Báo cáo từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, năm 2018, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ của Việt Nam đạt 8,06 tỷ USD với mức tăng trưởng tới 30%.
Theo các chuyên gia, với việc nhiều sàn giao dịch thương mại điện tử ra đời, người tiêu dùng trực tuyến gia tăng đáng kể, các doanh nghiệp cần tận dụng kênh thương mại trực tuyến trong bán hàng và quan trọng hơn là trong xây dựng thương hiệu.
Cụ thể, trong thời kỳ kỷ nguyên số, phương thức quảng bá sẽ khác với phương thức truyền thống trước đây. Việc quảng bá sản phẩm lên các kênh online ngày càng phát triển, trong đó mạng xã hội như Facebook, Zalo, Google, Youtube… hay trên các nền tảng thương mại điện tử ngày càng đóng góp nhiều hơn vào sự nhận biết của khách hàng cho sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp.
Cũng theo dự báo của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), năm 2020, quy mô thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam có thể sẽ lên tới 13 tỷ USD; gần như 100% doanh nghiệp sử dụng các nền tảng hỗ trợ giao tiếp như Viber, Skype, Facebook Messenger, Zalo.
Ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Công ty Kantar Worldpanel chia biết, châu Á là khu vực “mobile-first” (ưu tiên cho di động) với lượng người dùng tương tác cao với điện thoại di động hơn các khu vực khác. Do vậy, châu Á là cái nôi phát triển thương mại điện tử hiện nay và sẽ còn tiếp tục tăng tốc, với tốc độ trung bình khoảng 7,3%/năm, cao nhất trong các khu vực.
Ngày nay, quá trình mua hàng của người tiêu dùng trở nên phức tạp hơn, chuyển đổi qua lại giữa mua hàng trực tiếp và trực tuyến. Do đó, marketing kết hợp với công nghệ (sử dụng trí tuệ nhân tạo) nhằm cải thiện trải nghiệm mua hàng, nâng cao tính cá nhân hóa, phát triển các dịch vụ giao hàng cũng như là sự mở rộng mô hình thay toán không tiền mặt, ví điện tử đang là xu hướng tiêu dùng mà doanh nghiệp Việt cần hướng tới và khai thác hiệu quả.
Bên cạnh đó, việc nắm bắt xu hướng và nhu cầu tiêu dùng cũng rất quan trọng, theo ông Hoàng, nhu cầu cho thực phẩm lành mạnh, những sản phẩm có bao bì rõ ràng, thành phần tự nhiên hay tốt cho sức khỏe sẽ ngày càng được ưa chuộng trong tương lai.
Trách nhiệm với các vấn đề cộng đồng sẽ phổ biến hơn trong những năm tới, đặc biệt khi môi trường ngày càng “kêu cứu”. Điều này tác động đến nhận thức và hành vi của người tiêu dùng (NTD) và xu hướng chọn lựa những thương hiệu hay nhà bán lẻ có trách nhiệm cộng đồng. Do đó, doanh nghiệp sản xuất cần phải chú ý xây dựng thương hiệu với các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Bên cạnh đó, trong xã hội hiện đại, do bận rộn, NTD đi mua sắm ít đi, nhưng khối lượng mỗi lần mua nhiều hơn. Đây sẽ là cơ hội để cung cấp gói dịch vụ giao hàng định kỳ cho họ đối với những hàng hóa thiết yếu.
Để đẩy mạnh xuất khẩu tới các thị trường trên thế giới, các doanh nghiệp Việt cũng có thể xuất khẩu trực tuyến thông qua Alibaba và Amazon…
Ông Nguyễn Xuân Thủy, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tận dụng cơ hội kinh doanh trực tuyến để thúc đẩy và phát triển thị trường. Cụ thể, đội ngũ Amazon Global Selling Việt Nam sẽ cung cấp kiến thức chuyên môn liên quan đến việc bán hàng trên trang Amazon cho các doanh nghiệp tiềm năng bao gồm tạo danh sách mặt hàng hoặc dịch vụ hoàn thiện đơn hàng bởi Amazon.
Trước đó, Amazon Global Selling và Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương (Vietrade) đã lựa chọn 100 doanh nghiệp Việt Nam tham gia chương trình “Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường thế giới với Amazon.com”.
Lê Anh