|
Hình ảnh tại hội thảo (Ảnh: M.P) |
Sáng 22/12, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo công bố báo cáo Hành trình chuyển đổi: Vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong cung cấp dịch vụ công tại Việt Nam.
Đây là báo cáo đầu tiên của VCCI về chủ đề này và sẽ được thực hiện thường xuyên trong các năm tới.
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, thực tế đã cho thấy, nhiều dịch vụ nếu chỉ có đơn vị nhà nước cung cấp thì khả năng cạnh tranh kém đi rất nhiều. Trong khi hiện nay, nhiều trường học, bệnh viện, rạp chiếu phim, siêu thị, công chứng… được tư nhân tham gia đã thu hút được số lượng lớn người tiêu dùng.
TS Vũ Tiến Lộc đưa dẫn chứng cho nhận định này: tại Việt Nam, doanh nghiệp tư nhân hiện nay còn làm dịch vụ mà trước đây tưởng rằng chỉ nhà nước thực hiện như hàng không, nghiên cứu y học, thu phí tự động không dừng trong giao thông, kiểm tra giám định hàng hóa, trọng tài giải quyết tranh chấp thi hành án dân sự….
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho biết, trong khuôn khổ nghiên cứu này, các đơn vị cung cấp dịch vụ đánh giá sự phù hợp tham gia vào khảo sát gồm ba nhóm: doanh nghiệp tư nhân trong nước và các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam chiếm đến khoảng 42% số nhà cung cấp và xấp xỉ 30% thị phần; doanh nghiệp nước ngoài chiếm tỷ trọng khoảng 7% về số lượng và 26% về thị phần; đơn vị nhà nước (bao gồm các đơn vị công lập của trung ương, đơn vị sự nghiệp của địa phương và các đơn vị thuộc doanh nghiệp nhà nước (DNNN)) chiếm xấp xỉ 51% số lượng và 44% thị phần.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Chứng nhận và giám định VinaCert cho biết, 15 năm qua, doanh nghiệp tư nhân đã tham gia sâu hơn vào vào các dịch vụ công nhận, chứng nhận. Chẳng hạn, đến nay, hoạt động chứng nhận có 100 tổ chức tư nhân tham gia, hoạt động kiểm định có 5 tổ chức, hoạt động giám định 70 tổ chức…
Tuy nhiên, kết quả trên vẫn còn khiêm tốn, bởi các chuyên gia tại hội thảo đặt ra lo ngại về tình trạng độc quyền trong một số dịch vụ, khu vực công do tư nhân cung cấp, dẫn đến những tiêu cực về giá cả hàng hóa, chất lượng hoặc không minh bạch trong đấu thầu…
Chính vì thế, khảo sát của VCCI cho thấy, 57% doanh nghiệp tư nhân được hỏi hoàn toàn ủng hộ Nhà nước chuyển giao thực hiện dịch vụ công cho tư nhân, 42% ủng hộ nhưng còn quan ngại.
Những quan ngại trên của doanh nghiệp được báo cáo của VCCI lý giải, trong hơn 20 năm qua, các pháp luật của Nhà nước đều đã có chủ trương thu hút tư nhân cung ứng dịch vụ công nhưng vẫn chưa đủ.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, Nhà nước chưa có chủ trương chuyển giao toàn bộ cho tư nhân, khó thực hiện nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng.
“Có xung đột lợi ích khi Nhà nước vừa quản lý, vừa cung cấp dịch vụ. Bên cạnh đó còn tình trạng “sân sau” giữa doanh nghiệp tư nhân và quan chức”, ông Tuấn nhận định.
Hiện theo Nghị định 94/2017/NĐ-CP của Chính phủ, có 20 hàng hóa, dịch vụ độc quyền nhà nước như: sản xuất vàng miếng, tiền, xổ số, them bưu chính, pháo hoa, hạ tầng đường sắt, an toàn hàng không, truyền tải điện…
Ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, về lý thuyết theo Nghị định trên, toàn bộ các dịch vụ còn lại tư nhân đều có thể tham gia cung cấp, nhưng thực tế sự tham gia của tư nhân lại chịu nhiều hạn chế.
Ví dụ, dịch vụ kinh doanh vũ khí, quân trang, quân dụng chưa có quy định; dịch vụ khai thác than, dự án hạ tầng lớn (sân bay, đường bộ, bến cảng…) bị hạn chế do phải xin phép từng dự án…
Ngoài ra, doanh nghiệp tư nhân tham gia cung ứng dịch vụ công còn phải chịu nhiều rào cản trong gia nhập thị trường như quá nhiều giấy phép con, nhiều thanh kiểm tra do chồng chéo nhiều cơ quan chủ quản…
Từ những thực trạng này, TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, Nhà nước thay vì là “người chèo đò”, cần chuyển sang là “người lái đò”. Nhà nước nên làm luật chơi, “sân chơi” và là trọng tài cho các doanh nghiệp tư nhân hơn là trực tiếp làm dịch vụ công.
Theo ông Lộc, nói như trên có nghĩa là Nhà nước chỉ nên đứng ra để đảm bảo năng lực của các doanh nghiệp, chống độc quyền, chống tình trạng “sân sau”, bảo đảm an toàn dịch vụ, thúc đẩy cạnh tranh… cũng như đưa ra các điều kiện, quy chuẩn, tiêu chuẩn để làm chuẩn mực cho tư nhân cung ứng dịch vụ công.
Trong đó, vị Chủ tịch VCCI cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc thực thi Luật Đầu tư công mới đây đã được Quốc hội thông qua. Luật này sẽ giúp huy động không chỉ nguồn tài chính mà còn huy động trí tuệ, nhân lực… của tư nhân để nhanh chóng hoàn thiện, nâng cấp cơ sở hạ tầng cho sự phát triển kinh tế - xã hội.