ĐẢNG VỚI DÂN – MỐI QUAN HỆ SONG HÀNH XUYÊN SUỐT QUÁ TRÌNH CÁCH MẠNG 

Về mối quan hệ giữa Đảng với dân, Lênin đã chỉ rõ: Đảng Cộng sản là đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhưng cũng “chỉ là một bộ phận nhỏ trong quần chúng nhân dân”. Một trong những nguy hiểm lớn nhất và đáng sợ nhất đối với Đảng là “tự cắt đứt liên hệ với quần chúng”. Chính vì vậy, để xứng đáng là lãnh tụ chính trị, là đội tiền phong của giai cấp công nhân và Nhân dân lao động và của dân tộc, đòi hỏi Đảng phải “sống trong lòng quần chúng. Biết tất cả. Hiểu quần chúng. Biết đến với quần chúng. Giành được lòng tin tuyệt đối của quần chúng”.

“Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền. Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ, chịu sự giám sát của Nhân dân; dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng; đoàn kết lãnh đạo Nhân dân tiến hành sự nghiệp cách mạng…”. Điều lệ Đảng đã khẳng định như vậy. Trên thực tế, mối quan hệ khăng khít, máu thịt giữa Đảng với Nhân dân luôn luôn được Đảng ta coi trọng trong suốt chiều dài lịch sử cách mạng.

Mối quan hệ giữa Đảng với dân là mối quan hệ tác động qua lại giữa hai chủ thể có vị trí, vai trò, khả năng khác nhau, nhưng cần nhau, quy định lẫn nhau. Dân cần Đảng lãnh đạo, dẫn đường chỉ lối. Đảng cần dân, vì có dân Đảng mới có điều kiện để sinh tồn và hoạt động, mới có lực lượng và khả năng hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình. Vì vậy, về bản chất mối quan hệ giữa Đảng và dân là mối quan hệ biện chứng khăng khít, là tất yếu khách quan xuất hiện ngay từ khi có Đảng và tồn tại trong suốt quá trình hoạt động của Đảng. Do vậy, mỗi giai đoạn cách mạng có những đặc điểm và yêu cầu về nhiệm vụ chính trị khác nhau, do đó, chi phối nội dung và cách giải quyết trong mối quan hệ giữa Đảng và dân.

Tuy nhiên, trong quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng vẫn còn một số hạn chế làm cho mối quan hệ Đảng – dân có phần bị giảm sút. Đó là: Phương pháp công tác của một số tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên rời xa thực tế, xa rời quần chúng, mang nặng bệnh quan liêu. Nhiều chủ trương, chính sách, chế độ của Đảng và Nhà nước chưa xuất phát từ ý kiến, nhu cầu, nguyện vọng của dân. Nhiều cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng của Đảng, chạy theo chủ nghĩa thực dụng, chạy theo đồng tiền. Đặc biệt, tình trạng một số cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức quyền biến chất trở thành những “quan cách mạng”, khiến tệ nạn tham nhũng hiện nay trở nên phổ biến, trầm trọng, trở thành một trong bốn nguy cơ mà Đảng và nhân dân đang phải đối mặt và tìm mọi cách khắc phục. Các đoàn thể quần chúng cũng bị quan liêu hóa, không đổi mới nội dung hoạt động và hình thức, phương pháp tập hợp các tầng lớp nhân dân…

Trước tình hình ấy, việc củng cố và tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng và dân hiện nay là một vấn đề vừa có ý nghĩa thiết thực, cấp bách lại vừa có ý nghĩa chiến lược lâu dài, là điều kiện cơ bản bảo đảm thắng lợi sự nghiệp cách mạng của Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng. Những thành tựu do công cuộc đới mới tạo ra là điều kiện thuận lợi để củng cố tăng cường mối quan hệ giữa Đảng cầm quyền với dân trong thời kỳ mới. Nhưng trong công cuộc đổi mới, hội nhập, phát triển hiện nay, trước yêu cầu của cách mạng, việc tăng cường và củng cố mối quan hệ giữa Đảng với dân càng có ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết. Vì vậy, kiên trì sự lãnh đạo của Đảng là điều kiện tiên quyết bảo đảm thắng lợi của công cuộc đổi mới, phát triển đất nước. Đồng thời, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước phải xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân, đem lại lợi ích thực tế cho nhân dân. Phát huy dân chủ, bảo đảm thực hiện quyền làm chủ thật sự của nhân dân lao động, trong các lĩnh vực đời sống xã hội, người dân trở thành người chủ, dân là chủ, dân làm chủ. Đẩy mạnh công tác dân vận, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân trong thời kỳ mới. Phải có những biện pháp tích cực, kiên quyết ngăn chặn và đẩy lùi các tệ nạn xã hội, nhất là tệ tham nhũng hiện nay. Mặt khác, Đảng tự đổi mới và chỉnh đốn để ngày càng trong sạch, vững mạnh là điều kiện cơ bản bảo đảm tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và dân trong thời kỳ mới.

Đối với mỗi cán bộ, đảng viên cần phải nhận thức đầy đủ về mối quan hệ giữa Đảng với dân, vai trò của Nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng; phải gương mẫu toàn diện, không chỉ về tư tưởng chính trị mà còn phải gương mẫu về hành động, về đạo đức, lối sống; không chỉ gương mẫu trong lời nói mà còn cả trong việc làm trên mọi lĩnh vực, trong mọi hoàn cảnh, mọi lúc, mọi nơi, cả trong tổ chức xã hội và gia đình. Cán bộ cấp trên phải gương mẫu trước cán bộ cấp dưới, đảng viên và nhân dân. Đồng thời, cán bộ, đảng viên phải gần dân, sát dân, hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân, đặt lợi ích của dân lên trước. Thực hiện tốt điều đó góp phần củng cố, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân trong tình hình hiện nay.

Sức mạnh hội tụ của Đảng trước hết và chủ yếu bắt nguồn từ mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân. Đó là mối quan hệ hai chiều, Đảng có trách nhiệm trước Nhân dân, phục vụ Nhân dân. Nhân dân có trách nhiệm đối với sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo. Vì vậy, để ngày càng phát huy được sức mạnh của mình với vai trò lãnh đạo toàn xã hội, Đảng phải tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân, đồng thời không ngừng đổi mới, chỉnh đốn để có đủ năng lực lãnh đạo nhân dân và toàn xã hội trong thời kỳ cách mạng mới hiện nay. Nguyễn Quốc Thanh

 

354 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 586
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 586
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77421729