Hình ảnh tại hội thảo (Ảnh: M.P)

Đó là thông tin được Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đưa ra tại Hội thảo "Đánh giá tác động của việc tăng thuế VAT lên tổng thể nền kinh tế và phúc lợi hộ gia đình" tại Hà Nội sáng 28/6.

Theo đánh giá của VEPR, trong những năm gần đây, ngân sách của Việt Nam đã dựa rất nhiều vào các loại thuế tiêu dùng. Các loại thuế tiêu dùng của Việt Nam gồm có VAT, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường và thuế tiêu thụ đặc biệt. Năm 2016, số thu của thuế tiêu dùng trên tổng số thu thuế là gần 70%. Trong khi đó, tổng số thu của thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN), thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế sử dụng đất nông nghiệp, phí môn bài và lệ phí trước bạ chỉ chiếm trên 30% tổng số thu thuế (2016). So với các nước ASEAN 5, năm 2014, tỷ trọng thuế trực thu trong tổng số thu thuế của Việt Nam và Thái Lan là thấp nhất. Và ngược lại, tỷ trọng thuế gián thu trong tổng số thu thuế của hai nước này là cao nhất. Tỷ trọng thuế trực thu và thuế gián thu trong tổng số thu thuế của Việt Nam năm 2016 đã bằng với các tỷ lệ này của nhóm nước có thu nhập trung bình năm 2014. Ngược lại với các nước OECD, tỷ trọng thuế trực thu của các nước này thường chiếm trên 55% và tỷ trọng thuế gián thu thường chiếm dưới 45% trong giai đoạn 2006-2016.

Tại buổi hội thảo, VEPR đã công bố nghiên cứu “Tác động của tăng thuế giá trị gia tăng đến tổng thể nền kinh tế và phúc lợi hộ gia đình”. Theo đó, dự báo tác động tăng thuế VAT theo hai kịch bản hay phương án.

Phương án 1: Tăng thuế ở mức 1,2 lần. Theo phương án này, thuế VAT sẽ được điều chỉnh tương ứng với các nhóm mặt hàng. Cụ thể, các mặt hàng đang chịu thuế VAT 5% sẽ chịu thuế 6%; Các mặt hàng đang chịu thuế VAT 10% sẽ chịu thuế 12%; Các mặt hàng không chịu thuế VAT (thuế suất 0%) vẫn được miễn thuế.

Phương án 2: Áp dụng mức thuế 10% cho tất cả các mặt hàng (ngoại trừ các mặt hàng đang được miễn thuế). Như vậy, các mặt hàng đang chịu thuế VAT 5% sẽ chịu thuế 10% và các mặt hàng đang chịu thuế VAT 0% và 10% thì không điều chỉnh.

Đánh giá những tác động của việc tăng thuế VAT, ông Nguyễn Đức Thành Viện trưởng VEPR cho rằng, tăng thuế không làm tăng sản lượng thực của nền kinh tế và làm giảm phúc lợi của tất cả các hộ gia đình. Thậm chí, nếu tiền thuế tăng thêm lại được Chính phủ đưa vào chi thường xuyên mà không chi đầu tư phát triển sẽ làm cho sản lượng thực của nền kinh tế giảm.

Ông Thành cho rằng, Bộ Tài chính có thể nghĩ đến các giải pháp như cải thiện hiệu quả thu thuế nhằm giảm gian lận thuế để làm tăng nguồn thu. Trong trường hợp Chính phủ vẫn cần phải tăng thuế để bù đắp cho thâm hụt và giảm nợ công, Chính phủ nên nghĩ đến việc cải cách lại các loại thuế tài sản.

“Một điểm đáng lưu tâm hơn, các đề xuất tăng thuế gần đây luôn bị công luận phản đối rất mạnh. Do đó, trước khi tăng thuế Chính phủ phải thuyết phục được người dân về tính hợp lý của các khoản chi tiêu chính phủ. Minh bạch và trách nhiệm giải trình trong thu chi ngân sách cần phải được nâng cao hơn và theo kịp với chuẩn mực quốc tế trước khi đưa ra các đề xuất tăng thuế”. Ông Thành khuyến nghị./.

 

Minh Phương