Báo cáo thẩm tra đề nghị về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 do Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày cho biết, năm 2018, chỉ có Chính phủ có đề nghị chương trình năm 2019, điều chỉnh Chương trình năm 2018. Tất cả tài liệu do Chính phủ gửi dưới dạng bản điện tử với tổng số 3.386 trang đã được Văn phòng Quốc hội đăng tải trên website của Quốc hội và được thông báo trên E-Office để các đại biểu Quốc hội có thể truy cập, tải về sử dụng.
So với các năm trước, việc lập đề nghị đưa các dự án vào Chương trình đã có nhiều cải tiến. Đề nghị của Chính phủ được chuẩn bị sớm, công phu hơn, Tờ trình và hồ sơ kèm theo lần đầu tiên được gửi đúng hạn.
Tuy nhiên, chất lượng hồ sơ đề nghị xây dựng luật vẫn còn những điểm phải lưu ý như: trong hồ sơ chưa phản ánh được những chính sách đã được Chính phủ quyết định; có hồ sơ báo cáo đánh giá tác động, báo cáo tổng kết chưa phân tích, đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện đối với nhu cầu khách quan của việc ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung luật cũng như đối với các chính sách cơ bản của dự án; dự kiến nguồn lực còn định tính, thiếu định lượng;…
Tại các Ủy ban của Quốc hội, công tác thẩm tra và tham gia thẩm tra đề nghị của Chính phủ về xây dựng luật được thực hiện ngay sau khi Chính phủ có Tờ trình, cụ thể và chặt chẽ hơn so với năm trước. Nhiều văn bản thể hiện rõ quan điểm, chính kiến về từng dự án; tuy nhiên, cũng còn có báo cáo nội dung đơn giản, chưa phân tích, đánh giá được đầy đủ các nội dung theo yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
Về nguyên tắc lập Chương trình năm 2019, điều chỉnh Chương trình năm 2018, về cơ bản, Ủy ban Pháp luật tán thành với các nguyên tắc lập Chương trình năm 2019, điều chỉnh Chương trình năm 2018 đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ, đồng thời đề nghị bổ sung và nhấn mạnh một số nguyên tắc sau: Việc điều chỉnh Chương trình năm 2018 cơ bản không làm ảnh hưởng, thay đổi Chương trình đã được Quốc hội quyết định; chỉ cho rút, lùi thời gian trình để tiếp tục chuẩn bị đối với những dự án chưa bảo đảm chất lượng, tiến độ. Các dự án đã có trong chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 (cuối năm 2018) sẽ tiếp tục được đưa vào Chương trình để xem xét, thông qua trong năm 2019.
Việc đưa các dự án mới vào Chương trình cần tuân thủ các nguyên tắc: Ưu tiên đưa vào Chương trình các dự án để triển khai thực hiện các nghị quyết, kết luận của Hội nghị Trung ương, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các nghị quyết của Quốc hội; tiếp tục cụ thể hóa Hiến pháp; bảo đảm phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành; đáp ứng yêu cầu cấp thiết về phát triển kinh tế - xã hội. Những dự án được đưa vào Chương trình phải bảo đảm hồ sơ đáp ứng đầy đủ các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và có sự đồng thuận cao giữa cơ quan được giao chủ trì thẩm tra và cơ quan trình dự án. Việc đưa các dự án vào Chương trình phải tính đến quỹ thời gian, nguồn lực, khối lượng công việc thực hiện tại mỗi kỳ họp Quốc hội, đặc biệt coi trọng chất lượng, không chạy theo số lượng.
Trên cơ sở đề nghị của Chính phủ và sau khi thẩm tra, về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 sau khi điều chỉnh, Báo cáo thẩm tra đề nghị tại kỳ họp thứ 5, tiến hành trình Quốc hội thông qua 8 dự án luật và 1 dự thảo nghị quyết (trong đó có nhóm một luật sửa 11 luật); cho ý kiến 9 dự án luật (trong đó có nhóm một luật sửa 4 luật).
Tại kỳ họp thứ 6, trình Quốc hội thông qua 14 dự án luật (trong đó có 9 dự án luật đã được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5; 1 dự án - Luật Bảo vệ bí mật nhà nước đã được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4; 3 dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật có liên quan đến quy hoạch được xem xét, thông qua theo quy trình tại một kỳ họp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, nếu chuẩn bị tốt); cho ý kiến 5 dự án luật khác.
Bổ sung vào Chương trình năm 2018 dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về biểu thuế bảo vệ môi trường.
Các dự án khác do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định bổ sung khi đủ điều kiện.
Về dự kiến Chương trình năm 2019, Chính phủ đề nghị đưa 19 dự án luật vào Chương trình năm 2019, trong đó, tại kỳ họp thứ 7 thông qua 5 dự án luật, cho ý kiến 9 dự án luật. Tại kỳ họp thứ 8 thông qua 10 dự án luật (1 dự án luật được thông qua theo quy trình tại một kỳ họp), cho ý kiến 4 dự án luật.
