ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG SINH HOẠT THEO CÁC TIÊU CHÍ: GIẢI PHÁP QUAN TRỌNG NHẰM NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG SINH HOẠT CHI BỘ HIỆN NAY 

Thực hiện Kết luận số 18-KL/TW, ngày 22/9/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư khóa X về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ trong tình hình mới, Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW, ngày 06/07/2018 của Ban Tổ chức Trung ương về Một số vấn đề về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị đã ban hành Quy định số 31-QĐ/TU, ngày 17/7/2019, quy định về tiêu chí đánh giá chất lượng sinh hoạt chi bộ, nhằm quy định về nguyên tắc và các tiêu chí đánh giá chất lượng sinh hoạt thường kỳ của các loại hình chi bộ. Đến nay, sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, việc áp dụng tiêu chí đánh giá từng bước khẳng định là một trong những giải pháp hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ trên địa bàn tỉnh.

Theo Quy định số 31-QĐ/TU đã nêu rõ 07 nội dung đánh giá, chấm điểm một buổi sinh hoạt chi bộ thường kỳ đạt chất lượng gồm: Việc chấp hành giờ giấc sinh hoạt, Tỷ lệ đảng viên dự sinh hoạt; công tác chuẩn bị sinh hoạt chi bộ; tổ chức sinh hoạt chi bộ; thực hiện nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng; kết quả lãnh đạo thực hiện kết luận hoặc nghị quyết của chi bộ, kết thúc sinh hoạt chi bộ. Ngay sau kết thúc phiên sinh hoạt, chi bộ, chi ủy tiến hành chấm điểm (đối với những chi bộ có ít đảng viên, không có chi ủy thì chi bộ chấm và thống nhất kết quả; đối với chi bộ có chi ủy thì chi ủy chấm, thống nhất kết quả và báo cáo với chi bộ tại buổi sinh hoạt kế tiếp). Việc chấm điểm phải nghiêm túc, khách quan, dân chủ, trung thực; phản ánh thực chất chất lượng của buổi sinh hoạt chi bộ. Các cấp ủy, tổ chức Đảng trong toàn tỉnh căn cứ Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW và Quy định của Tỉnh ủy ban hành tiêu chí cụ thể chấm điểm, đánh giá chất lượng sinh hoạt đối với từng loại hình chi bộ trực thuộc theo các mức độ (tốt, khá, trung bình, kém), từ đó lấy kết quả nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ là một tiêu chí quan trọng để đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức đảng, đảng viên hàng năm. Sau khi có kết quả chấm điểm, chi bộ có trách nhiệm báo cáo kết quả sinh hoạt chi bộ trong tháng với cấp ủy cấp trên trực tiếp, cụ thể: các chi bộ trực thuộc đảng ủy thì báo cáo với đảng ủy cơ sở hoặc đảng ủy bộ phận; các chi bộ cơ sở báo cáo với cấp ủy cấp huyện qua ban tổ chức cấp ủy.

Việc thực hiện quy trình sinh hoạt tại các chi bộ luôn bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ; thời gian sinh hoạt được duy trì; nội dung sinh hoạt được chuẩn bị kỹ lưỡng, theo hướng đổi mới, thiết thực, hiệu quả gắn với tình hình thực tiễn ở cơ sở. Tại các buổi sinh hoạt, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên có chuyển biến rõ nét, tỷ lệ đảng viên dự sinh hoạt trung bình đạt từ 85 - 90%. Trong sinh hoạt, cấp ủy các chi bộ chủ động triển khai các vấn đề trọng tâm, thảo luận và ban hành các nghị quyết thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Việc tự chấm điểm theo phiếu đánh giá chất lượng sinh hoạt chi bộ hằng tháng được các chi bộ triển khai nghiêm túc với số điểm trung bình đạt từ 90 - 95 điểm. Bên cạnh đó, hằng tháng, BTV Đảng ủy xã phân công các đồng chí ủy viên BTV Đảng ủy về dự sinh hoạt với các chi bộ để trực tiếp nắm bắt tình hình, kịp thời đưa ra các giải pháp giúp cấp ủy, chi bộ có thêm kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng điều hành, tổ chức các buổi sinh hoạt chi bộ. Nhờ thực hiện nghiêm túc về đánh giá, chất lượng các buổi sinh hoạt chi bộ đã từng bước được nâng lên, các chi bộ đều coi trọng đổi mới nội dung sinh hoạt theo hướng thiết thực gắn với thực tiễn của địa phương, trên cơ sở bám sát vào Tài liệu sinh hoạt chi bộ hàng tháng của Tỉnh uỷ, tiến hành chọn lọc những thông tin nổi bật của đất nước, của tỉnh, để đưa vào cuộc họp. Nhờ phát huy tốt dân chủ trong thảo luận, nên đã khơi dậy và phát huy được trí tuệ của đảng viên trong chuẩn bị và phát biểu ý kiến, thảo luận về một số vấn đề nổi lên trên địa bàn dân cư. Nhiều chi bộ đã ra được nghị quyết đúng về công tác xây dựng Đảng và lãnh đạo các lĩnh vực của đời sống xã hội, các chi hội đoàn thể trên địa bàn thôn và tổ chức thực hiện có hiệu quả, tạo chuyển biến mọi mặt ở địa phương. Nghị quyết gắn với giải quyết các vấn đề trọng yếu trên địa bàn như: tập trung các nguồn lực để xây dựng nông thôn mới, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển ngành nghề, giảm hộ nghèo, tăng hộ giàu; bảo đảm an ninh, trật tự; bảo vệ môi trường sinh thái; giải phóng mặt bằng; nâng cao chất lượng hoạt động của các chi hội đoàn thể; giữ vững an ninh trật tự trong các dịp lễ, tết; phòng, chống tệ nạn xã hội; xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh, triển khai thực hiện chỉ thị, nghị quyết của cấp trên.

