|
Ảnh minh họa. (Ảnh: ML) |
Tính đến nay, cả nước đã đầu tư xây dựng được nhiều công trình thuỷ lợi với quy mô khác nhau, hình thành cơ sở hạ tầng rất quan trọng phục vụ sản xuất, dân sinh và các ngành kinh tế. Đồng thời, các cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi, nhiều địa phương đã có cố gắng trong việc phát huy nhiệm vụ của các công trình thuỷ lợi, phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân, góp phần cải tạo môi trường, phòng, chống thiên tai.
Tuy nhiên, ở một số nơi, công tác quản lý, khai thác công trình thủy lợi còn hạn chế; mô hình tổ chức khai thác chưa phù hợp, tư duy trong lĩnh vực chậm đổi mới. Công trình có nguy cơ bị xuống cấp, mất an toàn, phát huy hiệu quả chưa cao.
Luật Thủy lợi được Quốc hội thông qua ngày 19/6/2017, có hiệu lực từ ngày 1/7/2018 cùng với các Nghị định, Thông tư và văn bản có liên quan hướng dẫn thi hành Luật Thủy lợi đã được ban hành. Bên cạnh đó, hệ thống văn bản thực hiện Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, trong đó có tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi; các quy định liên quan về giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước, trong đó có sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi đã được ban hành mới, thay thế hệ thống văn bản pháp luật cũ.
Để các nội dung quy định của pháp luật về thủy lợi được triển khai hiệu quả trong thực tiễn, bảo đảm các công trình thuỷ lợi an toàn, phát huy cao hiệu quả phục vụ sản xuất, dân sinh và các ngành kinh tế khác, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở NN&PTNT, cơ quan, đơn vị có liên quan chủ trì tổ chức thực hiện củng cố, kiện toàn Chi cục Thuỷ lợi thông qua tăng cường nguồn lực, phương tiện, trang thiết bị làm việc, tạo điều kiện cho các Chi cục Thuỷ lợi thực hiện tốt chức năng tham mưu giúp Sở NN&PTNT quản lý nhà nước về công tác thuỷ lợi.
Tổ chức điều tra, rà soát, đánh giá lại năng lực, hiệu quả khai thác của các công trình thuỷ lợi trên địa bàn. Trên cơ sở đó đề xuất kế hoạch đầu tư, sửa chữa nâng cấp, bảo đảm an toàn, từng bước hiện đại hóa nhằm phát huy hiệu quả công trình thủy lợi. Chỉ đạo, đẩy mạnh thực hiện các lớp tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực, nhận thức cho cán bộ, công nhân khai thác công trình thủy lợi. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông nâng cao nhận thức người dân trong quản lý, khai thác, bảo vệ công trình thủy lợi, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.
Đối với các chủ thể khai thác công trình thuỷ lợi, cần xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các nội dung theo quy định của Luật Thủy lợi, các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Thủy lợi và văn bản pháp luật có liên quan. Chủ động đổi mới, kiện toàn tổ chức hoạt động, bảo đảm tinh gọn, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu năng lực theo quy định.
Đồng thời, đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ, từng bước hiện đại hóa công tác quản lý, khai thác; nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, ứng phó hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, lũ, ngập lụt, úng. Bảo đảm an toàn công trình, phục vụ sản xuất, dân sinh hiệu quả./.