Đánh giá cao sự phục hồi mạnh mẽ của Việt Nam 

(ĐCSVN) – Cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đều đánh giá cao sự phục hồi dưới sự chỉ đạo vững vàng và những cam kết quyết liệt của Chính phủ trong thời gian qua.

Trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế thường niên Việt Nam 2022 (VBF) mới diễn ra mới đây, nhiều đại diện các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước đã cùng nhau đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất nhằm góp phần hoàn thiện hơn vào các giải pháp và chính sách phục hồi của Việt Nam sau khi chịu thiệt hại to lớn vì đại dịch COVID-19.

 Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Trần Thị Lan Anh (Ảnh chụp màn hình trên nền tảng trực tuyến)

Cụ thể, Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Trần Thị Lan Anh đã đề xuất một số giải pháp cụ thể nhằm phục hồi và phát triển nền kinh tế sau đại dịch. Theo đó, cần có các quy định giúp doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, hợp tác xã và hộ kinh doanh tiếp cận thông tin chính xác; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn phục hồi sản xuất kinh doanh; đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh cho các chuyên gia nước ngoài; nâng cao hiệu quả các chương trình đào tạo cho người lao động mất việc làm do ảnh hưởng của dịch COVID-19; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin với các thủ tục hành chính; nâng cao hiệu quả thực thi của bộ máy chính quyền; nâng cao khả năng tận dụng ưu đãi thuế quan FTA, khơi thông các chính sách; xác định phát triển kinh tế số là động lực phát triển của nền kinh tế; thúc đẩy phát triển thị trường nội địa, thị trường nội ngành; đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) Inoue Soichi đánh giá cao sự phục hồi mạnh mẽ của Việt Nam dưới sự chỉ đạo vững vàng và những cam kết quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Ông Inoue Soichi đưa ra kiến nghị, Việt Nam cần xây dựng một hệ thống linh hoạt để doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng thuận lợi nguồn vốn trung và dài hạn từ nước ngoài; phát triển cơ sở hạ tầng, tăng cường chuỗi cung ứng, thiết lập hệ thống tài chính kịp thời. Bên cạnh đó, cần có các chính sách nhằm hiện thực hóa môi trường đầu tư, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển thuận lợi và tạo điều kiện để chuyển đổi số là chìa khóa đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc phòng, chống đại dịch COVID-19 cũng như cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP26, đại diện Ban Lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp Anh Quốc tại Việt Nam (BritCham) Nitin Kapoor chúc mừng Chính phủ Việt Nam với các chính sách phục hồi kinh tế - xã hội kịp thời, sớm đưa đất nước quay trở lại mức tăng trưởng trước đại dịch. Ông Nitin Kapoor khuyến khích Việt Nam cần mở cửa trở lại an toàn, tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong và ngoài nước phát triển, đồng thời khẳng định sự đồng hành của BritCham cũng như cộng đồng doanh nghiệp Anh Quốc cùng Việt Nam chuyển sang trạng thái bình thường, đóng góp vào sự tăng trưởng mới của đất nước.

 Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Alain Cany (Ảnh chụp màn hình trên nền tảng trực tuyến)

Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Alain Cany hoan nghênh chiến lược triển khai tiêm vắc-xin nhanh chóng đã giúp Việt Nam mở cửa trở lại, các doanh nghiệp đã có tín hiệu lạc quan khi chỉ số môi trường kinh doanh của EuroCham (BCI) đã tăng 42 điểm phần trăm so với quý III/2021, đạt gần 61 điểm phần trăm vào tháng 01/2022. Việt Nam có cơ hội thu hút làn sóng đầu tư mới bằng cách tận dụng các hiệp định mới đã đạt được.

Nhằm khôi phục và phát triển chuỗi cung ứng trong trạng thái bình thường mới, ông Alain Cany đã đưa ra các đề nghị để phát triển hệ thống điện và năng lượng của Việt Nam sau Hội nghị COP26; khuyến khích phát triển điện gió ngoài khơi; các quy định về nhập cảnh cho người nước ngoài, mở cửa lại ngành du lịch một cách an toàn. Việc sớm quay trở lại trạng thái trước đại dịch là điều cần thiết để mang lại dòng vốn FDI sớm trở lại Việt Nam trong tương lai khi Việt Nam đang ở một vị thế mạnh hơn để phát triển thịnh vượng hơn.

