Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, hoạt động của báo chí còn bộc lộ không ít hạn chế, khuyết điểm. Còn có những biểu hiện thiếu nhạy bén chính trị, chưa làm tốt chức năng định hướng dư luận, chưa thực hiện tốt tôn chỉ mục đích; còn để lọt thông tin không trung thực, thiếu chính xác…; chưa làm tốt công tác phát hiện, tuyên truyền các điển hình tiên tiến, cổ vũ phong trào thi đua yêu nước… Còn có cán bộ, phóng viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp, thậm chí vi phạm pháp luật.
Bất chấp thành tựu nói trên, các thế lực thù địch vẫn bịa đặt là ở Việt Nam “không có tự do ngôn luận, tự do báo chí”, vu cáo Nhà nước Việt Nam “vi phạm tự do ngôn luận, tự do báo chí”. Trong đó, cần lưu ý là khi xuyên tạc họ đều kèm theo việc viện dẫn công pháp quốc tế, luật pháp các nước phương Tây. Phương Tây không phải và không bao giờ là “khuôn vàng thước ngọc”. Nhưng có rất nhiều điều mà chúng ta sẵn sàng tham khảo, học tập phù hợp với điều kiện của nước ta.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ dạy: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng”. Vì thế, các nhà báo cần tiếp tục góp phần đắc lực vào việc hình thành dư luận xã hội lành mạnh, góp phần cổ vũ và tạo ra sức mạnh đoàn kết, thống nhất, đồng thuận toàn dân tộc. Thông tin trên báo chí phải có tính thời sự cao, lành mạnh, thiết thực, có tính chiến đấu, định hướng dư luận…; kiên quyết loại bỏ những tin, bài ảnh hưởng xấu đến tư tưởng, tình cảm, đời sống xã hội; đừng làm phân tâm xã hội, phân rã niềm tin. Báo chí phải thực sự trở thành cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân, là người tuyên truyền, hướng dẫn, cổ vũ Nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời là diễn đàn xã hội rộng rãi để phát huy dân chủ, phát huy những giá trị văn hóa tiến bộ, hiện đại, giàu bản sắc dân tộc; diễn đàn để Nhân dân tham gia các công việc của đất nước, giám sát và phản biện xã hội, nâng cao trình độ dân trí; động viên, cổ vũ Nhân dân tham gia thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ cách mạng.
Tự do ngôn luận, tự do báo chí là quyền căn bản của con người được pháp luật Việt Nam thừa nhận và bảo đảm, được thể hiện sinh động trong đời sống xã hội. Điều 25, Hiến pháp 2013 quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin…”. Nhưng cũng như các quốc gia khác, tự do báo chí không có nghĩa là ai muốn viết gì thì viết, đó không phải là dân chủ, càng không phải là tự do, bản chất của nó là vô chính phủ!
Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền khẳng định: quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và các quyền khác: “phải tuân thủ những hạn chế do luật định nhằm mục đích duy nhất là bảo đảm việc thừa nhận, tôn trọng đối với các quyền và quyền tự do của những người khác, đáp ứng được những đòi hỏi chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ”. Hoài Thơm