Quang cảnh buổi làm việc
Dự án “Hành lang bảo tồn đa dạng sinh học Tiểu vùng Mê Công mở rộng - giai đoạn 2” (BCC) tỉnh Quảng Trị có mục tiêu nhằm tăng cường năng lực cho các cấp tỉnh, huyện, thị xã vùng dự án trong việc quy hoạch hành lang đa dạng sinh học, xây dựng kế hoạch quản lý hành lang và thực hiện kế hoạch. Phục hồi và trồng rừng nhằm khôi phục tính liên kết của các hành lang đa dạng sinh học và tăng diện tích rừng trung bình - giàu trong 12 xã đã được lựa chọn trong vùng hành lang đa dạng sinh học. Cung cấp các giải pháp tạo sinh kế và các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ gắn với cơ sở hạ tầng quy mô nhỏ góp phần giảm nghèo và cải thiện đời sống cho các dân tộc ít người tại các huyện miền núi nghèo của vùng dự án.
Dự án được thực hiện từ 2012 - 2019 trên địa bàn 12 xã thuộc 2 huyện miền núi Hướng Hóa, Đakrông với nguồn vốn ODA hơn 155 tỷ đồng.
Tính đến 31/3/2019, dự án đã đạt được những kết quả nhất định theo từng hợp phần: Lập quy hoạch hành lang đa dạng sinh học. Tổ chức điều tra và lập hồ sơ giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp cho 10 thôn với tổng diện tích hơn 3.300 ha. Tổ chức xây dựng kế hoạch quản lý rừng 5 năm cho các thôn điểm, các thôn còn lại dự kiến hoàn thành xây dựng kế hoạch 5 năm và hàng năm để trình thẩm định trong quý I/2019.
Từ 2012 - 2017, dự án đã hỗ trợ vật tư sinh kế nông nghiệp cho 477 hộ gia đình ở địa bàn 12 xã của dự án. Các mô hình bao gồm: Mô hình rau vườn nhà, chuối, gia trại lợn bản địa, mô hình nông lâm kết hợp, mô hình vật tư chuồng trại phục vụ chăn nuôi và mô hình trồng bơ xen cà phê. Năm 2018, dự án đã tích cực tổ chức kiểm tra, vận động người dân duy trì các mô hình dự án hỗ trợ. Dự án đã hoàn thành 342,7 ha rừng sinh kế lâm nghiệp. Dự án cũng đã tuân thủ các chính sách an toàn của Ngân hàng ADB: An toàn môi trường, an toàn xã hội và giới...
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, ông Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh: Dự án được thực hiện tại 2 huyện Đakrông và Hướng Hóa từ năm 2012 - 2019 đã mang lại lợi ích rõ rệt cho địa phương về các mặt kinh tế xã hội và môi trường.
Trong những năm qua, cùng với việc củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo từ tỉnh đến xã, Ban quản lý Dự án BCC tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động, thực hiện có kết quả nội dung các hợp phần. Từ nay cho đến khi kết thúc dự án (tháng 9/2019), UBND tỉnh đề nghị Sở TN&MT cùng với các huyện hoàn thiện hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho các hộ gia đình trồng rừng (2.000 ha) và rừng cộng đồng (hơn 3.000 ha) của dự án. Hoàn thành trồng và chăm sóc rừng theo kế hoạch dã được duyệt. Hoàn thiện trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch chi tiết quản lý hành lang đa dạng sinh học kết nối khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông và khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa. Kiểm toán, thanh toán, quyết toán và đóng gói hồ sơ, bàn giao tài sản. UBND tỉnh Quảng Trị cam kết tiếp tục vận hành và có kế hoạch tìm nguồn vốn triển khai các hoạt động duy trì, phát triển dự án.