Sinh hoạt chuyên đề cũng được các chi bộ chú trọng đổi mới nội dung; các buổi sinh hoạt chuyên đề đã thu hút được nhiều ý kiến đảng viên tham gia, tập trung vào các vấn đề như: xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng nông thôn mới, vệ sinh môi trường; các chuyên đề về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đồng thời, thông qua sinh hoạt để chi bộ nắm được tình hình tư tưởng, phẩm chất đạo đức lối sống của đảng viên để từ đó có biện pháp khắc phục xây dựng đảng bộ, chi bộ trong sạch, vững mạnh góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị ở cơ sở.

Thời gian tới, để tiếp tục nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ theo các tiêu chí theo Hướng dẫn của Trung ương và của Tỉnh uỷ. Các cấp uỷ, tổ chức đảng cần tiếp tục thực hiện các giải pháp sau:

Thứ nhất, cần  chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy chi bộ, nhất là đồng chí Bí thư chi bộ cơ sở thông qua việc lựa chọn những đảng viên có năng lực, phẩm chất đạo đức, có sức khỏe, nhiệt tình với công tác, có khả năng tập hợp, quy tụ được cán bộ, đảng viên ở địa phương, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Thứ hai, chi ủy, trước hết là bí thư chi bộ phải chuẩn bị kỹ nội dung sinh hoạt chi bộ, xác định và chọn những việc cụ thể thiết thực liên quan đến thực hiện nhiệm vụ chính trị của chi bộ và quyền lợi của đảng viên, quần chúng, những vấn đề bức xúc, nổi cộm; những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ để đưa ra thảo luận, bàn biện pháp khắc phục. Mỗi đảng viên, nhất là đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và bí thư chi bộ phải nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu trong sinh hoạt chi bộ, giữ gìn đoàn kết thống nhất, tích cực tham gia đóng góp ý kiến trong các buổi sinh hoạt và thực hiện tốt nhiệm vụ được chi bộ phân công.  Kịp thời biểu dương, động viên những đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; nhắc nhở, giúp đỡ những đảng viên có mặt hạn chế, khuyết điểm.

Thứ ba, thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, nâng cao trình độ về công tác Đảng cho đội ngũ bí thư, phó bí thư, cấp ủy chi bộ; chỉ đạo các cấp ủy Đảng tăng cường công tác theo dõi, đôn đốc các chi bộ chấp hành tốt việc tự chấm điểm theo phiếu đánh giá chất lượng sinh hoạt chi bộ hằng tháng; coi đây là một trong những tiêu chí quan trọng đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức cơ sở Đảng hằng năm.

Thứ tư, gắn trách nhiệm cá nhân với tập thể, người đứng đầu cấp ủy và trách nhiệm của cấp ủy viên cấp trên trực tiếp được phân công dự, theo dõi, hướng dẫn sinh hoạt chi bộ. Cấp uỷ, uỷ ban kiểm tra các cấp tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành nền nếp chế độ sinh hoạt; việc đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt của cấp uỷ cấp dưới và chi bộ, nhất là nội dung chuẩn bị của chi ủy; sổ biên bản sinh hoạt chi ủy, chi bộ. Phạm Xuân Ngọc

 

18519 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Thông tin hướng dẫn, trao đổi nghiệp vụ

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 520
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 521
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88049928