soát chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng đối với các mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp Tết. Kết hợp kiểm tra các biểu hiện của hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật; kiểm tra việc thực hiện đo lường hàng hoá (cân, đong, đóng gói hàng hoá), công bố chất lượng hàng hoá, ghi nhãn hàng hoá của các cơ sở sản xuất kinh doanh bán buôn, bán lẻ để phát hiện các thủ đoạn gian lận về giá hoặc lợi dụng đo lường, đóng gói để tăng giá; kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Theo đó xử lý nghiêm những đơn vị, tổ chức, cá nhân vi phạm…/.

Kim Dung

544 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1026
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1026
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87189514