Đánh giá lại GDP phản ánh sát thực hơn nền kinh tế 

(ĐCSVN) – Đó chính là khẳng định được nêu ra tại họp báo công bố số liệu đánh giá lại quy mô GDP giai đoạn 2010-2017. Họp báo do Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, ngày 13/12, tại Hà Nội.

 

Tại họp báo, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cũng khẳng định: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) là chỉ tiêu kinh tế vĩ mô quan trọng, bên cạnh việc phản ánh kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, phản ánh quy mô và tốc độ phát triển của nền kinh tế, GDP còn dùng để biên soạn các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác có liên quan, phản ánh chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế và tính toán các chỉ tiêu đòn bẩy như tỷ lệ huy động thuế vào ngân sách so với GDP, bội chi ngân sách so với GDP... Những chỉ tiêu kinh tế vĩ mô này giúp Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đề ra các chính sách, giải pháp phát triển đất nước. Vì vậy, Tổng cục Thống kê có trách nhiệm phải rà soát, đánh giá lại theo phương pháp và thông lệ quốc tế nhằm phản ánh sát thực hơn quy mô GDP của nền kinh tế.

 Họp báo diễn ra tại trụ sở Tổng cục Thống kê, Hà Nội (Ảnh: HNV).

Đánh giá lại quy mô GDP là việc làm định kỳ, theo thông lệ quốc tế

Trong quá trình biên soạn chỉ tiêu GDP ở bất cứ quốc gia nào luôn có những vấn đề phát sinh cần phải rà soát, đánh giá lại cả trong ngắn hạn và trong dài hạn. Cơ quan Thống kê Liên hợp quốc đưa ra ba vòng đánh giá lại số liệu GDP nhằm xử lý những bất cập nảy sinh trong quá trình biên soạn số liệu. Ba vòng đánh giá lại được thực hiện một phần hay toàn bộ phụ thuộc vào khả năng thực hiện của cơ quan Thống kê và thực tiễn tổ chức, quản lý hoạt động kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia.

Mặc dù nguồn thông tin thống kê dùng để biên soạn chỉ tiêu GDP của Việt Nam ngày càng được cải thiện, đáp ứng yêu cầu tốt hơn nhưng vẫn chưa đầy đủ để đánh giá sát thực quy mô của nền kinh tế. Sự phát triển mạnh mẽ của khu vực kinh tế ngoài nhà nước chưa được phản ánh kịp thời và đầy đủ trong dữ liệu của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan. Trong điều tra thống kê - nguồn thông tin chủ yếu và quan trọng của cơ quan Thống kê, điều tra mẫu hàng năm phản ánh được xu hướng phát triển của từng ngành, từng lĩnh vực nhưng chưa phản ánh đầy đủ, toàn diện về quy mô giá trị tăng thêm của các ngành kinh tế và quy mô GDP toàn bộ nền kinh tế. Phương pháp thu thập thông tin thống kê truyền thống và những hạn chế, bất cập trong chia sẻ thông tin từ hồ sơ hành chính giữa các bộ, ngành và cơ quan quản lý các cấp dẫn đến số liệu thống kê chưa phản ánh kịp thời sự thay đổi về quy mô và tình hình kinh tế - xã hội hàng năm. Do đó, theo thông lệ thống kê quốc tế, khi có nguồn thông tin đầy đủ, toàn diện từ các cuộc Tổng điều tra, từ hồ sơ hành chính, các cơ quan Thống kê quốc gia sẽ thực hiện đánh giá lại quy mô GDP.

 Biểu số liệu Quy mô tổng sản phẩm trong nước theo giá hiện hành (Nguồn: TCTK)

Cũng theo ông Lâm, đây là thời điểm phù hợp để đánh giá lại quy mô GDP vì Thống kê Việt Nam đang từng bước chuyển đổi từ Hệ thống tài khoản quốc gia (SNA) 1993 sang SNA 2008 theo khuyến nghị của cơ quan Thống kê Liên hợp quốc; cập nhật Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam 2018, Hệ thống ngành sản phẩm Việt Nam 2018. Đồng thời,Tổng cục Thống kê đã hoàn thành và công bố kết quả của hai cuộc Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2011 và năm 2016, Tổng điều tra kinh tế năm 2012 và năm 2017. Qua việc tăng cường công tác phối hợp, chia sẻ thông tin giữa Tổng cục Thống kê và các bộ, ngành, đến nay Tổng cục Thống kê đã trực tiếp ký Quy chế phối hợp với nhiều Bộ, ngành, trong đó thực hiện chia sẻ thông tin với Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, từ đó cập nhật đầy đủ và chi tiết hơn thông tin doanh nghiệp và các đơn vị sản xuất trên phạm vi cả nước. Trong bối cảnh Việt Nam đang xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, việc đánh giá lại quy mô GDP vào thời điểm này theo đúng thông lệ quốc tế và có ý nghĩa quan trọng, làm căn cứ đưa ra những định hướng đúng cho phát triển đất nước trong 10 năm tới và cụ thể hóa cho giai đoạn 5 năm 2021-2025.

