Đánh mạnh các băng nhóm "tín dụng đen" 

Cũng như nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, thời gian qua trên địa bàn tỉnh Quảng Trị cũng nổi lên hoạt động các đối tượng lợi dụng kinh doanh dịch vụ cầm đồ, công ty, cơ sở, đầu tư tài chính để cho vay nặng lãi và hoạt động tín dụng bất hợp pháp (tín dụng đen) với đặc trưng cơ bản là vay, cho vay không thông qua hệ thống ngân hàng hay tổ chức tín dụng và tổ chức huy động vốn trá hình.

Nhận định nhu cầu kinh doanh, tiêu dùng, vay tiền mặt của người dân ngày càng tăng, nhất là dịp cận Tết Nguyên đán 2019, do vậy hoạt động "tín dụng đen" ngấm ngầm phát triển với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi. Cuối tháng 12- 2018, UBND tỉnh Quảng Trị đã ra văn bản 5841, chỉ đạo các địa phương, đơn vị vào cuộc quyết liệt, tăng cường các biện pháp xử lý, "đánh mạnh" hoạt động phạm pháp này.

Bị can Nhàn khai báo vụ vỡ nợ lớn nhất từ trước đến nay tại Quảng Trị (Ảnh: nguồn CA Quảng Trị).

Theo thống kê chưa đầy đủ đến đầu năm 2019, trên địa bàn Quảng Trị có 11 công ty  tài chính, 14 cơ sở và gần 140 cá nhân hoạt động cho vay lãi suất cao. Thủ đoạn hoạt động của nhóm đối tượng là "đánh" vào tâm lý hám lợi của người dân để huy động vốn với số lượng lớn rồi bỏ trốn nhằm chiếm đoạt tài sản hoặc dưới danh nghĩa cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, cơ sở, công ty đầu tư tài chính để cho vay dưới hình thức thế chấp tài sản. Nhìn lại khoảng thời gian vài năm lại đây, Quảng Trị đã xảy ra vài vụ vỡ nợ cực lớn, chủ yếu dưới hình thức huy động vốn, vay lãi suất cao, ảnh hưởng đến nghiêm trọng đến tình hình ANTT mà khi nhắc đến nhiều người chỉ biết nghẹn đắng. 

Vụ vỡ nợ mới đây nhất gây chấn động dư luận khi số tiền lên đến hơn 400 tỷ đồng, liên quan đối tượng Trần Thị Nhàn (1986, trú tại P. Đông Lương, TP Đông Hà). Sau một thời gian tiếp nhận đơn tố giác tội phạm và tiến hành điều tra, đầu tháng 11- 2018, Cơ quan CSĐT, CA Quảng Trị đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối với Nhàn để làm rõ hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Tại CQĐT, Nhàn bước đầu khai nhận đã đưa ra thông tin gian dối, vận động nhiều người cho vay với lãi suất cao hoặc dưới hình thức vay đáo hạn ngân hàng nhưng không thực  hiện khiến hơn 20 người sập bẫy với số tiền hàng trăm tỷ đồng. Trong đó, có một số người cho Nhàn vay số tiền cực lớn, chỉ tính riêng 4 đơn tố giác với số tiền lên đến hơn 290 tỷ đồng. Tuy nhiên, số tiền nào là quan hệ dân sự, số tiền nào bị xử lý trách nhiệm hình sự thì CA phải điều tra, sàng lọc kỹ. Nhưng có một điều hiển nhiên ai cũng nghĩ tới, chính là cái kết của các cuộc vỡ nợ thì đều giống nhau, khả năng bị hại được thanh toán là rất mong manh.

Lùi lại 7 năm trước, vụ vỡ nợ hơn 40 tỷ đồng của vợ chồng đại gia gỗ Cao Xuân Thiện- Nguyễn Thị Lan Anh cũng đã làm bao gia đình tại Quảng Trị lao đao, đến bước khốn cùng. Vợ chồng này vốn giữ các vị trí Chủ tịch HĐQT và Giám đốc Cty CP Thái Bảo (TP Đông Hà), do kinh doanh gỗ thua lỗ đã vay mượn khắp nơi, có khoản thế chấp tài sản, có khoản vay cá nhân trả lãi suất cao 2 đến 6%/tháng. Đến khi vỡ nợ hàng chục tỷ đồng, không còn khả năng chi trả, Cao Xuân Thiện và Lan Anh đã lén lút tự ý bán lô gỗ được thế chấp tại Ngân hàng trị giá hơn 29 tỷ đồng. Tháng 7- 2011, Cao Xuân Thiện bỏ trốn biệt tăm sang Lào, đến ngày 22- 4-2013 thì về Quảng Trị đầu thú. Trong thời gian chồng bỏ trốn, Lan Anh đã bị đưa ra xét xử, bản án sơ thẩm tuyên phạt đối tượng 12 năm tù về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản". Phiên xét xử sơ thẩm đối với Cao Xuân Thiện diễn ra vào tháng 2 - 2014. Tại phiên tòa này, nhiều bị hại là cá nhân uất nghẹn khi trình bày. Tài sản họ cho vay bao gồm tiền mặt, ngoại tệ, cả vàng. Có người đã cầm sổ đỏ thế chấp để lấy tiền đưa cho vợ chồng Cao Xuân Thiện, nay lâm cảnh khốn đốn. Khép lại phiên tòa, đối tượng Thiện cũng nối gót vợ vào trại giam với bản án hơn 10 năm tù. "Biết khi mô mà đòi được tiền đây", có tiếng nấc lên nghiệt ngã. Một vụ huy động vốn lãi suất cao dẫn đến vỡ nợ khác xảy ra tại địa bàn Quảng Trị vào giữa năm 2017 với số tiền gần 50 tỷ đồng hiện cũng đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ, bước đầu CQĐT đã khởi tố 1 đối tượng nữ về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Ngoài những vụ vỡ nợ, thực tế cho thấy các đối tượng cho vay nặng lãi lừa dân vay lãi suất cao, khi người vay không có khả năng chi trả, đối tượng sẽ sử dụng băng nhóm, đối tượng hình sự, nghiện ma túy để siết nợ, đe dọa. Để ngăn chặn tình trạng trên, UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu Giám đốc các Sở, thủ trưởng các ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị, thành phố tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức cán bộ, công nhân viên và nhân dân; không trực tiếp tham gia hoạt động cho vay nặng lãi, không lợi dụng kinh doanh dịch vụ cầm đồ để vi phạm pháp luật. Đối với cơ quan CA, giữ vai trò nòng cốt trong công tác phòng chống được yêu cầu nắm chắc, bám chặt tình hình để kịp thời phát hiện đấu tranh, triệt phá các băng nhóm, đối tượng hoạt động cho vay nặng lãi; nhóm tội phạm có biểu hiện bảo kê, đòi nợ. Siết chặt, xử lý nghiêm đối với các cơ sở cầm đồ, kiến nghị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nếu dính "tín dụng đen"...

Cũng theo chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Trị, Ủy ban MTTQVN tỉnh và các tổ chức chính trị, xã hội thực hiện vai trò giám sát từ địa bàn khu dân cư, vận động nhân dân  giám sát, tố  giác tổ chức, cá nhân liên quan "tín dụng đen", cho vay nặng lãi. Đồng thời, các đơn vị, cơ quan thông tin đến người dân về hoạt động vay vốn ưu đãi, quỹ hỗ trợ của Nhà nước để kịp thời tiếp cận nguồn vốn vay, tránh dính bẫy.

Bảo Hà

440 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 950
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 950
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76837692