Đạo lý “uống nước nhớ nguồn” hướng đến ngày thương binh, liệt sĩ 27/7 

“Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” cùng với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” đã là đạo lý nhân văn có từ ngàn đời của dân tộc Việt Nam, được phát huy từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ đời này sang đời khác. Truyền thống, đạo lý ấy càng được thể hiện rõ, lan tỏa tích cực và mạnh mẽ trong những ngày tháng 7 - ngày cả nước tri ân, ghi nhớ về những đóng góp, hy sinh của các anh hùng liệt sĩ, Mẹ Việt Nam anh hùng, các thương, bệnh binh, gia đình có công với cách mạng.

Trong những ngày tháng đất nước còn khói lửa chiến tranh, biết bao những người con, người chồng, người cha đã giã từ gia đình, quê hương, xung phong lên đường chiến đấu: “Người ra đi đầu không ngoảnh lại, sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”, một lòng vì Tổ quốc “Ra đi ra đi bảo tồn sông núi, ra đi ra đi thà chết chớ lui”. Hơn ai hết, họ đã phần nào chuẩn bị một tấm thế, lòng tin vững vàng cho những thăng trầm của cuộc chiến đầy gian nan phía trước và vẫn lạc quan, yêu đời, tin tưởng vào ngày độc cho Tổ quốc.

Chúng ta sẽ không bao giờ quên hình ảnh những người đã xả thân vì nước, quyết không để quân thù cướp từng tấc đất quê hương. Ta không thể quên câu nói của người thanh niên trẻ Lý Tự Trọng: “Con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng, không thể là con đường nào khác” thốt ra từ chính người anh hùng năm ấy chỉ mới độ 17 mùa xuân; thán phục trước tinh thần quả cảm của chàng chiến sỹ giao liên Kim Đồng; thấm thía từng giai điệu sâu lắng trong từng câu chữ qua bài hát “Biết ơn chị Võ Thị Sáu”; cảm động và tự hào biết bao trong tiếng hô vang khẩu hiệu yêu nước của người chiến sỹ trẻ Nguyễn Văn Trỗi trước khi hành hình: “Hồ Chí Minh muôn năm! Việt Nam muôn năm!”… Ta không thể không nghiêng mình trước hình ảnh của những cô gái thanh niên xung phong ở Ngã ba Đồng Lộc, của những chàng trai, cô gái đôi mươi xung phong ra tuyến đầu chống giặc xuất hiện trong Nhật ký Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm, không khỏi nghẹn ngào khi nhắc lại cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị trong mùa hè đỏ lửa 1972 hay khi đọc những lá thư còn sót lại của các liệt sĩ đã hi trong trong các cuộc kháng chiến của dân tộc… Vẻ đẹp của các anh, các chị không một dòng văn thơ nào có thể diễn tả hết, vì đó chính là vẻ đẹp bất diệt, nó được vẽ nên bởi ý chí kiên cường, tư thế hiên ngang, không lay động trước sự uy hiếp của quân thù. Máu của các anh, các chị “đã làm cho lá cờ của cách mạng thêm đỏ chói”; “Sự hy sinh của các liệt sỹ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do”. (Hồ Chí Minh). Sự hy sinh ấy không gì có thể bù đắp và thay thế được, nhưng thay vào đó họ đã làm rạng rỡ sử sách Việt Nam, là khởi đầu khát vọng của một nền hòa bình, bình yên và hạnh phúc.

 Để đất nước độc lập, tự do, bao nhiêu mồ hôi, máu và nước mắt đã đổ xuống trên mảnh đất quê hương. Biết bao người con ưu tú đã ngã xuống hay đã để lại một phần thân thể trên chiến trường, mãi mãi mang thương tật trong mình cũng như để lại di chứng cho các thế hệ con cháu về sau. Họ sống và chiến đấu vì lý tưởng cao đẹp “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, “Tất cả vì Tổ quốc quyết sinh”. Bao thân nhân liệt sĩ, những bậc ông bà, cha mẹ, những người chồng, người vợ, người con đã mãi mãi không thể gặp lại những người thân yêu nhất của mình…

