Đánh giá lại quy mô GDP là cần thiết, đảm bảo thông lệ quốc tế 

(ĐCSVN) – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm thông tin, quy mô GDP đánh giá lại bình quân giai đoạn 2010-2017 tăng thêm 25,4%/năm so với số liệu đã công bố.

 

Ảnh minh họa

Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã hoàn thành việc đánh giá lại quy mô GDP. Theo đó, hiện kết quả đánh giá này đã được Tổng cục Thống kê  báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Tổng cục Thống kê cho biết, quy mô GDP thay đổi dẫn đến các chỉ tiêu kinh tế tổng hợp có liên quan tới chỉ tiêu GDP cũng thay đổi, bao gồm chỉ tiêu về tích lũy tài sản; tiêu dùng cuối cùng; tổng thu nhập quốc gia (GNI); tổng sản phẩm trong nước bình quân đầu người; tỷ lệ vốn đầu tư so với tổng sản phẩm trong nước; hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (hệ số ICOR); tỷ lệ thu ngân sách nhà nước so với GDP; tỷ lệ thuế trừ trợ cấp sản phẩm so với GDP; tỷ lệ chi ngân sách nhà nước so với GDP; tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước so với GDP; tỷ lệ dư nợ công so với GDP; năng suất nhân tố tổng hợp (TFP).

Tổng cục Thống kê khẳng định, việc đánh giá lại quy mô GDP không phải là cách tính mới và cũng không phải là lần đầu tiên cơ quan này thực hiện.

Thực tế năm 2013, Tổng cục Thống kê đã đánh giá lại quy mô GDP giai đoạn 2008 – 2012, trong đó tập trung các ngành như ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản…

Việc thực hiện đánh giá lại quy mô GDP là cần thiết, nhằm đảm bảo thông lệ quốc tế, cũng như phản ánh đầy đủ về quy mô và so sánh quốc tế. Đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021 – 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021 – 2025.

GDP Việt Nam năm 2017 ước tính tăng 6,81% so với năm 2016, với quy mô nền kinh tế theo giá hiện hành vượt trên 220 tỉ USD, GDP bình quân đầu người là 2.385 USD/người.

Năm 2010 GDP tăng 6,78% so với năm 2009, với quy mô GDP là 116 tỉ USD, GDP bình quân đầu người đạt 1.160 USD/người.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Bích Lâm khẳng định đánh giá lại quy mô GDP không phải là “cách tính mới”. Thực tế, có 3 phương pháp dùng để biên soạn chỉ tiêu thống kê tổng sản phẩm trong nước (GDP): phương pháp sản xuất, phương pháp sử dụng và phương pháp thu nhập. Hiện nay, Tổng cục Thống kê đang sử 3 phương pháp này trong biên soạn GDP. Hàng quý Tổng cục Thống kê dùng phương pháp sản xuất và phương pháp sử dụng và 5 năm sử dụng phương pháp thu nhập.

Hiện nay, Tổng cục Thống kê đang tiến hành “đánh giá lại quy mô GDP”, đây là nhiệm vụ thường xuyên và định kỳ của bất kỳ một cơ quan thống kê quốc gia nào trên thế giới. Đánh giá lại quy mô GDP được thực hiện theo phương pháp sản xuất, vì vậy không phải là cách tính mới.

Việc rà soát, đánh giá lại quy mô GDP dựa trên phương pháp luận do cơ quan thống kê Liên hợp quốc khuyến nghị, xuất phát từ nguồn thông tin phản ánh đầy đủ kết quả sản xuất kinh doanh của nền kinh tế, hoàn toàn không có sự thay đổi về phương pháp tính. Tổng cục Thống kê khẳng định cách tính GDP của Việt Nam hiện nay theo đúng thông lệ quốc tế.

Đây không phải là lần đầu tiên Tổng cục Thống kê tiến hành đánh giá lại quy mô GDP của Việt Nam. Năm 2013, Tổng cục Thống kê đã thực hiện đánh giá lại quy mô GDP cho giai đoạn 2008-2012, trong đó tập trung đánh giá lại ngành ngân hàng, tài chính, bảo hiểm và kinh doanh bất động sản (hoạt động nhà ở tự ở, tự có); thay đổi phân ngành kinh tế từ hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân năm 1993 sang hệ thống phân ngành kinh tế Việt Nam năm 2007.

Tham khảo kinh nghiệm quốc tế, Tổng cục Thống kê cho hay, hầu hết các quốc gia có năng lực thống kê tốt đều tiến hành rà soát, đánh giá lại quy mô GDP thường xuyên và định kỳ. Từ 2010 đến nay, Mỹ, Trung Quốc, Canada, Đức, Nga, Italia, Croatia, Indonesia,... đã tiến hành điều chỉnh, công bố lại quy mô GDP và các chỉ tiêu vĩ mô khác có liên quan.

Cuối tháng 7/2013, Mỹ công bố kết quả đánh giá lại quy mô GDP năm 2012 tăng thêm 560 tỷ USD, tăng 3,6% so với số liệu đã công bố. Trung Quốc cũng nhiều lần tiến hành đánh giá lại quy mô GDP (năm 2004, 2008, 2013 và 2015), trong đó năm 2013 đã bổ sung khoảng 305 tỷ USD vào quy mô GDP, tương đương tăng thêm 3,4%; năm 2015 tiếp tục bổ sung 141 tỷ USD vào quy mô GDP, tương đương tăng thêm 1,3%.

Năm 2013, GDP của Nga được đánh giá lại tăng 24,3%; Đức tăng 3%; Italia tăng 7%. Năm 2014, GDP của Bulgari đánh giá lại tăng 31,2%; Rumani và Croatia tăng 28,4%.../.

Lê Anh

280 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 417
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 417
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 86339355