Đào tạo cán bộ cho các tỉnh bạn Lào – Cơ sở, chiến lược giữ vững tình đoàn kết hữu nghị giữa Quảng Trị và các tỉnh bạn Lào 

Hiện nay, đất nước Lào đang thực hiện đường lối đổi mới bảo vệ và xây dựng Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, thực hiện nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, mở cửa để hội nhập quốc tế để phát triển, nên cán bộ Lào chịu sự tác động của nhiều yếu tố: mặt trái của cơ chế thị trường, sự chống phá của các thế lực thù địch với âm mưu “diễn biến hòa bình”. Bởi vậy, người cán bộ phải nhận thức vững vàng, kiên định, kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin là việc làm cần thiết trong giai đoạn cách mạng hiện nay.

Xuất phát từ thực tiễn, thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Giúp nhân dân nước bạn tức là tự giúp mình", thời gian qua việc duy trì, củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị Việt - Lào là lợi ích chiến lược, là đòi hỏi có ý nghĩa sống còn đối với sự nghiệp cách mạng của hai nước.

Quảng Trị là tỉnh có đường biên giới phía Tây giáp với 2 tỉnh (Savannakhet và Salavan) của nước bạn Lào. Đảng bộ Quảng Trị luôn xác định việc tiếp tục tăng cường tình đoàn kết hữu nghị và hợp tác toàn diện với hai tỉnh bạn Salavan và Savannkhet là nguyên tắc là yêu cầu, nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược; coi đây là nghĩa vụ quốc tế cao cả, đồng thời thể hiện tình cảm cách mạng thuỷ chung, trong sáng mà Đảng và nhân dân hai tỉnh dành cho nhau. Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII khẳng định: “Tiếp tục thực hiện đồng bộ, có hiệu quả hoạt động đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân. Tăng cường quan hệ hữu nghị đặc biệt với các tỉnh của nước bạn Lào có chung biên giới…”. Kế thừa những kết quả đạt được, đến nay Quảng Trị cùng các tỉnh bạn Lào đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, ban ngành hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau trong việc nghiên cứu về các tiềm năng và thế mạnh trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, trong đó có lĩnh vực giáo dục và đào tạo, cụ thể là đào tạo cán bộ Lào với chương trình trung cấp lý luận chính trị - hành chính ở Truờng Chính trị Lê Duẩn là việc làm có ý nghĩa chiến lược, vì cán bộ là người đem chủ trương của Đảng, Nhà nước đến với Nhân dân.

Đoàn Trường Chính trị Lê Duẩn thăm và làm việc tỉnh Savanakhet -  Lào

Thực hiện chỉ đạo của Trung ương và Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Trị về tổ chức đào tạo cán bộ chính trị cho hai tỉnh Salavan và Savannakhet (nước CHDCND Lào), từ năm 2008 đến nay, Trường Chính trị Lê Duẩn đã tổ chức 10 khóa đào tạo lý luận chính trị cho 430 học viên là cán bộ đương chức và dự nguồn của hai tỉnh theo chương trình của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Đây nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng và mới mẻ, là các khoá đào tạo hợp tác quốc tế về lý luận chính trị đầu tiên của tỉnh Quảng Trị nói riêng và của cả nước nói chung cho nước bạn Lào, mang tính đặc thù cao, đòi hỏi quá trình dạy và học phải hết sức lưu ý đến vấn đề soạn giáo án, phương pháp truyền đạt của người giảng, truyền tải của người dịch; vấn đề tiếp thu nội dung, thể hiện nhận thức qua thi, kiểm tra và thông tin phản hồi của người học. Với tinh thần đó, các khoá học đã đạt được những kết quả hết sức khả quan trong việc trang bị kiến thức về lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; những vấn đề cơ bản về Đảng Cộng sản, lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, quản lý hành chính nhà nước; công tác dân vận, kỹ năng lãnh đạo quản lý... một cách có hệ thống, giúp người học lĩnh hội, đối chiếu, so sánh những điểm tương đồng, nhất quán về lý luận và thực tiễn trong mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội giữa hai Đảng và hai Nhà nước.

Với phương châm lý luận gắn với thực tiễn cũng được kết hợp chặt chẽ thông qua việc tổ chức cho học viên Lào tham gia tất cả các hoạt động trong Trường, đi tham quan các di tích lịch sử của tỉnh, nghiên cứu thực tế ở các tỉnh, thành trong nước giúp cho học viên bổ sung kiến thức lý luận đã học đồng thời tạo ra sự hứng thú cho người học trong suốt quá trình đào tạo. Là người trực tiếp giảng dạy, chúng tôi có dịp trao đổi với anh Samany Xayyachak UVTV huyện ủy, Chỉ huy trưởng quân sự huyện Vilabuli – Savannakhet, anh cho biết: “Học Việt Nam nâng cao trình độ rất nhiều, nhất là cách làm quản lý cán bộ rất nghiêm túc, sau này về nước vận dụng làm tốt hơn. Đồng thời, mong muốn gửi nhiều anh em trong đơn vị sang Trường để học”. Anh Moukkita Vongsaravanh, Trưởng phòng ngân sách Sở tài chính tỉnh Salavan trả lời: “Thu được nhiều kiến thức từ thầy cô, biết được phong tục, tập quán người Việt Nam, thích ứng nhanh với cơ chế thị trường, tích cực làm ăn, sáng tạo, sau này về vận dụng ở Lào. Mong muốn, thời gian tới được học nhiều lớp ở Việt Nam để nâng cao trình độ”.

