|
Ảnh minh họa. Nguồn: TL |
Trẻ em là đối tượng yếu thế, còn non nớt, dễ bị tổn thương, không có khả năng tự bảo vệ mình. Hơn bao giờ hết, trẻ em cần bàn tay chăm sóc nuôi dưỡng của người lớn. Tuy nhiên trong thực tế cuộc sống, còn biết bao trẻ em bị chính người thân trong gia đình ruồng rẫy, bao nhiêu trẻ em bị bóc lột sức lao động, bị lạm dụng tình dục, bị bạo hành trong chính những môi trường được cho là cần tình yêu thương nhất.
Theo số liệu thống kê của Bộ Công an, chỉ tính riêng năm 2020 cả nước phát hiện 1.945 vụ, xâm hại 2.008 trẻ em (trong đó xâm hại tình dục 1.349 vụ, 1.576 trẻ em bị xâm hại tình dục). Đặc biệt, thời gian gần đây, chúng ta đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19, thực hiện giãn cách xã hội khiến hàng triệu trẻ em không được tới trường, hoặc phải nghỉ hè sớm hơn quy định. Do hạn chế tiếp xúc bạn bè, giáo viên, các thành viên gia đình, xã hội đã khiến trẻ em trở nên dễ bị tổn thương hơn.
Cùng với đó, nhiều vụ án đau lòng xảy ra trong thời gian qua liên quan tới trẻ em đã gây ra sự phẫn nộ trong dư luận đối với kẻ thủ ác. Nhiều vụ việc, hành vi xâm hại trẻ em chưa được phát hiện, ngăn chặn kịp thời, có vụ việc xử lý chưa nghiêm. Bên cạnh đó, các văn bản quy phạm pháp luật còn có những khoảng trống nhất định, còn thiếu các quy định triển khai chính sách về bảo vệ trẻ em… Điều đó phần nào cho thấy, công tác bảo vệ trẻ em ở nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức, kịp thời. Không ít trẻ em vẫn chưa nhận được sự quan tâm, chăm sóc, giáo dục, bảo vệ cần thiết nên bị xâm hại cả về thể xác lẫn tinh thần.
Không chỉ bị bạo lực nơi chính những người thân, hiện nay việc học tập, giải trí của nhiều em gần như gắn chặt với máy tính, điện thoại và internet, hạn chế việc tham gia vui chơi ở ngoài đã khiến cho trẻ em có nhiều nguy cơ hơn bị xâm hại trên môi trường mạng…
Thực tế cũng cho thấy, Việt Nam là một trong những nước có số lượng người sử dụng internet cao. Mạng xã hội cũng rất phổ biến với khoảng 64 triệu người sử dụng, trong số đó có một số lượng lớn là trẻ em và người chưa thành niên.
Các nghiên cứu khảo sát gần đây cho thấy, trẻ em Việt Nam đã bị bắt nạt và quấy rối trên mạng, tự đặt mình vào nguy hiểm khi chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng bao gồm cả việc chia sẻ những hình ảnh và video gợi cảm và thiết lập các mối quan hệ trên mạng mà không nhận thức được các rủi ro tiềm ẩn. Trẻ em cũng là đối tượng dễ bị xâm hại và bóc lột tình dục trên mạng. Những hiểm họa trên cho thấy, đã đến lúc chúng ta phải hành động, bảo vệ quyền cho mọi trẻ em và cần hành động một cách mạnh mẽ hơn nữa.
Để bảo vệ trẻ em, những mầm non tương lai của đất nước, tại lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em và khai mạc hè năm 2022 diễn ra tối ngày 31/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: 3 trụ cột chính ảnh hưởng đến đời sống của trẻ em, đó là gia đình - nhà trường - xã hội.
Thủ tướng nêu rõ: Đối với gia đình, mỗi gia đình hãy là "ngôi nhà xanh" hạnh phúc cho các cháu với trách nhiệm của cha mẹ nuôi nấng, dạy dỗ. Đối với nhà trường, hãy là nơi để "mỗi ngày đến trường là một niềm vui"; ở đó các cháu coi thầy cô là cha mẹ thứ 2 của mình, chia sẻ và thực hiện khát vọng cuộc sống. Đối với xã hội, cần hướng đến cụm từ "trách nhiệm và yêu thương", đó là trách nhiệm của quốc gia, cơ quan, bộ, ngành, tổ chức và mỗi cá nhân đối với trẻ em.