Nhận thức được những mất mát, đau thương ấy, sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, chính phủ đã luôn quan tâm đến công tác chăm sóc các gia đình liệt sỹ, anh chị em thương binh - bệnh binh.  Tháng 6/1947, đại biểu của Tổng bộ Việt Minh, Hội Phụ nữ cứu quốc, Cục Chính trị quân đội quốc gia Việt Nam, Nha thông tin tuyên truyền và một số địa phương đã họp tại Đại Từ- Thái Nguyên. Nội dung cuộc họp là thực hiện chỉ thị của Hồ Chủ Tịch chọn ngày kỷ niệm Thương binh Liệt sĩ và bảo vệ công tác thương binh liệt sĩ. Sau khi xem xét, Hội nghị đã nhất trí lấy ngày 27/7/1947 làm “Ngày Thương binh” toàn quốc. Đây được coi là cuộc mít tinh quan trọng với 2000 người tham gia tại Thái Nguyên. Tại đây, Ban tổ chức đã trịnh trọng đọc thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đã gửi tặng một chiếc áo lụa, một tháng lương và một bữa ăn của nhân viên trong Phủ Chủ tịch. Hàng năm vào dịp này, Người cũng đều có thư và quà để gửi đến các anh em thương binh và gia đình liệt sỹ. Từ tháng 7/1955, “Ngày thương binh” được đổi thành “Ngày thương binh liệt sĩ” để ghi nhận những hy sinh lớn lao của đồng bào, chiến sĩ cả nước cho chiến thẳng vẻ vang của toàn dân tộc. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, theo chỉ thị 223/CT-TW ngày 8/7/1975 của Ban Bí thư Trung ương Đảng từ năm 1975, ngày 27/7 hàng năm chính thức trở thành "Ngày thương binh liệt sĩ" của cả nước.

Chiến tranh đã qua đi nhiều năm, nhưng những hậu quả mà chiến tranh để lại vẫn còn hiện hữu, nỗi đau của những người ở lại vẫn chưa thể nào nguôi ngoai. Chính vì vậy, với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, khắc ghi lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy…”, cứ đến tháng 7 hàng năm, nhiều hoạt động tri ân và tôn vinh các anh hùng liệt sĩ diễn ra trên khắp cả nước như: thăm viếng các nghĩa trang liệt sĩ, thắp nến tri ân, các chương trình nghệ thuật đặc biệt tại các nghĩa trang, khu di tích đặc biệt… hay các hoạt động thăm hỏi, động viên, giúp đỡ các gia đình liệt sĩ, người có công… Những hành động này mang ý nghĩa khẳng định sự cống hiến, hy sinh của các chiến sĩ là vô giá.  Bên cạnh đó, việc chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công cũng được xem trọng, trở thành vinh dự, trách nhiệm của các cấp, ngành, tổ chức chính trị – xã hội và của mọi người,  mọi thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau.

75 năm đi qua là 75 mùa tri ân. Ngày 27/7 hằng năm trở thành ngày mà những người còn sống mãi mãi không quên và không được phép quên những hy sinh, cống hiến to lớn ấy của các anh hùng liệt sĩ, thương, bệnh binh cho hòa bình của dân tộc. Ngày nay, Đảng và Nhà nước thông qua việc đề ra và thực hiện đầy đủ chính sách xã hội đối với thương binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng, thực sự đã trở thành động lực vật chất, tinh thần giúp họ vươn lên, vượt qua khó khăn thử thách, làm chủ cuộc sống. Đồng thời, Đảng, Nhà nước ta cũng luôn chú trọng giáo dục ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân và lòng biết ơn sâu sắc của các tầng lớp Nhân dân và các thế hệ đối với liệt sỹ, gia đình liệt sỹ, thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng; khẳng định sự cống hiến, hy sinh của họ cho độc lập, tự do của dân tộc, cho hạnh phúc của Nhân dân là vô giá, không chỉ cho ngày hôm qua, hôm nay mà cho muôn đời con, cháu mai sau. Minh Huyền

 

1164 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 654
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 654
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76829453