Một điều quan trọng mà các bạn học viên Lào ghi nhận là những năm qua, mặc dù tình hình kinh tế trong nước và khu vực cũng gặp nhiều khó khăn nhưng Quảng Trị đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, ban ngành hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau, đặc biệt là vấn đề tài chính. Tất cả chế độ của học viên đều được giải quyết đầy đủ, kịp thời, đúng với quy định hiện hành. Các yêu cầu phát sinh do học viên đề nghị nếu hợp lý đều được giải quyết thoả đáng. Tổ chức khám sức khoẻ toàn diện cho học viên từ đầu vào đến đầu ra và chăm sóc y tế kịp thời khi học viên đau ốm. Bình quân mỗi khóa học tổng kinh phí trên 2 tỷ đồng, ngoài ra các ngày nghỉ lễ, tết được Nhà trường tổ chức chu đáo, thân thiện cả về vật chất lẫn tinh thần.

Tiết mục văn nghệ học viên Lào mừng 70 năm thành lập Trường

 Kết quả sau  hơn 10 năm hợp tác đào tạo cán bộ cho các tỉnh bạn Lào có ý nghĩa, tác dụng to lớn trong quan hệ đối ngoại. Cán bộ được đào tạo qua 10 khóa phần đông tuổi đời còn rất trẻ, đang  giữ các chức vụ khác nhau ở huyện, tỉnh, có quy hoạch vào vị trí cao hơn. Đây là nguồn cán bộ tương lai của bạn Lào, hiểu biết và được đào tạo chính trị rất cơ bản ở Việt Nam. Hy vọng trong quá trình công tác, những cán bộ này sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy đường lối chính trị theo quan điểm chủ nghĩa xã hội, hiểu biết sâu sắc đường lối chính trị của Việt Nam. Cán bộ đào tạo qua 10 khóa tuy số lượng chưa nhiều nhưng ở các lĩnh vực khác nhau, "cắm rễ" sâu ở các vùng, khu, huyện, tỉnh của hai tỉnh bạn, là điều kiện thuận lợi cho Quảng Trị trong giao tiếp, quan hệ, nắm bắt thông tin trên tất cả các lĩnh vực, phục vụ tích cực và có hiệu quả trong mối quan hệ toàn diện, giữ vững ổn định chính trị.

Về phía các tỉnh bạn Lào, sau khi cán bộ được đào tạo về nước, các tỉnh đã chú trọng công tác sử dụng, bố trí cán bố một cách hợp lý, đề bạt giữ nhiều chức vụ cao hơn trước. Qua đó đã minh chứng được hiệu quả của công tác đào tạo lý luận chính trị cho cán bộ 2 tỉnh bạn đã phát huy trong thực tiễn, thể hiện tình cảm sâu nặng, gắn bó giữa Quảng Trị với Savannakhẹt, Quảng Trị với Salavan, góp phần tích cực xây dựng, vun đắp mối quan hệ đặc biệt giữa Quảng Trị với các tỉnh giáp biên và giữa Việt Nam - Lào.

Trong thời gian tới, để tiếp tục đào tạo cán bộ Lào nhiều về số lượng và chất lượng được nâng cao qua thực tiễn ở Truờng Chính trị Lê Duẩn,  nhà trường kiến nghị với Nhà nước một số vấn đề phát sinh từ thực tiễn. Cụ thể,  kinh phí, một số nội dung chi cho học viên như tiền ăn, trang cấp, chi phí tham quan thực tế theo quy định còn quá thấp. Tỉnh cần có sự vận dụng cho phù hợp với thực tế. Đồng thời tỉnh cần chỉ đạo các cơ quan liên quan tổ chức điều tra, khảo sát chất lượng công tác của học viên sau năm khóa đào tạo để có sự đánh giá chính xác hơn kết quả đào tạo, làm cơ sở để nghiên cứu, điều chỉnh nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Có như vậy, tạo được nguồn lực và phát huy tác dụng cho mỗi bên phát triển bền vững, lâu dài, thực sự có tác dụng tăng cường mối quan hệ giữa Quảng trị và các tỉnh bạn Lào. Chúng ta tin tưởng rằng nhân dân hai bên cần cù thông minh sáng tạo và chắc chắc sẽ có các biện pháp hữu hiệu đưa quan hệ Quảng trị - tỉnh bạn Lào lên một tầm cao mới. Quốc Thanh

520 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 763
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 763
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87042192