Đánh giá kỹ hiệu quả của việc sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu 

(ĐCSVN) – Đây là vấn đề được đặt ra tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Giá (sửa đổi), chiều ngày 19/9.

 

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, phạm vi sửa đổi của Luật Giá này thì rất rộng và có ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tới nhiều ngành, nhiều lĩnh vực trên phạm vi cả nước và liên quan đến rất nhiều các luật trước đây và cũng như các luật sẽ sửa đổi trong thời gian sắp tới, ví như Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, doanh nghiệp, đấu thầu, bảo vệ người tiêu dùng. Vì vậy, việc xử lý mâu thuẫn chồng chéo giữa Luật Giá này với các luật vừa kể trên cần phải rà soát để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. 

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế cũng cho rằng cần phải rà soát kỹ, thận trọng và thuyết minh thuyết phục hơn đối với từng hàng hóa, dịch vụ đưa vào danh mục. 

“Ở đây chỉ đưa vào có 2 loại nhưng loại bỏ ra 14 loại, còn có những trường hợp nào khác mà chưa đưa vào hay không để bảo đảm tính bao quát, tính hợp lý, tính dự báo?”, ông Thanh đặt vấn đề. Đồng thời, bày tỏ băn khoăn trường hợp áp dụng bình ổn giá, cơ chế xử lý trong trường hợp khẩn cấp thì xử lý như thế nào để bảo đảm các nguyên tắc về các biện pháp chủ yếu để bình ổn giá, điều hòa cung cầu, điều hòa sản xuất trong nước, xuất nhập khẩu, tổ chức lưu thông hàng hóa, áp dụng các giải pháp tài chính, tiền tệ?.

 Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Ảnh: QH.

Liên quan đến Quỹ bình ổn giá xăng, dầu, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế nhấn mạnh, phải đánh giá hiệu quả của việc sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu trong thời gian vừa qua như thế nào?. Theo Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh, có rất nhiều doanh nghiệp đã phản ánh là sự điều hành chưa linh hoạt và tác động để giá xăng, dầu của chúng ta bám sát với giá thị trường song tính tích cực ở đây cũng chưa được cao. Mặc dù thời gian công bố giá đã kéo xuống chỉ còn 10 ngày, nhưng thời gian để công bố giá có thể kéo thấp xuống hơn thì mới linh hoạt và bám sát được yêu cầu của thị trường. 

Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị cần phải tổng kết kỹ tác dụng của Quỹ bình ổn giá xăng, dầu trong các đợt tăng giá xăng dầu thời gian vừa qua, tổng kết kỹ về tổ chức, về hoạt động, về đánh giá tác động của quỹ trong các đợt tăng giá xăng dầu trước khi đề nghị để hay bỏ. 

Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Lê Thị Nga đồng ý đưa sách giáo khoa vào diện Nhà nước định giá, bởi sách giáo khoa là mặt hàng thiết yếu và tác động đến đời sống người dân rất lớn. 

Tham gia giải trình về nội dung các đại biểu quan tâm là Quỹ bình ổn giá, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết: Quỹ bình ổn giá xăng, dầu qua đánh giá tác động trong thời gian vừa rồi là có lợi ích và tác dụng lớn trong quá trình thực hiện vấn đề bình ổn giá xăng, dầu, đặc biệt là sự biến động mạnh nhất của năm 2022, từ đó giá xăng, dầu của chúng ta đã giảm. Tuy nhiên, Bộ trưởng cho hay, đây chỉ là một công cụ, chúng ta đang còn công cụ thuế, công cụ phí, các công cụ về điều tiết, đa dạng hóa nguồn cung hay là giảm giá thành các chi phí khác. 

Bộ trưởng cho biết, khi chúng ta giảm thuế và phí xuống trong một biện pháp ngắn hạn thì được, nhưng trong dài hạn thì rất khó khăn, đặc biệt là khi đã giảm rồi thì sau này lên cũng là một vấn đề rất khó. 

“Tất nhiên là nhiều biện pháp đồng bộ, tuy nhiên chúng tôi muốn giữ Quỹ bình ổn giá xăng, dầu, thực ra có 300 một lít nhưng tích tiểu thành đại và cùng với các biện pháp khác thì sẽ hỗ trợ cho vấn đề điều chỉnh giá xăng, dầu. Bởi vì xăng, dầu và năng lượng là 2 lĩnh vực an ninh kinh tế quan trọng mà chúng ta phải rất đặc biệt quan tâm”, Bộ trưởng nói.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý, luật sửa đổi lần này cần phải hết sức chú ý xây dựng trên cơ sở tuân thủ cơ chế điều tiết giá cả thị trường, giảm sự điều tiết của Nhà nước.

“Luật Giá sửa đổi lần này là rất quan trọng, có phạm vi rộng, trên nhiều lĩnh vực, vì vậy cần hết sức chú ý về phạm vi điều chỉnh cũng như là đối tượng áp dụng của luật, có thể bao trùm các lĩnh vực, không bị can thiệp quá sâu vào thị trường”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nói.

Cũng theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, việc xây dựng luật sửa đổi phải khắc phục được bất cập, hạn chế các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm liên quan tới giá. 

“Chúng ta đánh giá kỹ trong thời gian vừa qua có hay không, nếu có thì ở mức độ nào và việc phòng trong thời gian tới để các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm liên quan tới giá không thể xảy ra, chú ý công cụ để bình ổn giá bảo đảm nhất quán chủ trương của Đảng, Nhà nước chúng ta là xây dựng và phát triển đất nước về kinh tế - xã hội trong thời gian tới”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh./.

 
Vy Anh
151 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1094
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1094
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87115822