 Tin ở chương trình phục hồi kinh tế - xã hội của Chính phủ (Ảnh: PV)

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) John Rocher chia sẻ rằng, yếu tố quan trọng nhất để phục hồi là tạo một môi trường minh bạch, khuyến khích đầu tư, thúc đẩy chuỗi cung ứng và duy trì mức tăng trưởng của các nhà đầu tư FDI tại Việt Nam. Ngoài ra, tạo một thị trường tài chính ổn định, đảm bảo hệ thống thủ tục thông thoáng, minh bạch nhằm giải quyết các nút thắt giữa các doanh nghiệp Hoa Kỳ cũng cần được ưu tiên. AmCham sẽ tiếp tục duy trì các hoạt động với Việt Nam trên cơ sở đảm bảo các chính sách nhất quán và tính riêng tư trên cơ sở dữ liệu, thúc đẩy tham gia chuỗi cung ứng,… AmCham sẵn sàng cùng các bộ, ngành, cơ quan Việt Nam thực hiện các chương trình đào tạo dạy nghề để nâng cao kỹ năng cho người lao động, tạo thuận lợi cho các chuyên gia của cả hai bên tham gia đào tạo để đạt được các mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham) Kim Han Yong cho biết, việc cần được ưu tiên sau đại dịch là thúc đẩy phục hồi nền kinh tế, đảm bảo tăng trưởng kinh tế - đầu tư cũng như tạo ra một môi trường thông thoáng, đáp ứng được tiêu chuẩn toàn cầu. Việt Nam đã mở ra nhiều cơ hội về năng lượng mới, năng lượng tái tạo,… và đây là cơ hội hợp tác giữa hai bên cùng phát triển trong lĩnh vực năng lượng khi nhiều doanh nghiệp năng lượng của Hàn Quốc đang có kế hoạch xúc tiến đầu tư tại Việt Nam. Ngoài ra, việc Hiệp định RCEP có hiệu lực cũng sẽ là một cơ hội để thúc đẩy sâu sắc thêm mối quan hệ đối tác Việt Nam - Hàn Quốc.

Đại diện các Hiệp hội Thành viên Liên Kết, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Xinh-ga-po tại Việt Nam Seck Yee Chung đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong việc phòng, chống dịch COVID và đảm bảo các chính sách hỗ trợ, ưu đãi nhằm giúp các doanh nghiệp nước ngoài yên tâm đầu tư tại Việt Nam. Việc Chính phủ đã và đang tập trung phát triển nền kinh tế số khi khuyến khích sử dụng các cổng nộp tài liệu trực tuyến, thư điện tử… sẽ giúp Việt Nam vươn lên thành nước phát triển.

 Quyền Giám đốc Quốc gia cấp cao Tổ chức Tài chính Quốc tế Amy N. Luinstra (Ảnh chụp màn hình trên nền tảng trực tuyến)

Quyền Giám đốc Quốc gia cấp cao Tổ chức Tài chính Quốc tế Amy N. Luinstra cho rằng, mặc dù do đại dịch COVID-19 nhưng Việt Nam vẫn đạt được những kết quả trong thu hút FDI, xuất khẩu, thặng dư thương mại; môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện đáng kể; đây là những kết quả rất tích cực, đặc biệt là trong bối cảnh rất khó khăn. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang đối mặt với những khó khăn như mức độ tăng trưởng, năng suất bị tác động, sự đứt gãy của chuỗi giá trị, cung ứng, biến đổi khí hậu,… và cần có những thay đổi chiến lược trong tương lai, nâng quy mô doanh nghiệp FDI, tăng cường liên kết doanh nghiệp trong nước với nước ngoài tham gia chuỗi cung ứng.

Do đó, Việt Nam cần đổi mới hướng tới những thách thức cần giải quyết, thúc đẩy số hóa liên ngành, nâng cao năng suất lao động, thu hẹp khoảng cách lao động có tay nghề thấp để nâng cao kỹ năng cho người lao động; thay đổi để hướng tới tăng trưởng xanh và bền vững; giải quyết những thách thức liên quan đến đại dịch COVID-19. Bà Amy N. Luinstra tin tưởng rằng, Việt Nam tiếp tục thúc đẩy khả năng chống chịu, đạt mục tiêu tăng trưởng cao hơn, bao trùm hơn và khẳng định, IFC sẽ hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu đề ra.

 
Lê Anh
283 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 667
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 667
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87235330