Báo cáo về kết quả triển khai rà soát, đánh giá lại GDP lần này của Tổng cục Thống kê nêu rõ: Thực hiện đánh giá lại quy mô GDP chỉ xem xét, rà soát các hoạt động kinh tế thuộc phạm vi sản xuất theo quy định của Việt Nam, không đề cập tới các hoạt động kinh tế ngầm và kinh tế bất hợp pháp.

Thông tin thống kê sử dụng để đánh giá lại quy mô GDP của Việt Nam chủ yếu dựa vào Tổng điều tra và hồ sơ hành chính của các Bộ, ngành địa phương. Trong giai đoạn 2010-2017, Tổng cục Thống kê thực hiện Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2011 và năm 2016, Tổng điều tra kinh tế năm 2012 và năm 2017. Đồng thời, công tác chia sẻ thông tin giữa Tổng cục Thống kê với các Bộ, ngành ngày càng tốt hơn đã giúp thu thập được thông tin từ nguồn dữ liệu hành chính của các Bộ, ngành.

Quy mô GDP đánh giá lại theo giá hiện hành tăng bình quân 25,4% giai đoạn 2010-2017

 Một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô theo đánh giá lại GDP (Ảnh: TCTK

Cũng tại họp báo, Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm cho biết, quy mô GDP đánh giá lại của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành tăng bình quân 25,4%/năm giai đoạn 2010-2017, tương ứng tăng 935 nghìn tỷ đồng/năm, trong đó năm 2011 có tỷ lệ tăng cao nhất với 27,3% và năm 2015 có tỷ lệ tăng thấp nhất là 23,8% .

Chia sẻ tại họp báo, ông Kamal Malhotra, Điều phối viên của Liên hợp quốc tại Việt Nam cho rằng, Tổng cục Thống kê đánh giá lại quy mô GDP hoàn toàn phù hợp với thông lệ thống kê quốc tế. Tổng cục Thống kê đã tiến hành rất nhiều cuộc điều tra về các hoạt động kinh tế, hộ gia đình để đảm bảo nắm bắt được kết quả các hoạt động, đặc biệt là các hoạt động mới xuất hiện, các hoạt động sản xuất kinh doanh vừa và nhỏ và thực hiện rà soát trong đợt điều chỉnh lần này.

Ông Kamal Malhotra nhấn mạnh, trong quá trình biên soạn GDP, ngoài những nguyên nhân chủ quan trong hoạt động thống kê dẫn đến phạm vi tính toán chưa đầy đủ còn có những nguyên nhân như: sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước chưa chặt chẽ và thống nhất; ý thức hợp tác của các đối tượng cung cấp thông tin còn kém; sự thay đổi và biến động nhanh về hoạt động của các tổ chức kinh tế của khu vực trong nước…

Sau khi đánh giá lại quy mô GDP, số liệu thống kê của Việt Nam sẽ tốt hơn, cung cấp một bức tranh tổng thể sát thực hơn, rõ ràng hơn về những gì đang diễn ra trong nền kinh tế và trở thành thông tin đầu vào hữu ích cho Chính phủ, các nhà đầu tư và người dùng tin.

Ông Jonathan Pincus, cố vấn kinh tế cao cấp của UNDP nhấn mạnh, điều đặc biệt quan trọng giúp người dùng tin hiểu được lý do của việc đánh giá lại quy mô GDP là công việc bình thường cần làm trong biên soạn tài khoản quốc gia và Tổng cục Thống kê cần có kế hoạch cho việc đánh giá lại quy mô GDP, trong đó việc sửa đổi, điều chỉnh phải minh bạch và có thời hạn cụ thể để người sử dụng thông tin biết.

Có thể thấy, kinh tế Việt Nam từ năm 2010 đến nay có nhiều chuyển biến, cơ cấu kinh tế chuyển dịch khá nhanh cùng với sự phát triển mạnh mẽ cả về quy mô và tốc độ.

Mục đích sử dụng kết quả đánh giá lại quy mô GDP: (1) Đánh giá đúng bức tranh, năng lực của nền kinh tế, đánh giá hiệu quả các chính sách kinh tế; (2) Dùng để xây dựng các mục tiêu trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021-2025; (3) Không dùng để đánh giá mức độ hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 và các kỳ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015 và giai đoạn 2016-2020./. 

 

 
Song Minh
275 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1011
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1011
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87131537