Từ 3 trụ cột đó, Thủ tướng kêu gọi mỗi cá nhân trong cộng đồng hãy hành động vì trẻ em bằng trách nhiệm và tấm lòng nhân ái. Đồng thời, xã hội lên án mạnh mẽ và xử lý nghiêm những hành vi sai trái với trẻ em.
Trước việc các vụ xâm hại trẻ em ngày càng gia tăng, thậm chí còn tăng nhiều hơn trong thời gian giãn cách vì COVID-19, các chuyên gia cho rằng yêu cầu cấp bách đặt ra hiện nay là cần có các giải pháp mạnh mẽ hơn trong việc bảo vệ trẻ em.
Tại phiên thảo luận của Quốc hội về Dự án Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi), diễn ra chiều ngày 31/5 nhiều đại biểu Quốc hội cũng đề nghị cần phải có quy định riêng trong phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em.
Cho rằng, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em trong môi trường gia đình là rất quan trọng, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa (Hải Dương) nêu rõ, thời gian qua, mặc dù công tác phòng chống bạo lực gia đình nói chung và bạo lực đối với trẻ em nói riêng đã được quan tâm chỉ đạo, cải thiện nhưng số lượng các vụ việc bạo lực đối với trẻ em trong môi trường gia đình vẫn còn ở mức cao và trong thời gian gần đây có nhiều vụ việc đã gây ra hậu quả nghiêm trọng. Do đó, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em trong môi trường gia đình là rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến việc hình thành và phát triển nhân cách của trẻ em trong tương lai cũng như xây dựng những gia đình văn hoá, gia đình không bạo lực trong tương lai.
Đại biểu cũng nêu rõ, nguyên tắc vì lợi ích tốt nhất của trẻ em là nguyên tắc xuyên suốt, được xác định trong các văn bản của Đảng đã được khẳng định trong Luật trẻ em và cần được tiếp tục thể hiện trong Luật này, không chỉ ở các nguyên tắc chung mà còn trong toàn bộ các quy định của dự thảo luật.
“Trẻ em trong phạm vi điều chỉnh của Luật Phòng chống bạo lực gia đình là một trong những đối tượng yếu thế, là người bị bạo lực, có đặc điểm riêng, chưa phát triển hoàn thiện, sống phụ thuộc, khả năng tự bảo vệ và nhận thức về bạo lực gia đình còn hạn chế, còn yếu thế hơn những đối tượng yếu thế khác trong gia đình bao gồm phụ nữ, người già, người khuyết tật… nên cần được xác định là chủ thể đặc thù để có một nguyên tắc riêng; cũng như có một hệ thống các quy định riêng, xuyên suốt trong dự thảo Luật”, đại biểu kiến nghị.
Bức xúc trước thực trạng trẻ em bị xâm hại và bạo lực gia đình ngày càng tăng, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng, Luật Phòng chống bạo lực gia đình dường như vẫn bỏ quên một đối tượng rất quan trọng, rất dễ bị bạo lực gia đình, đó chính là trẻ em, nhất là với những trẻ em nhỏ tuổi. Lý do vì trẻ em là đối tượng yếu thế chưa đủ nhận thức để nhận diện các hành vi bạo lực gia đình, chưa đủ khả năng để tố cáo.
Nữ đại biểu lấy ví dụ gần đây, phát hiện rất nhiều vụ việc trẻ em bị bạo lực gia đình khủng khiếp nhưng không cơ quan đoàn thể nào biết để ngăn chặn sớm, chỉ đến khi trẻ nhập viện trong tình trạng nguy kịch, báo chí lên tiếng thì vụ việc mới được phát hiện và lên án. Khi đó thì đã quá muộn, có những trẻ không qua khỏi.
“Trước thực tế trên, cần có quy định riêng về đối tượng bị bạo lực gia đình là trẻ em. Đặc biệt, để có cơ sở nhận biết nạn nhân bạo lực gia đình, trong đó có trẻ em thì cần sàng lọc nạn nhân bị bạo lực gia đình tại các cơ sở y tế", đại biểu đề nghị.
“Trẻ em hôm này, thế giới ngày mai…. Tương lai của đất nước có phồn thịnh hay không là nhờ vào thế hệ ấy. Vì vậy, ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 nói riêng, tháng hành động vì trẻ em nói chung là thời gian để mỗi gia đình và toàn xã hội nâng cao nhận thức cũng như trách nhiệm mình về vai trò, tầm quan trọng của công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Và để trẻ em thực sự trở thành những “mầm xanh” tương lai của đất nước, hãy cùng chung tay xây dựng để những “mầm xanh” đó ngày càng phát triển trong môi trường lành mạnh, đầy đủ tình yêu thương./.