Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị (Ảnh: KT)
Sáng 18/1, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổ chức Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2018 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2019. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
Tham dự Hội nghị còn có Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung; các đồng chí Thứ trưởng: Doãn Mậu Diệp, Lê Tấn Dũng, Nguyễn Thị Hà, Lê Quân; Đại diện các bộ, ban, ngành; lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố và lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH các địa phương tại 63 điểm cầu trên cả nước.
Nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch
Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết, thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội; quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 với phương châm hành động của ngành là “Đoàn kết - kỷ cương - sáng tạo - hiệu quả”, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) đã ban hành Chương trình công tác năm 2018 với các chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, 15 nhóm giải pháp chủ yếu và 118 nhiệm vụ cụ thể để tổ chức thực hiện trong toàn ngành.
Dù còn những khó khăn, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; với sự nỗ lực phấn đấu của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, toàn ngành đã đạt được những kết quả tích cực, tạo một bước tiến mới so với năm 2017.
Cụ thể, ngành đã hoàn thành 100% các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, đặc biệt là chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao, góp phần cùng cả nước hoàn thành toàn diện 12 chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội: Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị là 3,1% (thấp nhất trong 11 năm trở lại đây); Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 58,6%; trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 23- 23,5%; Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm 1,35% so với cuối năm 2017, riêng các huyện nghèo giảm trên 5%.
Trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, ngành tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp đổi mới và phát triển giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Rà soát, sắp xếp cơ sở giáo dục nghề nghiệp; Thực hiện gắn kết hiệu quả giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp. Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn...
Ước tuyển sinh năm 2018 khoảng 2,21 triệu người, đạt 100,5% kế hoạch. Trong đó: trình độ cao đẳng, trung cấp là 545 nghìn người, đạt 100,9% kế hoạch; sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác khoảng 1,665 triệu người, đạt 100,3% kế hoạch. Ước tốt nghiệp khoảng 2,1 triệu người; trong đó tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp khoảng 440 nghìn người.
Về phát triển thị trường lao động, tạo việc làm, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết, ước cả năm tạo việc làm cho khoảng 1,648 triệu người, đạt 103,1% kế hoạch. Trong đó: Tạo việc làm trong nước khoảng 1,506 triệu người, đạt 101,1% kế hoạch; đưa trên 142,8 nghìn người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 129,9% kế hoạch, cao nhất từ trước đến nay. Tỷ lệ mỗi giới được tạo việc làm trên 48%.
Đặc biệt, về chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 99/2018/NĐ-CP quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng; chỉ đạo các địa phương thực hiện đầy đủ các chính sách cho trên 1,33 triệu đối tượng người có công. Vận hành thông suốt Cổng thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ. Tiếp tục phối hợp với Bộ Xây dựng triển khai việc hỗ trợ người có công với cách mạng có khó khăn về nhà ở.
Ước đến cuối năm 2018 có 99% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú; 98,5% xã/phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công.
Cùng với đó, về giảm nghèo nhanh và bền vững, thu nhập của hộ nghèo được nâng lên, đời sống được cải thiện rõ rệt; Các chính sách trợ giúp xã hội được thực hiện đầy đủ, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trên 2,8 triệu người với kinh phí trên 17 nghìn tỷ đồng. Công tác người cao tuổi; bảo vệ, chăm sóc trẻ em; bình đẳng giới, phòng, chống tệ nạn xã hội được quan tâm chỉ đạo thực hiện, đạt kết quả đáng khích lệ...
Quan tâm đến đào tạo nhân lực
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận và biểu dương những kết quả toàn diện, nhiều mặt rõ nét của toàn ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã góp phần quan trọng cùng Chính phủ hoàn thành, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu năm 2018. Trong đó, nhiều lĩnh vực có đóng góp trực tiếp, gián tiếp của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội.
Đánh giá về những chuyển biến rõ rệt trong ngành LĐ-TB&XH, Phó Thủ tướng đơn cử trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. "Nếu nhìn lại giai đoạn năm 2013-2016, giáo dục nghề nghiệp rất khó tuyển sinh. Từ năm 2017, với nhiều hội nghị về giáo dục nghề nghiệp, chỉ tiêu tuyển sinh đã đạt và vượt 100% " - Phó Thủ tướng nói.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: KT)
Về những nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đề nghị, vấn đề đầu tiên ngành cần quan tâm là đào tạo nhân lực. Đào tạo nhân lực phải được coi là điểm nhấn quan trọng ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cần tập trung triển khai trong năm 2019 và trong những năm sắp tới. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: "Chúng ta đang nói nhiều đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Yếu tố quan trọng đầu tiên phải có để thực hiện cuộc cách mạng này là phải có nguồn nhân lực tốt".
Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, Phó Thủ tướng đề nghị ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tới đây cần làm tốt công tác phân luồng giáo dục nghề nghiệp, tiến tới triển khai tự chủ cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đây được coi là nhiệm vụ trọng tâm để đáp ứng nguồn nhân lực cho đất nước.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng yêu cầu công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng phải hướng tới những thị trường chất lượng cao. Bộ LĐ-TB&XH cần tăng cường kết nối những lao động đã đi xuất khẩu lao động về nước với việc thu hút đầu tư, bố trí lao động; cân đối giữa lao động đi xuất khẩu lao động và bố trí việc làm trong nước.
Về vấn đề việc làm, Phó Thủ tướng lưu ý việc thu hút doanh nghiệp tham gia vào Cổng thông tin điện tử việc làm do Bộ LĐ-TB&XH điều hành; quan tâm tới công tác gắn kết thị trường lao động.
Trong lĩnh vực chính sách an sinh xã hội nói chung, Phó Thủ tướng khẳng định cần tiếp tục tăng cường, làm tốt hơn nữa công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc gia đình người có công, trước hết là gia đình liệt sĩ. Đồng thời chú ý hơn đến hoạt động của các trung tâm bảo trợ, nuôi dưỡng người già cô đơn, người khuyết tật, hiện nay đang hoạt động rất khó khăn và rất khó huy động nguồn lực xã hội hoá.
Đối với chính sách phát triển bảo hiểm xã hội, Phó Thủ tướng đề nghị tham khảo kinh nghiệm phát triển bảo hiểm y tế bằng cách giao chỉ tiêu cụ thể cho từng địa phương; đồng thời tăng cường truyền thông nhiều kênh, nhiều cấp để tạo chuyển biến suy nghĩ, thói quen của người dân thay vì tiết kiệm cá nhân thì tham gia các loại hình bảo hiểm vừa tiết kiệm vì mình, vừa vì cộng đồng.
Trong công tác trẻ em, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng về việc thành lập bộ phận, đầu mối chịu trách nhiệm trong công tác bảo vệ trẻ em theo quy định của Luật Trẻ em.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu, trước mắt, toàn ngành cần thực hiện tốt việc thăm hỏi, tặng quà Tết Nguyên đán cho các đối tượng chính sách, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, bảo đảm mọi người, mọi nhà đều có Tết./.
Kim Thanh