|
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình). Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Theo đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình), báo cáo của Chính phủ về kết quả 6 năm thực hiện Nghị quyết số 76 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đến năm 2020 cho thấy giai đoạn 2016-2020, kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo của Chính phủ đã đạt những con số ấn tượng, vượt mục tiêu Nghị quyết 76 đề ra với tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn dưới 5%. Trung bình, mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,42%, ước năm 2020 còn khoảng 2,75%. Tỷ lệ hộ nghèo ở 64 huyện nghèo trung bình mỗi năm giảm 5,28%, ước cuối năm 2020 còn khoảng 24%, đạt mục tiêu Nghị quyết số 142 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020.
Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo đến hết năm 2019 và dự báo cuối năm 2020 chưa bền vững, còn có sự chênh lệch giữa các vùng miền.
Ở góc độ giáo dục-đào tạo, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung cho rằng, bài học kinh nghiệm tại một số nước như Bangladesh, Philippines, Hàn Quốc… đã cho thấy thành công trong việc gắn giáo dục nghề nghiệp với giảm nghèo bền vững.
Đối với Việt Nam, nhiều báo cáo nghiên cứu cũng cho thấy, giáo dục nghề nghiệp có ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm và thu nhập của các hộ gia đình. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều có tương quan mạnh mẽ với trình độ giáo dục của chủ hộ, tỷ lệ nghèo đa chiều của nhóm các chủ hộ tốt nghiệp cao đẳng hoặc đại học chỉ dưới 1%, trong khi đó, nhóm có chủ hộ chưa học xong tiểu học 26,6%.
Trong giai đoạn 2012 - 2016, tỷ lệ nghèo đều giảm ở các hộ có chủ hộ có các trình độ học vấn cao hơn, tốc độ giảm nghèo của các nhóm hộ có chủ hộ lao động không có kỹ năng nghề thấp hơn các nhóm hộ khác.
Từ sự nhìn nhận như trên, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung nhấn mạnh, để giảm nghèo bền vững thì đào tạo việc làm là giải pháp căn cơ và có hiệu quả nhất. Phát triển giáo dục nghề nghiệp sẽ thúc đẩy tăng năng suất lao động, chất lượng và hiệu quả công việc. Đồng thời, giáo dục nghề nghiệp là một dịch vụ xã hội cơ bản trong hệ thống an sinh xã hội mà Hiến pháp 2013 đã hiến định, công dân có quyền được đảm bảo an sinh xã hội. Việt Nam cần xây dựng hệ thống an sinh xã hội đa tầng, đa dạng, linh hoạt, tập trung vào các trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, trong đó có thể nói giáo dục nghề nghiệp giữ vai trò quan trọng.
“Từ những lý do trên, có thể cho rằng giảm nghèo bền vững và phát triển giáo dục nghề nghiệp có mối quan hệ gắn bó với nhau chặt chẽ. Do đó, việc đề xuất chủ trương đầu tư dự án phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025 là hết sức phù hợp và cần thiết”, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung bày tỏ và đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm chỉ đạo để giáo dục nghề nghiệp phát huy tốt nhất vai trò của mình, góp phần quan trọng vào thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững trong giai đoạn tới.
Cùng liên quan đến công tác giảm nghèo, ở góc độ khác, đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) nhận định, kết quả giảm nghèo một số nơi chưa thật bền vững, chưa đồng đều, chênh lệch giàu nghèo, chênh lệch về tiếp cận các dịch vụ cơ bản, tiếp cận thị trường việc làm giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, tỷ lệ nghèo tại các huyện nghèo vẫn còn trên 50%. Nguyên nhân là do điều kiện kinh tế - xã hội của các khu vực miền núi có xuất phát điểm thấp, mặt bằng dân trí nói chung còn hạn chế, hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu chưa đảm bảo, chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả, các rào cản về ngôn ngữ, trình độ giao tiếp, văn hóa và tâm lý của người bản địa ở từng khu vực.
Từ sự nhìn nhận như vậy, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm chỉ đạo, tiếp tục tích hợp ban hành các chính sách hỗ trợ giảm nghèo trong các chính sách phát triển kinh tế - xã hội theo hướng hỗ trợ các điều kiện, hỗ trợ trực tiếp đối với các chính sách có ảnh hưởng lớn đến an sinh xã hội, như giáo dục, y tế, còn lại các chính sách khác hỗ trợ bằng hình thức cho vay có hoàn trả.
Tiếp tục tăng mức cho vay tín dụng ưu đãi và kéo dài thời gian vay vốn với lãi suất ưu đãi cho một số loại hình sản xuất có chu kỳ sản xuất chăn nuôi dài như trồng rừng, chăn nuôi trâu, bò và các cơ sở hộ sản xuất kinh doanh ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng nông thôn.
Còn đại biểu Bạch Thị Hương Thủy (Hoà Bình) thì đề xuất, cần xây dựng các mô hình liên kết, chuỗi giá trị hàng hóa và dịch vụ như chế biến nông, lâm sản, dược liệu, dịch vụ để thúc đẩy giảm nghèo đa chiều với 4 nhóm tiêu chí quan trọng là sinh kế cho nhân dân; sức khỏe và dinh dưỡng; giáo dục và đào tạo; đảm bảo an sinh xã hội, kết hợp lồng ghép đồng bộ giữa xóa đói, giảm nghèo với phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, Đại biểu Đinh Công Sỹ (Sơn La) cho rằng, kinh nghiệm thời gian qua gần đây cho thấy, ở một số địa phương miền núi, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, có những bất lợi về đất sản xuất, độ dốc lớn, nhưng nếu chuyển đổi cây trồng hợp lý, đặc biệt là đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất thì sẽ nâng được giá trị sử dụng đất. Việc đưa khoa học công nghệ vào phát triển kinh tế, nhất là trong nông nghiệp ở vùng miền núi, vùng dân tộc thiểu số là một trong những giải pháp quan trọng.
Do đó, đại biểu kiến nghị, với các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn tới thì giải pháp ứng dụng khoa học, công nghệ cần phải được quan tâm một cách thích đáng. Coi đây là giải pháp cơ bản để giải đẩy nhanh thực hiện, góp phần đạt được mục tiêu giảm nghèo.
Đại biểu Đinh Công Sỹ cũng cho rằng, để tiếp tục thực hiện chương trình giảm nghèo trong giai đoạn tới, Chính phủ cũng cần xem xét khả năng, nguồn lực để thực hiện các mục tiêu đặc thù, cũng như xem xét về tính đặc thù của các vùng, miền để có phương pháp tiếp cận cách giải quyết giảm nghèo cho phù hợp.
“Tôi rất đồng tình với một số ý kiến của các đại biểu phát biểu cho rằng Chính phủ cần nên xem xét việc lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn 2021-2025. Việc lồng ghép sẽ giảm đầu mối quản lý, tăng tối đa chi cho đầu tư phát triển, hướng tới đối tượng thụ hưởng trực tiếp là người dân”, Đại biểu Đinh Công Sỹ bày tỏ./.
Nguyễn Hoàng