Ủy ban Pháp luật đã có báo cáo cụ thể kết quả thẩm tra, trên cơ sở nội dung Chính phủ trình và ý kiến thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội, Ủy ban Pháp luật kiến nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 sẽ gồm 16 dự án luật và 1 dự thảo nghị quyết của Quốc hội. Cụ thể, tại kỳ họp thứ 7 trình Quốc hội thông qua 5 dự án luật (đã được cho ý kiến tại kỳ 6) và 1 dự thảo nghị quyết; cho ý kiến 8 dự án luật.
Tại kỳ họp thứ 8 trình Quốc hội thông qua 8 dự án luật (đã được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7); cho ý kiến 3 dự án luật (dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế Bảo vệ môi trường nếu chuẩn bị tốt sẽ được thông qua ngay tại kỳ họp thứ 8). Các dự án khác do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định bổ sung khi đủ điều kiện.
Về các dự án cần bổ sung vào Chương trình theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. Ông Nguyễn Khắc Định cho biết, hiện nay có ít nhất 08 dự án luật theo yêu cầu của Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) cần được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung và hoàn thành trong hai năm 2018 và 2019.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, Chính phủ mới có hồ sơ đề nghị về dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi); các dự án khác, Chính phủ và các cơ quan có trách nhiệm chưa chuẩn bị kịp hồ sơ đề xuất xây dựng dự án.
Bên cạnh đó, tại kỳ họp thứ 3, qua thảo luận tại Quốc hội về Chương trình năm 2018, đã có 30 dự án luật, 2 dự thảo nghị quyết được các đại biểu Quốc hội quan tâm, đề nghị sớm nghiên cứu, bổ sung vào Chương trình. Đến thời điểm này, có 1 nghị quyết đã được Quốc hội thông qua, 8 dự án đã được Chính phủ đề xuất đưa vào Chương trình năm 2018, 2019, 5 dự án đã được Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội yêu cầu sửa đổi.
Thảo luận tại Hội trường, các đại biểu đã nêu lên nhiều ý kiến đóng góp cụ thể đối với Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018. Một số đại biểu cho rằng, việc tổ chức lấy ý kiến góp ý vào một số dự thảo luật còn mang tính hình thức, việc tổng hợp ý kiến còn chưa đầy đủ, nhiều cơ quan được lấy ý kiến góp ý chưa thực hiện hết trách nhiệm, chỉ cho ý kiến vào nội dung liên quan đến cơ quan, ngành mình, còn những vấn đề khác là nêu quan điểm “cơ bản thống nhất”.
Đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) và một số đại biểu đề nghị Chính phủ, cơ soạn thảo, cơ quan thẩm tra quan tân khắc phục hạn chế nêu trên, tổ chức thực hiện nghiêm việc lấy ý kiến, theo đúng các quy trình, quy định theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, để nâng cao chất lượng, đảm bảo tính khả thi của các các dự án luật khi được ban hành.
Một số đại biểu bày tỏ băn khoăn khi việc việc xin rút, xin lùi các dự án luật theo chương trình vẫn còn diễn ra khá phổ biến; cho đây cũng là một trong những hạn chế trong công tác xây dựng pháp luật và cần được quan tâm khắc phục.
Theo Đại biểu Nguyễn Phước Lộc (TP. Hồ Chí Minh), tình trạng nay thì xin rút, mai xin lùi có xu hướng ngày càng gia tăng, cho thấy việc triển khai Nghị quyết xây dựng luật, pháp lệnh chưa nghiêm; đồng thời làm ảnh hưởng công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực liên quan. Đại biểu Nguyễn Phước Lộc đề nghị công tác pháp chế, công tác xây dựng pháp luật phải được quan tâm đầu tư đúng mức hơn. Tăng cường kỷ luật mạnh mẽ, chỉ đạo quyết liệt trong việc nâng cao chất lượng soạn thảo, ban hành văn bản pháp luật, tổ chức thi hành; chú ý lắng nghe ý kiến của nhân dân, nhất là đối tượng chịu tác động trực tiếp của luật; tăng cường năng lực dự báo và theo dõi thực hiện chính sách, đặc biệt là các chính sách có tác động lớn đến đời sống xã hội; kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, tránh tình trạng bị động khi triển khai chính sách pháp luật.
Đồng quan điểm trên, Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) nhận định, chất lượng xây dựng một số dự án luật vẫn chưa đáp ứng sự mong đợi của nhân dân, doanh nghiệp và yêu cầu phát triển trong điều kiện mới; đề nghị phải khắc phục được tình trạng nhiều dự án còn xa cuộc sống, những dự án luật chỉ mới đưa ra dự thảo ban đầu song đã nhận phải sự phản đối rất gay gắt của người dân dân.
Ngoài ra, nhiều đại biểu Quốc hội cũng bày tỏ băn khoăn về xu hướng xây dựng một luật nhưng phải sửa nhiều luật làm cho hệ thống pháp luật thiếu tính ổn định. Đồng thời, trong quá trình soạn thảo, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, người đứng đầu một số cơ quan chủ trì soạn thảo chưa dành nhiều thời gian để tham gia, vẫn chủ yếu giao cho cấp dưới thực hiện.
Nguyễn Hoàng